Thực tế hiện nay cho thấy, một lượng lớn vốn kích cầu đã quay trở lại ngân hàng và với tiến độ cho vay như hiện nay, nhiều khả năng DN không hấp thụ hết 17.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất trong năm nay. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã có kiến nghị gì với Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc này?
Nhiều người phản đối việc đảo nợ, song cá nhân tôi cho rằng, một hoạt động lớn như cho vay kích cầu không tránh khỏi có những điểm nào đó còn chưa tốt, đừng vì vài đặc điểm tiêu cực nhỏ mà không nhìn ra tác động lớn của một chính sách, cũng đừng thổi phồng quá đáng một vấn đề gì đó để xử lý quá đi làm thui chột nhiệt tình kinh doanh của người dân và DN.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã kiến nghị Chính phủ không chỉ hỗ trợ lãi suất trong thời gian ngắn 8 tháng mà có thể thực hiện như Trung Quốc và một số nước khác kéo dài trong 2 năm. Kích cầu hỗ trợ lãi suất không chỉ cho vay ngắn hạn mà nên áp dụng cả các khoản vay trung và dài hạn…, nếu không năm nay nền kinh tế không sử dụng hết gói kích cầu lãi suất 17.000 tỷ đồng. Vay tiền 6 - 8 tháng để mua sắm tài sản cố định có thể sinh lời cho DN trong bối cảnh giá cả đang rất thấp, nhưng nếu người cho vay không khéo có thể phải hầu tòa. Ở các nước, hỗ trợ lãi suất không phân biệt loại hình đầu tư nào.
Đồng thời, Chính phủ nên nghĩ đến gói kích thích tiếp theo để ngăn chặn suy giảm kinh tế. Chúng tôi ủng hộ chủ trương của Chính phủ tích cực vay trong nước và đề nghị Quốc hội chấp thuận bội chi ngân sách trong chừng mực nhất định, có thể 2 - 3 năm để hỗ trợ kinh tế.
Một vài ý kiến cho rằng, tháng 2, tháng 3 kinh tế đã có một số dấu hiệu tích cực, ông suy nghĩ sao về điều này?
Cá nhân tôi cho rằng, không nên lạc quan tếu nhưng cũng đừng quá bi quan, trong khó khăn chúng ta cần đủ tỉnh táo để nhận thấy đâu là chuyển biến tích cực. Khi làm tham mưu chính sách, chúng tôi cũng cố gắng nhìn nhận một số điểm tích cực hơn như tăng trưởng công nghiệp tháng 2 đạt mức khá so với bình quân năm 2008, thị trường BĐS ấm hơn... Đó là những tín hiệu nhỏ thôi nhưng nếu tiếp tục duy trì và diễn biến tích cực hơn thì có nghĩa chúng ta đang chặn được đà suy giảm kinh tế. Năm ngoái Việt Nam tăng trưởng GDP 6,3%, năm nay Chính phủ phấn đấu duy trì 6%, Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ tài chính Quốc gia kiến nghị Chính phủ tính toán ở mức 5,5% và không để mức tăng dưới 5%. Tôi lưu ý, những tín hiệu tích cực để tăng trưởng không dưới 5% chứ không phải bằng hoặc cao hơn mức tăng trưởng năm ngoái.
Dư nợ tín dụng tăng đang là lý do hợp lý để các ngân hàng tăng lãi suất huy động, việc cắt giảm lãi suất cơ bản theo ông có tiếp tục được thực hiện?
Chúng ta định ra lãi suất để tác động phù hợp tới thị trường chứ không phải thay thị trường để định ra lãi suất. Trần lãi suất đã có những hạn chế nhất định và được NHNN khắc phục bằng cách mở cho các ngân hàng có thể cho vay tiêu dùng với lãi suất thỏa thuận. Biện pháp hợp lý hơn cả là thông qua lãi suất của Ngân hàng Trung ương, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu mà làm lãi suất liên ngân hàng rẻ đi chứ không phải đặt trần để buộc người ta không được vượt. Ủy ban Giám sát tài chính và Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ Quốc gia đều có ý kiến không nên hạ lãi suất cơ bản, mà NHNN có thể tác động đến lãi suất bằng cách hạ lãi suất tái cấp vốn (hiện 6 - 8%) vài điểm phần trăm.
Ông đề cập đến việc không can thiệp trực tiếp đến lãi suất huy động và cho vay, vậy với trái phiếu ngoại tệ sắp phát hành thì một mức lãi suất như thế nào là hợp lý?
Dự trữ ngoại hối của một quốc gia tồn tại dưới nhiều hình thức. Thứ nhất là quỹ dự trữ ngoại hối chính thức được NHNN quản lý nhằm thực thi chính sách tiền tệ. Một phần nhỏ hơn nằm ở cơ quan tài chính, thực hiện chi tiêu khi cần thiết. Phần lớn hơn nằm ở các nguồn lực trong dân, DN, các tổ chức và thường lớn hơn tài khoản dự trữ ngoại hối của Nhà nước. Ngoài ra, trong dân cư còn có những khoản cất trữ ngoại tệ không thống kê được, nếu biết cấu trúc có thể đưa vào dự trữ. Chúng tôi ủng hộ Chính phủ phát hành trái phiếu cả nội tệ và ngoại tệ và phải có lãi suất thích hợp để huy động, đừng so kè với lãi suất thấp nhất của ngân hàng.
Hiện nay, Việt Nam vay bên ngoài thường chịu lãi suất libor 6 tháng cộng thêm 2 - 3%. Phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước mà so sánh với lãi suất của Mỹ là phiến diện, vì thực tế lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố là 0,25%, song lãi suất libor đồng USD ngày 17/3 là 2 - 3%/năm, còn lãi suất hỗ trợ của Chính phủ Mỹ cho các công ty vay tới 6%/năm.