Trong số những tên tuổi lớn nhất hướng đến bất động sản tỉnh lẻ phải kể đến Tập đoàn Vingroup. Được biết đến nhiều với những dự khu đô thị quy mô lớn tại Hà Nội, TP. HCM và những dự án nghỉ dưỡng tại Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Quốc, nhưng tên tuổi của tập đoàn này gần đây cũng gắn liền với nhiều dự án bất động sản ở các tỉnh nhỏ, với quy mô lên tới cả ngàn tỷ đồng, như dự án Dự án Khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại và shophouse Vincom tại TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, Dự án tổ hợp khách sạn 5 sao - Trung tâm thương mại và nhà phố shophouse tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Trước đó, Vingroup cũng đã tiến hành đầu tư 2 dự án lớn tại Quảng Ngãi là khu tổ hợp thương mại trên đường Lê Quý Đôn, TP. Quảng Ngãi và khu nghỉ dưỡng 2.000 ha ở bãi biển Bình Châu, Bình Sơn. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đầu tư tại nhiều tỉnh, thành khác như Hà Tĩnh, Yên Bái, Hậu Giang, Thái Bình, Tuyên Quang…
Tương tự, danh mục đầu tư của Tập đoàn FLC, ngoài các dự án khu dân cư đang triển khai tại Hà Nội như Twin Towers Cầu Giấy, FLC 36 Phạm Hùng, FLC Star Tower…, còn có nhiều dự án tại các tỉnh, thành khác. Trong đó phải kể đến Dự án FLC Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), quy mô vốn gần 4.000 tỷ đồng đã đưa vào khai thác từ cuối năm ngoái, hay dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng tại Quy Nhơn, Khánh Hòa vừa chính thức đi vào hoạt động cách đây không lâu.
Nói về xu hướng đầu tư vào các tỉnh lẻ, còn có thể kể đến nhiều đại gia địa ốc lớn khác như BRG, CEO, Sungroup, Novaland, Alphanam, Việt Hưng… với nhiều dự án có quy mô vốn lên tới cả ngàn tỷ đồng tại các địa phương như Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, An Giang, Bình Thuận…
Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những động lực thúc đẩy các doanh nghiệp địa ốc đua nhau đầu tư vào thị trường tỉnh lẻ, bắt nguồn từ sự bão hòa của thị trường tại các trung tâm hành chính kinh tế lớn của cả nước, khi nhu cầu của người mua nhà đã bắt đầu “hạ nhiệt” kể từ cuối năm 2015, sau giai đoạn bùng nổ trước đó.
Theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea), ưu điểm của nhiều tỉnh, thành cỡ vừa và nhỏ là việc sẽ sở hữu những quỹ đất “sạch” rất lớn, đồng thời nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ chính quyền địa phương, đặc biệt là những khu vực đang trên đà phát triển và bắt đầu có nhu cầu cao về nhà ở.
Đại diện một doanh nghiệp đang triển khai dự án có quy mô tới 50 ha tại An Giang cho hay, điều dễ hiểu khi đầu tư vào tỉnh lẻ không những nhận được những chính sách ưu đãi về thuế hấp dẫn, chủ đầu tư còn không bị hạn chế nhiều về các thủ tục như tại Hà Nội hay TP. HCM. Đồng thời, hạ tầng giao thông của những đô thị này hiện nay cũng khá ổn và các dự án chủ yếu nằm trên các trục đường cao tốc dẫn thẳng vào trung tâm các thành phố, khá thuận lợi để di chuyển.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đầu tư vào tỉnh lẻ không phải dễ, mà đòi hỏi các chủ đầu tư phải có tiềm lực về tài chính đủ mạnh. Bởi lẽ, thị trường tỉnh lẻ khác xa so với các thành phố lớn, đặc biệt là mặt bằng thu nhập của người dân. Vì vậy, cần phải có sự tính toán rất kỹ càng về phân khúc theo đuổi. Ngoại trừ các dự án nghỉ dưỡng, du lịch, vì đối tượng mua thường không phải người địa phương, còn những dự án khu dân cư, phải đặc biệt phải lưu ý điều này.
Ngoài ra, dù nhận được sự hỗ trợ tích cực từ lãnh đạo địa phương, song việc thi công dự án tại các tỉnh lẻ cũng không thực sự dễ dàng, đặc biệt là tại các cùng đất mà điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như Ninh Thuận hay Bình Thuận..., có thể sẽ ảnh hưởng khá lớn đến tiến độ các hạng mục. Hơn nữa, do khoảng cách địa lý, chủ đầu tư thường phải tổ chức chương trình tham quan giới thiệu dự án, tiền di chuyển khá tốn kém, làm gia tăng các chi phí truyền thông, bán hàng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây cũng là điểm cạnh tranh mà các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay phải lưu tâm khi quyết định đầu tư tại các tỉnh lẻ.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com