Cụ bà 83 tuổi xin thoát nghèo vào tham luận của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

0:00 / 0:00
0:00
Tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chiều 27/1, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh đến thành tích chống đói nghèo của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tham luận.

Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tham luận.

Ông Dung nói, trong cuộc chiến chống đói nghèo, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo. Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của Châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Theo Bộ trưởng, nghèo đa chiều không chỉ tiếp cận từ thu nhập mà còn từ các chiều cạnh khác.

Bà Catiline Wiesen – Trưởng đại diện Văn phòng UNDP tại Việt Nam từng khẳng định: “Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới". Cụ thể, từ 70% dân số nghèo đói năm 1990, Việt Nam chỉ còn 2,75% năm 2020.

Đặc biệt là thay đổi sâu sắc nhận thức của các cấp, các ngành và ngay cả người nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi, ở thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa là một điển hình - Bộ trưởng dẫn chứng.

Bà Đỗ Thị Mơ từng liên tục 2 năm đạp xe đến UBND xã xin thoát nghèo. Bà đã trở thành cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020.

Bên cạnh giảm nghèo, Bộ trưởng còn nêu kết quả tạo việc làm đạt thành công nổi bật, trong 5 năm qua đã tạo được khoảng 8 triệu việc làm mới với mức thu nhập tốt hơn.

Việt Nam là một trong mười nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020 - tham luận nêu rõ.

Bộ trưởng cũng dẫn khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương (báo cáo ngày 5/1/2021) về kết quả 5 năm 2016 - 2020 cho thấy niềm tin của Nhân dân về chính sách xã hội, đảm bảo an sinh, chính sách người có công tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 72%; về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc.

Tại Đại hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu nhiều thách thức thời gian tới.

Đó là, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường khu vực và thế giới, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bẫy thu nhập trung bình, xu hướng già hóa dân số nhanh và tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ còn thấp và cơ cấu chưa hợp lý; chất lượng việc làm thấp, tạo việc làm chưa thực sự bền vững, thu nhập chưa cao; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn lớn, cao gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung.

Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp, nhất là nông dân và lao động khu vực phi chính thức. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo về mức sống, hưởng thụ văn hoá, tinh thần giữa các vùng, miền, nhóm đối tượng còn lớn và có xu hướng gia tăng. Nạn bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, tệ nạn xã hội gây ra những bất ổn trong đời sống xã hội.

Để vượt qua thách thức và khắc phục những hạn chế, bất cập trên, theo Bộ trưởg, thời gian tới cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý phát triển xã hội trên cơ sở quán triệt, cụ thể hoá quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Trong đó, con người là mục tiêu, động lực của phát triển và là trung tâm của chính sách xã hội; xác định rõ chính sách xã hội chăm lo cho người dân là nhiệm vụ chiến lược, là trách nhiệm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.

Một trong những nhiệm vụ được Bộ trưởng đề xuất là phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; phát triển việc làm bền vững, nhất là cho thanh niên và lao động trung niên; tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; giảm lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp xuống dưới 25% vào năm 2025 và dưới 20% vào năm 2030; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; thực hiện chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả làm việc, khuyến khích, trọng dụng nhân tài.

Tin bài liên quan