Điều tuyệt vời nhất với mô hình công ty gia đình so với công ty đại chúng là việc thống nhất giữa quyền sở hữu và lợi ích kinh doanh. Tuy nhiên, khi các công ty gia đình ngày càng phình to, thì một vấn đề đặt ra là khó có thể duy trì cả hai yếu tố sở hữu và kiểm soát.
Ông Nguyễn Tri Phương, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn P-Group ở vị trí CEO.
Đó chính là lý do mà hiện nay, bên cạnh mô hình cốt lõi của công ty gia đình, là toàn quyền sở hữu và kiểm soát, đã xuất hiện những mô hình “lai”. Chẳng hạn, gia đình kiểm soát cổ phần sở hữu, nhưng giao quyền điều hành cho các nhà quản lý chuyên nghiệp; hoặc gia đình chỉ sở hữu lượng cổ phiếu nhỏ, nhưng lại tiếp tục đóng vai trò điều hành, thậm chí có gia đình trở thành quỹ đầu tư mạo hiểm khi rót vốn cho các thành viên trẻ trong gia đình khởi nghiệp.
Một thống kê đã chỉ ra rằng, có đến 30% các doanh nghiệp gia đình trị sống sót được đến đời thứ 2 và 12% duy trì được đến đời thứ ba, chỉ có 3% có thể duy trì qua 4 thế hệ trở lên. Điều này chứng tỏ, duy trì được công ty gia đình là điều không đơn giản và chọn mô hình kinh doanh nào cho phù hợp với thời đại mới cũng không phải là điều dễ dàng.
Như câu chuyện diễn ra ở một công ty gia đình chuyên về dệt may, đã có danh tiếng và đã phát triển thành công cả thị trường trong và ngoài nước. Hiện doanh nghiệp có sự tham gia sở hữu của nhiều thành viên thuộc cả hai thế hệ trong gia đình. Người sáng lập doanh nghiệp vì nhiều lý do sức khỏe không thể tiếp tục tham gia các hoạt động của doanh nghiệp, nên đã trao lại quyền cho em gái của mình và các thành viên thuộc thế hệ sau. Tuy nhiên, sau một thời gian, người em gái cũng vì lý do liên quan đến tuổi tác, sức khỏe và khả năng chuyên môn, lại chuyển giao toàn quyền sở hữu cho các con.
Thế nhưng, chỉ có một số con cháu và người thừa kế đã và đang tham gia điều hành và quản lý trực tiếp các hoạt động của doanh nghiệp. Một số khác có sở hữu lớn nhưng chỉ tham gia trong HĐQT và không trực tiếp điều hành. Sau một thời gian, vì nhiều lý do khác nhau, các thành viên HĐQT được thừa kế này tỏ vẻ nản chí và muốn rút khỏi công ty, chuyển nhượng quyền sở hữu cho người khác/hoặc chỉ giữ vai trò đầu tư tài chính.
Trước tình hình này, CEO và các thành viên chủ chốt khác trong HĐQT đã ngồi lại để tìm giải pháp.
CEO (đồng thời là cổ đông lớn nhất) phản đối điều này, vì cho rằng, doanh nghiệp là gia sản của gia đình, là uy tín, thương hiệu của các thế hệ, nên mọi người phải có trách nhiệm “chung tay, chung sức” gánh vác, giữ gìn và phát huy. Việc nhượng quyền sở hữu cho người không phải là thành viên trong gia đình sẽ khiến gia đình mất quyền kiểm soát công ty, cấu trúc quản trị gia đình bị phá vỡ và rất có khả năng sẽ bị tôn tính, thâu tóm. Ngoài ra, khi những người đứng ở vai trò lãnh đạo cao nhất rời khởi công ty thì sẽ khiến tinh thần, ý chí giữ gìn và phát huy doanh nghiệp của thế hệ con cháu suy giảm.
Tuy nhiên, các cổ đông khác cho rằng, một khi các thành viên HĐQT này không còn tâm huyết với sự phát triển công ty thì họ cũng không còn mang lại giá trị gì cho công ty nữa. Do đó, nếu họ nhượng quyền thì các thành viên HĐQT còn lại sẽ tiếp nhận để nắm cổ phần nhiều hơn. Hoặc có thể tìm kiếm thêm các thành viên khác có nhiệt huyết, có mong muốn phát triển doanh nghiệp trong đại gia đình hoặc họ hàng để trao quyền. Điều này sẽ giúp công ty có thêm các nhân tố mới và đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp gia đình.
Thực tế, đây là vấn đề của không chỉ một, mà là nhiều công ty gia đình ở Việt Nam. Bởi thế, Chương trình CEO - Chìa khóa thành công đã quyết định chọn chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Quyền kiểm soát và sở hữu” để CEO của chương trình thử sức.