Tuy nhiên, khi đưa ra lựa chọn để huy động vốn cho công ty khởi nghiệp (start-up) của mình, mỗi người theo một hướng khác nhau. Aung (42 tuổi, người Myanmar) đã kêu gọi được 30 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm với mục tiêu tiến tới niêm yết trong vài năm tới.
Aung là người sáng lập 2C2P, ứng dụng thanh toán tiền mặt và điện tử, hỗ trợ khách hàng của các công ty như Thai Airways, Lazada và Zara thanh toán online bằng thẻ tín dụng hoặc debit, hoặc thanh toán tiền mặt tại các cửa hàng tiện dụng nếu không có tài khoản ngân hàng.
Trong khi đó, Hasegawa (36 tuổi, người Nhật) vừa thu về 25 triệu USD thông qua ICO, một cách huy động tài chính từ cộng đồng trong thế giới tiền ảo và ngành công nghiệp blockchain, mới xuất hiện và bùng nổ kể từ năm ngoái.
ICO là viết tắt của Initial Coin Offering, hoặc Initial Cryptocurrency Offering, tương tự như một dạng trái phiếu được công ty bán ra công chúng, nhưng có hình thức là một số lượng mật mã nhất định. Người mua trả tiền để nhận về các mật mã, sau đó có thể bán lại các mật mã này, hoặc chuyển đổi ra tiền.
Công ty của Hasegawa – OmiseGo hiện được định giá hơn 2 tỷ USD. Mạng lưới OmiseGo được thành lập với mục đích giúp mọi người thực hiện các giao dịch tài chính bằng tiền điện tử như Bitcoin, ethereum, cũng như các loại tiền tệ thông thường khác. Mục tiêu đặt ra là hướng người dùng từ lĩnh vực ngân hàng truyền thống sang một thế giới tiền điện tử “không có sự chia cắt”.
“Chuyện này rất điên rồ. Chúng tôi chỉ mất 6 tháng để đạt được con số này”, Hasegawa, người đồng sáng lập và CEO của Omise cho biết.
Trong lúc này, Aung quan sát bước nhảy vọt của Omise và băn khoăn tự hỏi, liệu anh có nên thử ICO cho công ty mình? Nỗi băn khoăn của Aung hiện đã trở thành mối bận tâm chung của các start-up trên toàn cầu.
Họ nên theo đuổi phương thức huy động vốn truyền thống là thuyết phục các quỹ đầu tư mạo hiểm, quá trình khó khăn và có những hạn chế nhất định, hay chuyển sang ICO và nhanh chóng thu về nguồn vốn đầu tư, chấp nhận sự bất ổn cùng những rủi ro khó lường trước?
Chỉ trong năm 2017, ICO đã có bước nhảy vọt, trở thành phương thức huy động tài chính được nhiều công ty khởi nghiệp lựa chọn. Theo đó, từ 151 triệu USD huy động bằng hình thức ICO cả 3 năm 2014, 2015 và 2016, sang năm 2017, con số này đã tăng lên 6,8 tỷ USD, theo Hãng nghiên cứu Smith+Crown. Thương vụ đáng chú ý sắp tới là Telegram Inc, ứng dụng mã hóa tin nhắn, đang chuẩn bị huy động ít nhất 1,2 tỷ USD, trở thành thương vụ ICO lớn nhất từ trước tới nay.
Có nhiều lý do để ICO nhanh chóng được ưa chuộng trong giới khởi nghiệp. Thứ nhất, với những công ty như OmiseGo, họ không thể kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp bởi hệ thống OmiseGo thậm chí chưa ra mắt khi tìm nguồn vốn vào cuối năm ngoái. Việc thuyết phục các nhà đầu tư hạt giống là chuyện “khó như lên trời”.
Thứ hai, nếu tiến hành ICO, doanh nghiệp sẽ không phải trao đi các cổ phần của mình. Thông thường, các quỹ đầu tư chấp nhận đầu tư để đổi lại số cổ phần nhất định tại các công ty khởi nghiệp, nhưng với ICO thì không. Nhà đầu tư chỉ sở hữu mật mã với chức năng như một đơn vị tiền tệ, họ có thể bán cho người khác hoặc chuyển đổi sang tiền tệ khác.
“Một vài nhà đầu tư hiện tại của chúng tôi không thực sự mong muốn đầu tư theo cách này, nhưng phải chấp nhận. Bởi chúng tôi không bán cổ phiếu, chúng tôi không cần các cổ đông”, Hasegawa cho biết.
Tuy nhiên, ICO dường như chỉ hấp dẫn đối với các dự án khởi nghiệp mới nhen nhóm, còn với những dự án đã đi vào hoạt động với những thành quả nhất định như 2C2P của Aung, phương thức này quá mạo hiểm. Hiện tại, 2C2P sở hữu 350 khách hàng lớn, trong đó có 30 hãng hàng không và cả Facebook Inc. Năm 2017, tăng trưởng doanh thu của Công ty đạt 111%, so với mức tăng 99% năm 2016, khi 2C2P thực hiện các giao dịch với giá trị gần 6 tỷ USD.
“Tôi không muốn gây dựng sự nghiệp trên một nền tảng không vững chắc như ICO. Nếu một ngày hệ thống tiền điện tử sụp đổ, bạn sẽ không thể kiểm soát được điều gì”, Aung cho biết.