Cú bật mạnh của NETco sau M&A

Cú bật mạnh của NETco sau M&A

0:00 / 0:00
0:00

Sau M&A, NETco tiếp tục hiện thực hóa được mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức hai chữ số.

Doanh thu quý III/2020 tăng 40%

Xuất hiện lần đầu tiên trên đoạn quảng cáo 30 giây tại một số kênh sóng truyền hình lớn những ngày cuối tháng 8/2020, thương hiệu bột giặt Joins là cái tên lạ mà không mới, bởi đây là một sản phẩm của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), đồng thời, được sản xuất bởi Công ty cổ phần Bột giặt NET - một doanh nghiệp đã có hơn nửa thế kỷ sản xuất - kinh doanh các sản phẩm chất tẩy rửa.

Nhanh chóng sau đó, Joins xuất hiện trên kệ siêu thị và các cửa hàng. Cùng lợi thế về giá khi giá niêm yết cạnh tranh hơn sản phẩm của một số thương hiệu ngoại đang chiếm lĩnh thị phần lớn, mặt hàng này còn được áp dụng chiết khấu, tặng kèm sản phẩm của Masan Consumer.

Hiệu ứng sản phẩm mới là một yếu tố góp phần làm nên kỷ lục doanh thu của NETco trong quý III/2020, đạt 380 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Cùng với kết quả kinh doanh tăng nhanh trong nửa đầu năm, doanh thu 9 tháng vượt 1.100 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp các quý đều cao hơn năm trước, ở trên mức 22%.

Trong khi đó, LIXco, một doanh nghiệp khác sản xuất - kinh doanh chất tẩy rửa với sản phẩm chính là bột giặt, cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, với doanh thu và lợi nhuận tăng trên 22%.

Tuy nhiên, cả hai doanh nghiệp nội trên chỉ mới nắm được một phần nhỏ trong miếng bánh thị trường bột giặt. Theo số liệu Euromonitor, hai “ông lớn” nước ngoài là Unilever và P&G đang nắm giữ tới 70% thị phần. Trong khi đó, trừ Đại Việt Hương (chủ sở hữu nhãn hiệu bột giặt Aba, nắm hơn 10% thị phần), thị phần của LIXco và NETco mới ở mức một con số. Như vậy, sẽ còn một chặng đường dài phía trước cho tham vọng trở thành thương hiệu phổ biến của NETco như mục tiêu chiến lược của Masan.

Hoạt động bán hàng tiêu tốn nhiều hơn chi phí

Thời điểm Masan HPC (công ty con của Masan Consumer) chính thức công bố kế hoạch mua chi phối cổ phần NETco, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Masan Consumer và cũng là nhân sự ngồi ghế Chủ tịch NETco hiện tại đã khẳng định, sự hợp tác này sẽ mang đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức hai chữ số.

Đến nay, mục tiêu trên vẫn đang được duy trì. Để giành thêm thị phần mà kết quả cụ thể là mức tăng trưởng 38% của doanh thu, chi phí bán hàng của NETco trong 9 tháng đã tăng tới 46% so với cùng kỳ. Bình quân trong quý III/2020, mỗi 100 đồng doanh thu NETco thu về có 11,9 đồng được chi vào mục đích bán hàng, chủ yếu là chi phí hỗ trợ đại lý, siêu thị, chi khuyến mại bằng tiền hay các khoản chi phí vận chuyển, tiền lương nhân sự bán hàng… Tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu bình quân trong 8 quý gần đây của NETco và LIXco chỉ quanh mức tương ứng 10,6% và 7,95%.

Khoản chi phí trên cũng từng chiếm tới 14,5 - 15% doanh thu hoạt động kinh doanh của hãng bột giặt này trong giai đoạn năm 2014 - 2015 - khi khách hàng lớn với các đơn hàng gia công góp 30-60% doanh số cho NETco đã quyết định đầu tư nhà máy mới để tự sản xuất. Sự chuẩn bị trước giúp Công ty vẫn đứng vững ngay cả khi khách hàng này ngừng gia công vào năm 2018.

Bên cạnh đó, một thay đổi đã được NETco áp dụng là việc chấp nhận cho khách hàng mua chịu nhiều hơn. Liên tục trong năm 2020, giá trị các khoản phải thu đều cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với các năm trước. Khoản phải thu khách hàng vào cuối quý III/2020 vọt lên mức kỷ lục 77 tỷ đồng. Điều này khiến doanh nghiệp bột giặt tăng vay nợ, nhưng lại có thể giải quyết phần nào bài toán thanh khoản của đối tác khách hàng trong bối cảnh Covid-19 tác động đến đầu ra nhiều lĩnh vực.

Sau 9 tháng về một nhà với Masan HPC, quy mô tài sản của Công ty đến cuối quý III/2020 đã tăng 20%, lên 694 tỷ đồng. Công ty tăng vay nợ để gia tăng các tài sản lưu động, như tồn kho hay phải thu khách hàng như hiện tại.

Khoản vay nợ ngân hàng của doanh nghiệp này tăng 29,5 tỷ đồng trong quý III/2020, lên mức 42 tỷ đồng, chiếm hơn 6% tổng nguồn vốn. Tuy nhiên, cùng việc gia tăng công nợ với bên cung cấp, tổng nợ của doanh nghiệp này đã chiếm 48,5% nguồn vốn. Tốc độ tăng lợi nhuận đến nay vẫn vượt trội so với mức tăng của tài sản. Nhờ đó, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản vẫn cải thiện mạnh mẽ. Dù vậy, bài toán hiệu quả cần được chú trọng, khi Công ty chi mạnh cho hoạt động bán hàng và mở rộng công nợ.

Thay đổi trong cơ cấu cổ đông kéo giá cổ phiếu NET tăng tích cực

Từ mặt bằng giá 20.000 đồng/cổ phiếu duy trì trong năm 2017 và 2018, cổ phiếu NET có thời điểm vượt mức giá 60.000 đồng. NET cũng đã ngang ngửa, thậm chí vượt LIX, dù giá cổ phiếu LIX thường xuyên áp đảo nếu nhìn lại lịch sử giá cổ phiếu 3 năm gần đây.

Giá cổ phiếu NET ghi nhận sự thay đổi tích cực trước những biến động trong cơ cấu cổ đông thời gian qua. Trong khi cổ đông nhà nước (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) vẫn nắm 51% tại LIXco, thì lại giảm tỷ lệ sở hữu tại NETco từ 51% xuống 36% vào tháng 7/2019. Sau đó, Masan HPC xuất hiện và hiện nắm tới 52,25% vốn của NETco. Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của NET đang cao hơn, nhưng các nhà đầu tư vẫn chấp nhận mức giá này.

Tin bài liên quan