Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa ký Quyết định số 3/QĐ – UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam,
Theo đó, người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) sẽ phải tiếp tục triển khai các thủ tục cần thiết để hoàn tất việc chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần. Hoàn thiện bộ máy tổ chức và quản lý doanh nghiệp dưới mô hình công ty cổ phần hiện đại, phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.
VIMC được giao cơ cấu lại nguồn lực, vốn đầu tư để tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, trong đó ưu tiên các dự án phát triển hệ thống cảng biển tại khu vực Lạch Huyện (Hải Phòng), Đà Nẵng, Quy Nhơn và Cái Mép – Thị Vải; nghiên cứu xây dựng các trung tâm logistics/ICD tạo vai trò kết nối và khép kín chuỗi dịch vụ; liên kết chặt chẽ mối quan hệ giữa các thành viên trong tổng công ty để từng bước cung ứng cho khách hành các giải pháp dịch vụ trọn gói.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng giao người đại diện phần vốn phải hoàn thành một số chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu, trong đó lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ là 51 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ đạt 0,42%; không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1; kế hoạch vốn đầu tư không quá 390 tỷ đồng.
Được biết, lợi nhuận này đã tính đến lãi quá hạn và khoản phạt chậm trả cho khoản vay tại VDB và chi phí thanh lý 3 tổng đoạn HB02, HB03 và BV12. Kế hoạch vốn đầu tư được giao không bao gồm số tiền mà VIMC phải hoàn trả lợi ích của Công ty cổ phần Khoáng sản Hợp Thành trong thương vụ mua lại lô cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn.
VIMC hoàn thành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 9/2018, nhưng đến nay vẫn chưa thể tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu.
Tại khoản 4, Điều 1, Quyết định số 751/QĐ – TTg ngày 20/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án CPH Công ty mẹ - VIMC vốn điều lệ của doanh nghiệp này được quy định là 14.046 tỷ đồng, tương đương 1,404 tỷ cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó nhà nước nắm 65% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 0,16% vốn điều lệ; cổ phần bán cho tổ chức công đoàn là 0,04% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược là 14,8% vốn điều lệ và bán đấu giá công khai là 20% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, do việc bán cho cổ đông chiến lược bất thành và chỉ có một lượng nhỏ cổ phiếu được bán qua đấu giá nên VIMC sẽ phải tiến hành điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ. Đây là lý do khiến vốn điều lệ của Công ty mẹ - VIMC theo đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chỉ còn 12.005,88 tỷ đồng khoảng, giảm 2.040 tỷ đồng so với Quyết định số 751. Cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu cũng sẽ có sự thay đổi đáng kể khi cổ đông Nhà nước sẽ nắm tới 99,469% vốn điều lệ tại Công ty mẹ - VIMC; trong khi cổ phần do các cổ đông bên ngoài nắm giữ thông qua thắng đấu giá chỉ còn vỏn vẹn 0,452% vốn điều lệ.