Đại biểu Đỗ Văn Đương, TP. HCM - Ảnh: Dân trí
Trong số 29 ý kiến đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 8/6/2015, hầu hết đều dành phần lớn thời gian trao đổi về những tồn tại của ngành nông nghiệp đất nước.
Đó là thực trạng về một nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp còn yếu kém, hạn chế; nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất dư thừa do thiếu thông tin thị trường, thiếu chiến lược dài hơi, chạy theo mùa vụ, nhu cầu ảo dẫn đến những thua thiệt của người sản xuất nông nghiệp; tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa"…
Theo đại biểu Trần Khắc Tâm (đoàn Sóc Trăng), đã đến lúc, chúng ta phải trả món nợ với nông nghiệp.
Sốt ruột với việc nông sản làm ra không bán được, phải đổ bỏ, đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) đề nghị: Chính phủ đẩy nhanh tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó tập trung giải quyết những vướng mắc hiện nay là công tác quy hoạch sản xuất; Đồng thời, cần xác định rõ lợi thế, thế mạnh, các sản phẩm của vùng, địa phương, quốc gia để chuyển dịch cơ cấu một cách hợp lý, bền vững; mở rộng quy mô và vận dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, giống, để nâng cao giá thành sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, làm bà đỡ cho nông dân trong việc mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Đại biểu Trần Dương Tuấn (Bến Tre) thì cho rằng: Cần có cơ chế phối hợp trong thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, Chính phủ xem xét cho thành lập tổ công tác liên bộ để phối hợp trực tiếp giải quyết các vấn đề khó khăn, đặc biệt là đề xuất cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đại biểu cho rằng cần quan tâm tới các địa phương đã có đề án tốt đang tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp đúng hướng để nhân rộng mô hình…
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. HCM) nhấn mạnh đến thực trạng ế ẩm của dưa hấu, hành tím, và hiện nay là cây mắc ca đang được trồng ồ ạt ở nhiều nơi, liệu cây mắc ca có rơi vào tình trạng như khoai lang, hay hành tím nữa hay không?
"Gần như năm nào Chính phủ cũng ứng tiền ra để thu mua tạm trữ lúa gạo. Chúng ta đã đánh giá hiệu quả tác động của giải pháp tình thế này đến đâu, bà con nông dân được khởi nguồn như thế nào? Nền nông nghiệp nước ta là nền nông nghiệp làm theo phong, trào tạo ra nhiều sản phẩm dẫn đến hàng hóa, nông sản ế ẩm; một nền nông nghiệp mà người nông dân thiếu thông tin về thị trường, chỉ sản xuất cái mình có mà không sản xuất cái thị trường cần. Câu hỏi đặt ra là vai trò định hướng của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương ở đâu?”, Đại biểu Đỗ Văn Đương nói.
Đại biểu Lê Thị Tâm (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn vẫn còn những bất cập. Mặc dù, Chính phủ đã triển khai rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ tín dụng nhằm hỗ trợ cho nông dân mua máy móc, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực thi còn những hạn chế, nguyên nhân chính là do một số quy định về vay vốn không phù hợp. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi còn gặp những khó khăn nhất là doanh nghiệp sản xuất áp dụng công nghệ cao.
Theo đại biểu Lê Thị Tâm, việc hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra những cơ hội phát triển kinh tế nước ta. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn đối với nền kinh tế thị trường khi chúng ta chưa sẵn sàng cho các giải pháp để đối phó với sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường trong đó có thị trường nông sản.
"Ngành nông nghiệp nước ta đang phải chịu áp lực lớn đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu từ nước ngoài. Chỉ riêng nguyên liệu nhập khẩu làm thức ăn gia súc năm 2014 là 9,6 triệu tấn, giá trị nhập khẩu là 4,1 tỷ USD, trong khi điều kiện đất đai, khí hậu của nước ta rất thuận lợi cho sản xuất, đây là một bất cập lớn, cần phải khắc phục. Để khắc phục tình trạng này, các sản phẩm nông nghiệp cần được quy hoạch và đầu tư đồng bộ", đại biểu Tâm đề xuất.