Sau khi nhận chức Tổng giám đốc Agribank, 3 tháng sau, Phạm Thanh Tân đã cho tổng kiểm tra tại TP. Hà Nội và TP. HCM. Riêng các chi nhánh ở Hà Nội, theo Nghị quyết 70 thì không kiểm tra.
"Đến ngày 1/11/2009, tôi đã cho đánh giá lại toàn bộ về việc nâng quyền phán quyết cho vay, lúc đó ký báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước và đề nghị thay đổi mô hình cho vay. Nhưng sau đó, thì nhận được thông báo đã bị cách chức.
Tôi đã mạnh dạn báo cáo về thực trạng của Ngân hàng, nhưng không có ai bảo vệ tôi. Hậu quả cho vay là tất yếu từ năm 2009 cho đến nay” - Phạm Thanh Tân nói.
Phạm Thanh Tân (SN 1955), được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Agribank từ thời gian 6/2009 -7/2011. Trong vụ án xảy ra tại Agribank, Phạm Thanh Tân bị quy kết có hành vi Lợi dụng, chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong việc ký duyệt cho chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD trái với yêu cầu của Nghị quyết HĐQT (chi nhánh tự thu xếp từ nguồn vốn tài trợ thương mại hoặc nguồn vốn huy động khác).
"Tôi phải xử lý 17 triệu giao dịch trên 1 ngày. Không thể nào tôi nhớ tỉ mỉ 1 giao dịch nào. Thả gà ra đuổi, tôi không thể đuổi được vì chân tôi mỏi lắm" - bị cáo Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank.
Nếu Phạm Thanh Tân thực hiện đúng, Chi nhánh Nam Hà Nội sẽ không đủ tiền giải ngân cho Dự án Luxfashion, gây thiệt hại 40 triệu USD.
Phạm Thanh Tân cũng bị cáo buộc đã hưởng lợi 310.000 USD qua việc cho doanh nghiệp vay vốn. Trước Hội đồng xét xử, Phạm Thanh Tân phủ nhận việc này, chỉ thừa nhận đã nhận 60.000 USD.
Trình bày trước tòa, vợ của Phạm Thanh Tân cho biết, đã nộp 2,1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội, người đã đưa tiền cho Tân khẳng định, đã đưa nhiều lần và tổng số tiền là 310.000 USD.
Về trách nhiệm đối với khoản thiệt hại, Phạm Thanh Tân khẳng định, đã làm đúng quyền hạn, chức trách của Tổng giám đốc. Theo bị cáo, Tổng giám đốc có quyền điều hành ngân hàng, được phép điều động vốn toàn bộ hệ thống khi có nhu cầu vốn ở chi nhánh. Vốn mà bị cáo ký duyệt cho Chi nhánh Nam Hà Nội là vốn tạm thời không phải vốn cân đối trong kế hoạch.
Thời điểm đó, Agribank đang dư thừa 1 tỷ USD. Tổng giám đốc được quyền điều hành, cân đối giữa nơi thừa và nơi thiếu. Đây không phải là vốn kế hoạch, nếu là vốn trong kế hoạch thì chi nhánh sẽ không phải trả lại cho trụ sở.
Phạm Thanh Tân đã giải quyết trên 50 triệu USD trong số dư thừa này, số còn lại là vay tài trợ thương mại.
Cũng theo bị cáo, không có dự án nào chỉ có 1 nguồn vốn, do đó việc dự án được vay từ nhiều nguồn vốn là bình thường. Việc điều hành vốn của bị cáo là đúng, không sai.
Trả lời về phần giải ngân mua 6 thương hiệu, Phạm Thanh Tân thừa nhận, đây là tiền lệ Agribank chưa thực hiện trước đó. Cựu Tổng giám đốc cho rằng, bản thân đã lưu tâm đến khoản cho vay này và bị cáo tin tưởng vào cấp dưới. Tương tự, đối với nâng quyền phán quyết cho vay 400 tỷ đồng với Công ty cổ phần Lifepro Việt nam, Tân khẳng định, cấp dưới làm phải chịu trách nhiệm.
Theo lời bị cáo, hàng tháng, hàng quý đều có báo cáo kết quả thực hiện. Nghị quyết 62 nói trước khi giải ngân, chi nhánh phải báo cáo, thực tế chi nhánh không báo cáo. Tòa hỏi dồn: “Chi nhánh không báo cáo, bị cáo có yêu cầu không?”. Phạm Thanh Tân giải thích: "Nghị quyết của HĐQT giao cho tôi, sau đó giao cho chi nhánh, giao luôn cho ban tín dụng thì tôi điều hành ai"?
Cựu tổng giám đốc bức xúc: “Tôi phải xử lý 17 triệu giao dịch trên 1 ngày. Không thể nào tôi nhớ tỉ mỉ 1 giao dịch nào. Thả gà ra đuổi, tôi không thể đuổi được vì chân tôi mỏi lắm”.
Xuyên suốt quá trình từ dự án Dệt-Nhuộm-May đến Luxfashion, với vai trò là Tổng giám đốc, ký Nghị quyết nâng quyền phán quyết cho vay, Tân khai nhận, đã thành lập tổ thẩm tra, kiểm soát nhưng trong văn bản không đề cập đến hậu quả.
Hội đồng xét xử tiếp tục “truy” trách nhiệm của Tân về việc trình các Nghị quyết phê duyệt mức cho vay tối đa 150 triệu USD cho Chi nhánh Nam Hà Nội. Trả lời câu hỏi “Bị cáo có nghĩ hạn mức này chi nhánh có đảm bảo được không?”, Phạm Thanh Tân nói: “Câu chuyện này không phải của tôi”.
Phiên tòa vẫn tiếp tục với phần xét hỏi.