Tập đoàn AEON của Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần số lượng trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2025.

Tập đoàn AEON của Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần số lượng trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2025.

Đại gia bán lẻ: Kẻ cười, người khóc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm nay gặp khó khăn, người dân phải cắt giảm chi tiêu khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ giảm hiệu quả kinh doanh, mất đà tăng tốc, thậm chí phá sản.

Nhiều ông lớn ngậm ngùi rút lui

Trong báo cáo mới đây, Parkson Retail Asia cho biết Parkson sẽ rời khỏi thị trường Việt Nam sau 18 năm hoạt động vì không còn khả thi về mặt thương mại. Việc Parkson rời khỏi Việt Nam cho thấy sức mua trên thị trường bán lẻ đang suy giảm rất mạnh.

Đại diện Parkson Retail Asia cho biết giai đoạn dịch bệnh đã tạo ra môi trường kinh doanh nhiều thách thức, chưa kể chi phí tăng cao, sức mua suy giảm kết hợp xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh khiến công ty bế tắc. Parkson Việt Nam cũng đã nộp đơn lên tòa án tại TP.HCM để bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện.

Parkson ở giai đoạn đầu đặt chân vào Việt Nam năm 2005 đã tạo được ấn tượng mạnh khi xuất hiện tại ngay khu trung tâm TP.HCM quận 1 - SaigonTourist Plaza và gặt hái được nhiều thành công. Từ đó nhà bán lẻ này đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với những trung tâm thương mại hiện đại nhất thời bấy giờ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng…

Có thể nói, Parkson là một trong những đơn vị tiên phong trong vận hành trung tâm thương mại hiện đại tại Việt Nam, tuy nhiên sau khoảng 10 năm hoạt động, đơn vị này bắt đầu phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mạnh từ cả trong và ngoài nước. Các đơn vị mới này nổi bật hơn với cách tiếp thị độc đáo hơn, nhiều gian hàng đa dạng và phong phú hơn khiến "anh cả" Parkson trở nên "già nua" và không còn hấp dẫn.

Khoảng năm 2014, đã xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ nặng ký cạnh tranh trực tiếp với Parkson như Vincom, Aeon Mall, Takashimaya… với quy mô hoành tráng và hiện đại hơn khiến kết quả kinh doanh của Parkson liên tục đi xuống, buộc nhà đầu tư Parkson phải tái cấu trúc lại. Những năm gần đây, Parkson liên tục đóng cửa các trung tâm thương mại tại Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM như trung tâm thương mại Parkson ở Thái Hà (Hà Nội), Parkson ở Lê Đại Hành (quận 11, TP.HCM), Parkson Paragon (quận 7, TP.HCM), Parkson Cantavil (quận 2, TP.HCM), chỉ giữ lại mỗi Parkson Saigon

Tourist Plaza ở quận 1. Nhưng đến nay, Parkson phải đóng trung tâm thương mại cuối cùng tại Việt Nam.

Mới đây, eDigi, đại lý theo tiêu chuẩn cao nhất của Apple tại Việt Nam của công ty Imex Pan Pacific

Group (IPPG) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn đứng sau đã dừng hoạt động sau gần 5 năm. IPPG mở đại lý phân phối sản phẩm Apple từ tháng 9/2018 và mở cửa hàng eDigi tại vị trí đắc địa ở quận 1, TP.HCM. eDigi là một trong số ít đại lý tại Việt Nam đạt chuẩn cấp cao nhất của hãng công nghệ Mỹ là Apple Premium Reseller (APR) và Apple Service Provider (ASP).

Đại diện hãng cho biết, quyết định đóng cửa hàng eDigi vì thị trường bán lẻ thiết bị công nghệ diễn biến tiêu cực, nhu cầu đi xuống, doanh số ngày càng thấp. Cùng với đó, eDigi cũng không thể cạnh tranh lại với các sản phẩm Apple xách tay từ nước ngoài với giá bán rẻ hơn do phải chịu nhiều chi phí, thuế hơn nên giá thường cao hơn các mặt hàng điện thoại xách tay.

Thị trường điện thoại thông minh và đồ điện tử cũng rất ảm đạm trong năm nay khi lợi nhuận quý đầu năm của 2 “ông lớn” là Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) và Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT - FPT Retail (mã FRT) đều giảm mạnh trên 90% bởi sức mua các mặt hàng công nghệ sụt giảm nghiêm trọng. Các doanh nghiệp này đã lường trước vấn đề này từ đầu năm khi FPT Retail (công ty mẹ của FPT Shop) đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay chỉ bằng một nửa so với năm ngoái, xuống 240 tỷ đồng. Còn Thế giới di động chỉ đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 1% trong năm nay.

Thế nhưng, tình hình còn có vẻ tồi tệ hơn dự đoán của các doanh nghiệp này khi hết quý I/2023, Thế giới di động mới chỉ hoàn thành 0,5% kế hoạch lợi nhuận năm với lợi nhuận đạt 21,28 tỷ đồng, giảm 98,5% so với cùng kỳ năm trước. FPT Retail cũng không khá hơn khi lợi nhuận chỉ đạt 2 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ và chỉ mới thực hiện được 8,3% kế hoạch năm đặt ra.

Bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng và dược phẩm lại khởi sắc

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 đã tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Q&Me thì WinMart+ hiện là chuỗi bán lẻ dẫn đầu thị trường về số lượng cửa hàng. Tính đến tháng 3/2023, đơn vị này sở hữu 3.049 cửa hàng khắp cả nước, tăng 448 điểm bán sau một năm. Trong khi đó, Bách Hóa Xanh thuộc Công ty Thế giới di động thì phải định hình lại chiến lược nên đã đóng gần 20% số lượng cửa hàng.

Cũng theo báo cáo Q&Me thì ngành dược phẩm là ngành tăng nóng nhất trong hoạt động mở rộng chuỗi cửa hàng với số lượng các chuỗi nhà thuốc đã tăng gần 4 lần trong hơn 3 năm qua. Theo đó, từ khoảng 680 điểm bán vào năm 2020, tới tháng 3/2023, đã có gần 2.700 điểm bán của các chuỗi dược phẩm được Q&Me thống kê trên cả nước.

Xét về số lượng thì chuỗi Long Châu của FPT Retail hiện đứng đầu với 1.016 điểm bán, Pharmacity đứng thứ hai với 937 điểm, trong khi An Khang của Thế giới di động cách khá xa với 524 điểm. Và Long Châu cũng là chuỗi nhà thuốc có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022 vừa qua, với gần 500 điểm bán tăng thêm.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, quy mô thị trường ngành bán lẻ Việt Nam hiện đã lên tới 142 tỷ USD. Dự báo con số này sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP. Vậy nên, thị trường này đã thu hút được nhiều tên tuổi bán lẻ đình đám của nước ngoài như Central Retail Corporation (CRC) của Thái Lan và tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản AEON.

Tập đoàn Central Retail, sở hữu thương hiệu trung tâm thương mại GO! (Big C) mới đây đã công bố khoản đầu tư 1,45 tỷ USD vào Việt Nam cho kế hoạch mở rộng hoạt động trong giai đoạn 5 năm 2023-2028. Ông Christian Olofsson, Giám đốc điều hành Khối Phát triển bất động sản, Central Retail Việt Nam đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn và sôi động nhất ở Đông Nam Á. Đó là bởi Việt Nam sở hữu nền tảng chính sách cởi mở và ổn định, tỷ lệ dân số trẻ có mức thu nhập và tài sản cá nhân ngày càng tăng.

Tập đoàn AEON của Nhật Bản cũng đã đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần số lượng trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2025. Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam nhận định thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển và Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng. Đầu tiên là Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao. Thứ hai là Việt Nam có tiềm năng về dân số trẻ và lượng tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh, thu nhập người Việt gia tăng cũng là cơ hội cho các nhà bán lẻ thay đổi và phát triển, khi khách hàng mong muốn sử dụng và trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ tốt, cao cấp hơn.

“Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản để tăng tốc đẩy mạnh hoạt động đầu tư”, ông Furusawa nhấn mạnh.

Đại diện AEON cũng cho biết, đến nay, Việt Nam là thị trường tập đoàn này đầu tư lớn nhất trên thế giới với 1,18 tỷ USD. AEON hiện có 6 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM. Dự kiến một trung tâm thương mại tại Huế sẽ được mở vào năm sau. AEON cũng đang có kế hoạch sẽ mở thêm 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập trung vào kinh doanh siêu thị, trung tâm giải trí và tăng nhập hàng Việt để phân phối tại hơn 20.000 trung tâm thương mại tại Nhật Bản.

Tin bài liên quan