Công ty quản lý quỹ chật vật hồi phục sau đổi chủ

(ĐTCK) Những ông chủ mới phải mất tới vài năm trời để khôi phục lại hoạt động của một công ty quản lý quỹ sau khi mua về.
Công ty quản lý quỹ chật vật hồi phục sau đổi chủ

Cuối năm 2011, CTCP Quản lý quỹ Thái Bình Dương, tiền thân là CTCP Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán Hapaco, được Tập đoàn Hapaco chuyển nhượng cho một nhóm nhà đầu tư cá nhân, gồm bà Hoàng Thị Hồng Tứ (giữ 56% vốn) và bà Hoàng Thị Nga (giữ 33% vốn).

Hoạt động của Hapaco sau cuộc đổi chủ không mấy suôn sẻ. Ít nhất hai lần Công ty thay Tổng giám đốc và gần 2 năm duy trì tình trạng lỗ lũy kế, mặc dù một vài quý trong khoảng thời gian này báo cáo lợi nhuận dương. Tình hình đột ngột thay đổi vào quý III/2013, khi Công ty ghi nhận một khoản lãi gần 24 tỷ đồng, bằng 2/3 vốn điều lệ của Công ty. Số lãi này đến từ doanh thu quản lý danh mục đầu tư tăng đột biến, giúp xóa toàn bộ lỗ lũy kế trước đó của Quản lý quỹ Hapaco.

Sau đó, một trong hai cổ đông cá nhân là bà Nga chuyển nhượng lại toàn bộ vốn cho ông Lê Minh Thành, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương. Ông Thành lên làm Chủ tịch HĐQT và đồng thời đổi tên Công ty thành CTCP Quản lý quỹ Thái Bình Dương. Sang quý I/2014, Công ty duy trì doanh thu quản lý danh mục đầu tư gần 2 tỷ đồng và báo cáo lợi nhuận sau thuế gần 400 triệu đồng.

Vào cuối năm 2012, một công ty khác trong ngành là Công ty Quản lý quỹ đầu tư VIPC được âm thầm chuyển nhượng cho một công ty quản lý quỹ đầu tư nước ngoài là Vietnam Asset Management. Một năm sau đó, Công ty được đổi tên thành VAM Việt Nam.

Hoạt động của VAM Việt Nam cũng hết sức âm thầm sau hơn một năm đổi chủ, không đột biến về doanh thu, không có quỹ mới thành lập và con số lỗ lũy kế từ thời chủ cũ vẫn duy trì suốt gần hai năm. Nhưng một vài dấu hiệu khôi phục cũng bắt đầu xuất hiện gần đây.

Cuối năm 2013, Công ty bắt đầu có những khoản doanh thu nhỏ từ phí quản lý tài sản và phí thưởng. Cổ đông VAM xóa nợ 1,2 tỷ đồng cho Công ty, giúp Công ty ghi nhận lãi nhẹ cả năm 2013. Vốn điều lệ đồng thời được tăng lên 46 tỷ đồng từ con số 33 tỷ đồng. Mới đây, Công ty được chấp thuận bổ sung thêm nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán. Website của Công ty cũng được xây dựng lại, cung cấp tương đối đủ dữ liệu lịch sử về hoạt động của VAM Việt Nam từ khi được chuyển giao tới nay.

Quý I/2014, Công ty ghi nhận khoản doanh thu khoảng 160 triệu đồng, lỗ 73 triệu đồng. Lỗ lũy kế lại tiếp tục tăng nhẹ lên 20,6 tỷ đồng trên vốn điều lệ 46 tỷ đồng.

Cùng thời gian với cuộc đổi chủ của VAM Việt Nam, CTCP Quản lý quỹ Phú Hưng, tiền thân là Quản lý quỹ Chiến Thắng, được bán lại cho các chủ đầu tư Đài Loan; trong đó, có ông Albert Kwang-Chin Ting từ cuối năm 2012. Sau một năm chuyển nhượng, đến hết nửa đầu 2013, Công ty vẫn tiếp tục chìm trong lỗ và thậm chí lỗ nặng hơn trước.

Nhưng tình hình cũng đảo chiều vào cuối năm 2013, khi Quản lý quỹ Phú Hưng có được một khoản doanh thu tư vấn 2,85 tỷ đồng cho Công ty TNHH Phú Định và 1,2 tỷ đồng thu nhập lãi. Kết quả cả năm Công ty lãi nhẹ gần 130 triệu đồng.

Quản lý quỹ Thái Bình Dương, VAM Việt Nam và Quản lý quỹ Phú Hưng đều mất 2 - 3 năm để khôi phục lại hoạt động sau khi chuyển sang chủ mới, càng cho thấy tình hình khó khăn kéo dài đối với ngành quản lý quỹ. Nhu cầu đầu tư qua quỹ sụt giảm, nhiều công ty đã phải giải thể, ngừng hoạt động, ngay cả những công ty đứng đầu thị trường cũng đối mặt với giảm doanh thu và lợi nhuận, thì việc các ông chủ mới khôi phục hoạt động cho các công ty quản lý quỹ không hề dễ dàng.

CTCP Quản lý quỹ Quốc Tế là một trường hợp đã được chuyển nhượng lại cho chủ mới cách đây 3 năm (cuối 2011) và đã từng khôi phục hoạt động lại khá nhanh sau khoảng 1 năm đổi chủ. Nhưng sau đó, thị trường đi xuống khiến doanh thu lợi nhuận của Công ty ngày càng suy giảm và đến nay gần như ngừng hoạt động.

Trong khi đó, những cuộc mua lại vẫn tiếp diễn trong ngành quản lý quỹ, khi mà nhu cầu “bán mình” của các công ty vẫn nhiều và vẫn có những ông chủ cần các công cụ quản lý tài sản. Nửa đầu năm 2014, thị trường chưa ghi nhận giao dịch mua lại nào trong ngành này, nhưng trước đó, trong năm 2013 có 3 công ty được bán lại, gồm Quản lý quỹ Nhân Việt (đổi tên thành Quản lý quỹ Sao Vàng), Quản lý quỹ An Bình và Quản lý quỹ Đối tác Toàn Cầu - cả 3 đều thua lỗ nặng nề vào thời điểm chuyển nhượng.

Sau vài tháng, những công ty này chưa thể có đột biến ngay về doanh thu và lợi nhuận ngay trong năm 2013: Quản lý quỹ Sao Vàng không có doanh thu và lỗ 4,22 tỷ đồng, Quản lý quỹ An Bình giảm 15 lần doanh thu và giảm 9 lần lợi nhuận so với năm 2012, Quản lý quỹ Đối tác Toàn Cầu giảm 5 lần doanh thu và báo lỗ 720 triệu đồng. Triển vọng của các DN này ra sao, vẫn là câu hỏ ngỏ.  

Tin bài liên quan