Đối tượng Hồ Văn Tín

Đối tượng Hồ Văn Tín

Cú lừa 180 tỷ đồng của "ông chủ" nhà máy xi măng

Số tiền chiếm được, Tín trả nợ cho các ngân hàng và các tổ chức tín dụng tổng cộng gần 130 tỉ, mua căn nhà 283 Hoàng Văn Thụ với giá 667 lượng vàng rồi chi thêm 5,8 tỉ và 2.000 USD để sửa chữa.

Lúc 12h trưa 20/6/2010, Hồ Văn Tín, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Việt Song Long, đồng thời cũng là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xi măng Nam Đông Việt Song Long, đang chuẩn bị trốn sang Hồng Kông theo đường cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất, đã bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 180 tỉ đồng.

Tiến hành khám xét Hồ Văn Tín, cơ quan An ninh điều tra lập biên bản thu giữ 17.202 USD và một thẻ visa, trong đó có 650 triệu đồng, còn tại nhà riêng của ông ta có một khẩu súng ngắn bắn đạn hơi cay đã hết thời hiệu sử dụng trên giấy phép.

Sinh năm 1945 tại Bình Thuận, cư ngụ ở 283 đường Hoàng Văn Thụ, phường 3, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, Hồ Văn Tín có tới 3 bà vợ - trong đó bà vợ đầu đã ly hôn. Đến ngày bị bắt, Tín vẫn sống cùng một lúc với hai bà sau và mỗi bà đều có một đứa con chung với ông ta.

Năm 2007, Tín biết được chủ trương của Chính phủ trong việc thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản để sản xuất xi măng - trong đó có dự án tiềm năng là Nhà máy Xi măng Nam Đông (NMXMNĐ), tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tín khai: "Ngày 4/9/2007, tôi làm văn bản gửi UBND Thừa Thiên - Huế, xin phép đầu tư dự án NMXMNĐ. Đến ngày 10/9, UBND Thừa Thiên - Huế có văn bản, đồng ý chủ trương cho Công ty VSL nghiên cứu đầu tư dự án NMXMNĐ và đường La Sơn, Nam Đông".

Nhận được văn bản này, Tín lập tức làm thủ tục đăng ký thành lập Công ty cổ phần Đầu tư xi măng Nam Đông Việt Song Long (Công ty NĐVSL) tại Thừa Thiên - Huế, trong đó ông ta giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, vốn điều lệ 600 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là Hồ Văn Tín, Hoàng Ngọc Thúy và Nguyễn Thị Ngát. Kết quả điều tra cho thấy thực tế cả hai Công ty VSL và Công ty NĐVSL đều của Tín. Thúy và Ngát chỉ là người được Tín nhờ đứng tên trên danh nghĩa để đảm bảo thủ tục thành lập công ty cổ phần. Đến ngày ông ta bị bắt, cả Thúy lẫn Ngát chưa hề góp một đồng nào để mua cổ phần theo hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Ngày 5/12/2007, UBND Thừa Thiên - Huế có công văn, giao Sở Kế hoạch Đầu tư thẩm định và tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép dự án đúng quy định. Tiếp đó, ngày 27/12, Sở Kế hoạch Đầu tư tổ chức họp liên ngành để thẩm định hồ sơ do Công ty NĐVSL cung cấp, nhưng lại không tiến hành thẩm tra năng lực thực tế của Công ty NĐVSL mà vẫn kết luận là Công ty NĐVSL đủ khả năng! Do tin vào kết luận thẩm định của Sở Kế hoạch Đầu tư nên ngày 4/1/2008, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tín với tổng mức đầu tư là 3.282 tỉ đồng. Theo giấy chứng nhận đầu tư, NMXMNĐ sẽ khởi công xây dựng vào quý 4-2008, đưa vào hoạt động trong tháng 1/2011.

Tuy nhiên, muốn xây nhà máy xi măng thì phải có tiền, mà tiền thì Tín không có. Ông ta khai: "Tôi đã thông qua nhiều người để tìm nguồn vốn, trong đó có một người quen là ông Nguyễn Văn Cường. Qua ông Cường, tôi gặp ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh. Sau nhiều lần gặp gỡ, trao đổi, ông Nhân đồng ý góp vốn vào Công ty NĐVSL dưới hình thức mua cổ phần".

Ngày 8/1/2008, Công ty NĐVSL và Công ty Thái Thịnh ký hợp đồng rồi sau đó, ngày 23/1/2008, Công ty Thái Thịnh đã chuyển vào tài khoản của Công ty NĐVSL 180 tỉ đồng.  Chỉ ngay hôm sau, ông ta đã ký ủy nhiệm chi, chuyển 150 tỉ đồng từ tài khoản này sang tài khoản của Công ty VSL mặc dù hợp đồng với Công ty Thái Thịnh không cho phép làm điều ấy. Cũng trong ngày hôm đó, Tín còn ký séc, rút ra 20 tỉ đồng.

Để chứng minh với Công ty Thái Thịnh và với UBND Thừa Thiên - Huế là mình có làm, ngày 25/1/2009, Hồ Văn Tín ký ủy nhiệm chi, chuyển tổng cộng 13 tỉ đồng vào tài khoản Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình vật liệu xây dựng (CCBM) với lý do tạm ứng kinh phí để thực hiện xây dựng NMXMNĐ, chi rà phá bom mìn, thanh toán tiền đo đạc, lập bản đồ địa chính, đền bù giải phóng mặt bằng, tạm ứng tiền lập hồ sơ thiết kế, mời thầu…, tất cả khoảng hơn 2 tỉ.

Tín khai: Riêng ông Nguyễn Văn Cường và ông Lê Việt Thanh, là 2 người đã giúp tôi bán cổ phần cho Công ty Thái Thịnh, tôi chi tiền môi giới cho họ 1,269 tỉ đồng. Ngày 22/2/2008, Tín cho rút tiếp 6,9 tỉ đồng. Như vậy, số tiền 180 tỉ - ngoài 13 tỉ chuyển cho CCBM, 2 tỉ chi phí cho việc khảo sát xây dựng nhà máy xi măng, 1,269 tỉ là tiền chi môi giới, còn lại 164 tỉ, Tín lấy hết.

Để hợp thức hóa việc chiếm đoạt 180 tỉ, đầu năm 2009, Tín và Hoàng Ngọc Thúy làm giả hợp đồng, ghi ngày ký lùi lại là ngày 22/12/2007, nội dung Công ty VSL chuyển nhượng dự án NMXMNĐ cho Công ty NĐVSL. Cũng theo hợp đồng này, Công ty NĐVSL phải trả cho Công ty VSL số tiền 820,5 tỉ đồng, chia làm nhiều lần và lần đầu tiên là 150 tỉ đồng. Việc làm giả này được tiến hành sau khi Tín đã rút hết 180 tỉ, và không hề báo cho Công ty Thái Thịnh biết.

Số tiền chiếm đoạt được, Tín trả nợ cho các ngân hàng và các tổ chức tín dụng tổng cộng gần 130 tỉ, mua căn nhà 283 Hoàng Văn Thụ với giá 667 lượng vàng rồi chi thêm 5,8 tỉ và 2.000 USD để sửa chữa. Bên cạnh đó, Tín còn mua 1 ôtô Lexus và 1 xe Ford bán tải, tổng cộng 1,5 tỉ đồng...

 

Trụ sở Công ty Việt Song Long của Hồ Văn Tín.

 

Sau khi chuyển 180 tỉ đồng cho Hồ Văn Tín, Công ty Thái Thịnh nhiều lần đề nghị ông ta làm thủ tục để Sở Kế hoạch Đầu tư Thừa Thiên - Huế công nhận trong giấy chứng nhận kinh doanh, rằng Công ty Thái Thịnh là cổ đông sáng lập, có 30% vốn nhưng Hồ Văn Tín không làm, trong lúc từ tháng 1-2008 đến tháng 6/2010, Tín đã 3 lần làm thủ tục và được Sở Kế hoạch Đầu tư Thừa Thiên - Huế đồng ý cấp giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký - mà trong đó không hề có việc Công ty Thái Thịnh là cổ đông sáng lập với 30% vốn.

Trước tình hình này, Công ty Thái Thịnh làm văn bản gửi Công ty NĐVSL, đề nghị chấm dứt hợp đồng, trả lại 180 tỉ nhưng Tín không giải quyết. Quá bức xúc vì bị lừa gạt trắng trợn, Công ty Thái Thịnh gửi đơn tố cáo đến Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an. Tiến hành mời Hồ Văn Tín lên làm việc, ông ta không đến rồi ngày 20/6/2010, Hồ Văn Tín âm mưu trốn ra nước ngoài.

Ngày 27/5/2011, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra cáo trạng, truy tố Hồ Văn Tín với tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Ngày 19/9/2011, vụ án được đưa ra xét xử nhưng TAND TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" do Hồ Văn Tín thực hiện còn nhiều tình tiết chưa rõ nên đã trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung. Từ đó đến nay, 1 năm đã trôi qua nhưng vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Theo một lãnh đạo Cục An ninh điều tra, thì: "Việc bắt giữ Hồ Văn Tín đã ngăn chặn kịp thời khoản nợ vay Chính phủ bảo lãnh mà nếu được giải ngân, thì rất có thể Hồ Văn Tín sẽ chiếm đoạt như đã chiếm đoạt 180 tỉ đồng của Công ty Thái Thịnh. Hành vi của Tín đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, làm thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp nên cần được xử lý nghiêm minh trước pháp luật…"