Ảnh Internet

Ảnh Internet

Dabaco (DBC) khát vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đầu tư hàng loạt dự án bất động sản thương mại bên cạnh các dự án nhà xưởng, kho bãi phục vụ hoạt động sản xuất chính, nhu cầu vốn của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) rất lớn.

Nặng gánh nợ vay

Năm 2021, mặc dù đặt kế hoạch doanh thu 15.439 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2020, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế Dabaco đưa ra lại giảm 41%, với 827 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco cho biết, Công ty đưa ra kế hoạch trên cơ sở thận trọng với giả định giá lợn hơi năm nay chỉ 50.800 đồng/kg (giá thị trường đang khoảng 76.000 đồng/kg). Ông So kỳ vọng kết quả đạt được của năm 2021 sẽ đi xa hơn so với chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, có một vấn đề đáng quan tâm ở tập đoàn này là nợ vay đang khá lớn. Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, nợ phải trả của Dabaco ghi nhận 5.894 tỷ đồng, chiếm 58,3% trong cơ cấu tổng tài sản và gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm 72,1% các khoản nợ vay.

Khoản tiền gửi có giá trị 57 tỷ đồng đã được dùng để đảm bảo các khoản vay của Công ty tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam Chi nhánh Bắc Ninh, khoản tiền có giá trị 27,3 tỷ đồng đã được dùng để đảm bảo cho các khoản vay của Công ty tại Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ Việt Nam, trong khi khoản tiền gửi có giá trị 35 tỷ đồng được dùng đảm bảo cho các khoản thư tín dụng đã mở của Công ty tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh Bắc Ninh.

Bất động sản, máy ngốn tiền

Theo công bố của Dabaco, hiện doanh nghiệp đang triển khai hàng loạt dự án bất động sản, gồm dự án nhà ở Huyền Quang 2, Khu đô thị phía Tây thị trấn Hồ, Khu đô thị Đền Đô, Khu đô thị Dabaco - Vạn An, Khu đô thị Dabaco - Đình Bảng, Cụm công nghiệp làng nghề Khúc Xuyên, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở và dịch vụ xã Nhân Thắng (huyện Gia Bình - Bắc Ninh).

Bất động sản ngốn tiền khá lớn trong dòng tiền lưu chuyển tại Dabaco. Ngoài chi hơn 148 tỷ đồng cho các dự án Lotus và chung cư Huyền Quang và trung tâm thương mại Đại Phúc, Dabaco còn chi 41 tỷ đồng cho các khoản chi phí xây dựng và các khoản bất động sản phải trả. Đồng thời, Công ty còn phải trả 161,3 tỷ đồng khoản tiền đặt cọc liên quan đến dự án Thuận Thành 2.

Trong khi đó, Dabaco vẫn đang cần dòng tiền lớn để đầu tư nhà máy, kho nguyên liệu, cảng để khép kín chuỗi giá trị sản xuất như Nhà máy phân bón hữu cơ Việt Nhật, Nhà máy thủy sản Nutreco, Nhà máy Nutreco Hà Tĩnh, kho nguyên liệu Hạp Lĩnh; cảng Dabaco giai đoạn 2…

Giá trị xây dựng cơ bản dở dang của các nhà máy, dự án tại tập đoàn này đã tăng gần gấp đôi trong năm 2020, từ 499 tỷ đồng lên gần 779 tỷ đồng.

Trong khi đó, dòng tiền đang nằm ở dạng tồn kho khá lớn. Tính đến hết năm 2020, Công ty ghi nhận 3.348 tỷ đồng hàng tồn kho, trong đó chủ yếu là chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang (2.460 tỷ đồng, nguyên liệu vật liệt 558 tỷ đồng…).

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Dabaco đang đẩy nhanh triển khai nhiều dự án nhà máy, dự án bất động sản, khu công nghiệp - các dự án ngốn tiền lớn.

Điều này sẽ mang lại rủi ro trước mắt cho doanh nghiệp, vì bất động sản và khu công nghiệp chưa đem lại tỷ suất sinh lời cao trong ngắn hạn, trong khi phải tốn nhiều chi phí vốn để triển khai.

Ông Minh nói: “Làm bất động sản cần vốn lớn, nếu vốn mỏng sẽ bất ổn. Để giảm bớt rủi ro, Dabaco phải tăng vốn chủ sở hữu lên. Với những nhà đầu tư đánh theo sóng, khi Dabaco đầu tư vào bất động sản, họ sẽ không còn thấy hấp dẫn nữa, bởi chưa biết hiệu quả sinh lời từ mảng kinh doanh mới này như thế nào, trong khi chu kỳ tốt nhất của Dabaco cho lợi nhuận tốt nhất là năm 2020 đã qua rồi. Giá lợn hơi đang có xu hướng giảm, chi phí đầu vào tăng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này”.

Tin bài liên quan