“Credit Suisse đã duy trì vị trí top 3 nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán toàn cầu kể từ năm 2010. Điều quan trọng đối với chúng tôi là tiếp tục giữ vững chiến lược và cách thức thực hiện để bảo vệ và tăng trưởng hơn nữa lĩnh vực này”.
2 năm sau đó, O’Hara đã ra đi và lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, một trong những niềm tự hào của Credit Suisse trở thành cơn đau đầu mới nhất đối với Thiam. Tập đoàn này đã đánh mất gần 1/3 thị phần vào tay các đối thủ, sau khi thất bại trong việc mạnh tay đầu tư vào thị trường châu Á.
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh nói chung của Credit Suisse được dự báo sẽ tăng trưởng gấp đôi trong quý II/2017 và Thiam đã thành công trong việc cắt giảm chi phí, huy động vốn và giải quyết các tài sản xấu. Tuy nhiên, với việc doanh thu mảng chứng khoán có thể giảm quý thứ 7 liên tiếp, trong bối cảnh doanh thu của các đối thủ như Morgan Stanley và Goldman Sachs Group Inc giữ ổn định hoặc cao hơn, đây vẫn là vấn đề khó khăn mà Credit Suisse phải tìm cách giải quyết.
“Mảng kinh doanh chứng khoán hiện là vấn đề lớn nhất tại Credit Suisse. Đây cũng là lý do mà nhà đầu tư tỏ ra không hài lòng nhất với vị CEO hiện tại”, Piers Brown, chiến lược gia tại Macquarie Group Ltd cho biết.
Credit Suisse sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2017 vào ngày 28/7. Các chuyên gia tại JPMorgan dự báo, doanh thu mảng chứng khoán của Công ty sẽ giảm 17%. Con số này đã giảm liên tiếp trong 6 quý vừa qua so với cùng kỳ năm trước đó. Trong quý I/2017, doanh thu từ giao dịch chứng khoán chỉ chiếm khoảng 13% tổng doanh thu, giảm so với mức 18% năm ngoái. Điều này khiến Credit Suisse rơi xuống vị trí thứ 8 trong số các hãng chứng khoán lớn nhất, theo số liệu của Bloomberg.
Hiện tại, Credit Suisse đang nỗ lực để khôi phục lại những gì đã mất, trong đó có việc thuê nhiều nhân sự cấp cao từ các đối thủ, bao gồm Mike Stewart của UBS Group làm giám đốc bộ phận kinh doanh chứng khoán và Mike Di Iorio từ Barclays Plc trở thành giám đốc khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Tuy nhiên, nỗ lực này không được các chuyên gia đánh giá cao. Theo đó, đa số các ý kiến cho rằng, lĩnh vực kinh doanh chứng khoán đi xuống do sai lầm về chiến lược của CEO Thiam, người nhậm chức kể từ giữa năm 2015. Trong vòng 1 tháng kể từ khi vị CEO này lên nắm quyền, lĩnh vực kinh doanh chứng khoán đã chịu lỗ 1,05 tỷ USD và tiếp tục đi xuống trong cả năm sau đó.
“Kinh doanh chứng khoán dường như không phải là lĩnh vực ưu tiên của Thiam. Chiến lược của người quản lý mới này đã không được truyền tải một cách rõ ràng và dễ hiểu tới các bộ phận bên dưới”, Gildas Surry, nhà quản lý quỹ Axiom Alternative Investments cho biết.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực vốn mang lại mức tăng trưởng cao cho Credit Suisse, doanh thu từ giao dịch chứng khoán đã giảm 16% trong quý I/2017, kéo dài thêm đà xuống dốc của năm 2016. Hiện tại, CEO Thiam đã tái cấu trúc lĩnh vực này bằng cách sa thải hàng tá nhân viên, tìm cách thanh lý bớt tài sản.
Trong khi đó, tại các sàn giao dịch ở London và New York, nhân viên của Credit Suisse thuộc đơn vị thị trường toàn cầu phải vận lộn thích ứng với cách thức làm việc mới mà CEO Thiam đã tạo ra vào tháng 3/2016. Theo các chuyên gia, việc giữ các đơn vị kinh doanh chứng khoán khác nhau trong cùng một bộ phận đã tạo nên sự lộn xộn giữa các giao dịch viên và khiến hoạt động kinh doanh sa sút.
Trong bối cảnh này, vào đầu tháng 7, CEO Thiam đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư cùng các nhân viên. Theo đó, sau vài năm cắt giảm nhân sự và điều tiết hoạt động ngân hàng đầu tư, hiện tại, Credit Suisse đang thực hiện chiến lược trong 3 năm tới tập trung vào lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận cao.
“Tập trung vào châu Á, đẩy mạnh mảng chứng khoán, dồn lực vào các thu nhập cố định”, CEO Thiam nói.