Nếu như đà tăng mạnh trong năm 2017 tại thị trường chứng khoán Mỹ có được là nhờ lực đẩy chủ yếu của các cổ phiếu công nghệ như Apple Inc và Alphabet Inc (công ty mẹ của Google), thì đà tăng đáng kinh ngạc tại thị trường châu Á cũng xuất phát từ các mã cổ phiếu của doanh nghiệp công nghệ cỡ lớn Trung Quốc.
Theo đó, Tencent và Alibaba chiếm tỷ trọng gần 20% trong đà tăng của chỉ số MSCI châu Á, trong khi đóng góp tới 45% mức tăng của chỉ số MSCI Trung Quốc. Cả hai cổ phiếu Tencent và Alibaba đều tăng gần gấp đôi trong năm nay, với cổ phiếu Alibaba tăng 99% và cổ phiếu của Tencent tăng 105%. Với xu hướng leo dốc không ngừng trong năm 2017, giá trị thị trường của hai doanh nghiệp này đã tăng thêm khoảng 450 tỷ USD.
Theo các chuyên gia phân tích, có nhiều yếu tố dẫn tới đà tăng của cả 2 cổ phiếu kể trên. Trong đó, đóng góp quan trọng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh ấn tượng. Trong quý III/2017, Tencent, chủ nhân của ứng dụng WeChat đang phủ sóng khắp mọi nơi, công bố doanh thu bán hàng tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2010. Trong khi đó, Alibaba tiếp tục đón nhận một ngày Lễ độc thân rực rỡ, với doanh số bán hàng tăng 39% so với năm ngoái, liên tiếp phá vỡ các kỷ lục của chính mình.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu này được hưởng lợi từ chiến lược đầu tư nổi tiếng tại Trung Quốc với tên gọi mua “đầu rồng”. Cụ thể, các doanh nghiệp dẫn đầu ngành là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất trong bối cảnh nền kinh tế dần hồi phục, đồng thời cũng là các mã cổ phiếu được nhà đầu tư săn lùng.
Chưa kể, một yếu tố đáng quan tâm khác là việc thiếu hụt các mã cổ phiếu có thể thay thế hai tên tuổi nổi tiếng là Tencent và Alibaba. Theo đó, dù chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đã giữ trên mức 50 điểm trong 6 tháng qua, yếu tố cho thấy các lĩnh vực của nền kinh tế đang được mở rộng, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tăng tốc đủ nhanh, trở nên kém thu hút trong mắt giới đầu tư.
Tuy nhiên, quy luật đầu tư cơ bản thường chỉ ra rằng, một khi giá cổ phiếu có màn biểu diễn quá ấn tượng, thì sẽ sớm tới thời điểm đón nhận các cơn gió ngược chiều. Mới đây, các cổ phiếu công nghệ đã đồng loạt đi xuống tại thị trường chứng khoán Mỹ, với cổ phiểu Alibaba giảm khoảng 2,9%, khi nhà đầu tư tái cơ cấu lại danh mục, tìm tới các mã được hưởng lợi nhờ chính sách giảm thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Và diễn biến tương tự cũng đang diễn ra tại châu Á. Khi các nền kinh tế trong khu vực phục hồi tích cực hơn, chiến lược mua “đầu rồng” trở nên kém hiệu quả, bởi cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành đã trở nên đắt đỏ và đà tăng trưởng của các công ty này cũng có xu hướng chậm lại.
Trong thời gian qua, chiến lược mua “đầu rồng” đã đẩy cổ phiếu Alibaba lên giao dịch ở P/E 28,4 lần, từ mức 23 lần vào tháng 1/2017. Cổ phiếu của Tencent cũng có P/E ở mức 37,8 lần, so với 27,5 lần vào đầu năm. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của cả 2 doanh nghiệp này đều được dự báo sẽ chậm lại trong năm 2018. Điều này cũng sẽ xảy ra với nhiều doanh nghiệp đầu ngành khác tại các nước trong khu vực.
Theo CLSA, trong số 17 doanh nghiệp có giá trị thị trường vượt quá 300 tỷ USD tại châu Á, 14 công ty sẽ chứng khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại, với tăng trưởng lợi nhuận giảm từ mức trung bình 26,6% trong 5 năm qua xuống 10,5% trong 5 năm tới.
Trong bối cảnh này, dòng tiền sẽ quay vòng, tìm tới các cổ phiếu chưa có cơ hội tỏa sáng. Chẳng hạn, một ứng viên nổi bật hiện tại là JD.com Inc, doanh nghiệp sở hữu hệ thống thương mại điện tử lớn thứ hai tại Trung Quốc. Công ty hiện niêm yết tại sàn Nasdaq và có giá trị thị trường khoảng 53 tỷ USD, chưa bằng 1/8 kích cỡ của Alibaba hay Tencent, dù giá cổ phiếu JD.com cũng đã tăng 46,5% trong năm nay. Bên cạnh đó, trong khi các ông lớn công nghệ được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm tới, JD.com lại được kỳ vọng sẽ chứng kiến lợi nhuận tăng mạnh.
Khẩu vị của giới đầu tư thay đổi rất nhanh. Nhiều khả năng, năm 2018 sẽ là thời điểm của các cổ phiếu vốn hóa vừa tại Trung Quốc, cũng như nhiều quốc gia châu Á khác.