Từ đầu năm tới nay, 26 công ty công nghệ Trung Quốc đã bán cổ phiếu ra công chúng với giá trị 8,5 tỷ USD, chiếm 9% lượng cổ phiếu IPO trên toàn cầu, theo Dealogic. Trong đó, nổi bật nhất là nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi, với việc thu về khoảng 6,1 tỷ USD thông qua bán cổ phiếu trên sàn Hong Kong. Nhiều khả năng đây sẽ là thương vụ IPO lớn nhất thế giới trong 2 năm 2017, 2018.
Trong khi đó, một tên tuổi ấn tượng khác cũng đang chuẩn bị cho việc IPO là Ant Fianancial – công ty con phụ trách hoạt động thanh toán của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba. Tính đến vòng gọi vốn gần đây nhất trong tháng 6/2018, giá trị công ty đã được định giá ở mức 150 tỷ USD.
Trong bối cảnh này, không ít thành viên thị trường đặt ra câu hỏi, tại sao các công ty công nghệ Trung Quốc phải vội vã lên sàn, nhất là khi có nhiều yếu tố không thuận lợi khi thu hút nhà đầu tư. Dưới đây là những nguyên nhân chính.
Sức hút từ sàn Hong Kong
Không ít doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc nhanh chóng lên sàn để tận hưởng những ưu đãi từ việc sàn Hong Kong thay đổi quy định niêm yết. Theo đó, nhằm thu hút thêm nhiều công ty công nghệ, Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong đã cho phép niêm yết cổ phiếu 2 tầng (dual-class), vốn cho phép những người sáng lập nắm quyền biểu quyết lớn hơn so với các cổ đông khác. Cấu trúc sở hữu này đảm bảo những người quản lý sẽ vẫn nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp sau khi bán cổ phần ra công chúng.
Điều này ngay lập tức thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp Đại lục, bởi sau một thời gian phát triển nhanh chóng tại thị trường nội địa, các công ty công nghệ đang tìm kiếm cơ hội mở rộng ra thị trường nước ngoài và điều này đòi hỏi nguồn vốn lớn hơn. Chẳng hạn, Xiaomi hiện đang tăng cường hiện diện tại châu Âu nhằm cạnh tranh với Apple và Samsung.
“Kể từ sau khi Alibaba IPO, rất hiếm công ty công nghệ Trung Quốc tiến hành IPO. Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng và thị trường lại đặt ra những quy định hấp dẫn”, Paul Gillis, giáo sư tại Trường Quản trị Guanghua nhận định.
Sợ bỏ lỡ cơ hội
Meituan-Dianping, nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển đồ ăn và các dịch vụ online khác, đã nộp đơn xin niêm yết tại sàn Hong Kong trong năm nay. Công ty này hướng tới mục tiêu sẽ được định giá ở mức 60 tỷ USD. Con số này theo các chuyên gia kinh tế là “khó hiểu”, nhất là khi Công ty vừa báo lỗ 2,9 tỷ USD trong năm ngoái. Dù vậy, điểm mạnh là Meituan đang cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần với đối thủ cùng lĩnh vực được Alibaba “chống lưng”.
Không ít nhà kinh tế nhận định, sở dĩ Meituan vọi vã đẩy nhanh quá trình IPO là bởi nhìn thấy nhu cầu của nhà đầu tư đối với những doanh nghiệp đi trước. Theo đó, tỷ phú giàu nhất Hong Kong Li Ka-shing đã chi 30 triệu USD để mua cổ phiếu của Xiaomi, trong khi ông chủ Tencent – Pony Ma và Jack Ma của Alibaba đều mua số lượng cổ phần chưa được xác định tại đợt IPO của nhà sản xuất smartphone này.
Ken Xu, thành viên hợp tác với hãng đầu tư Gobi Partners nhận định, nhu cầu đối với cổ phiếu mới IPO vẫn hiện hữu. Cả Xiaomi và Meituan đều là những tên tuổi lớn tại thị trường nội địa và là người dẫn đầu trong lĩnh vực của mình. Các doanh nghiệp này lo sợ nếu chậm chân sẽ bỏ lỡ cơ hội vươn lên, cạnh tranh với bộ ba công nghệ đình đám tại Trung Quốc là Baidu, Alibaba và Tencent.
Không chỉ vậy, tâm lý sợ bỏ lỡ cũng hiện hữu đối với các nhà đầu tư.
“Các công ty công nghệ đang được định giá rất cao. Nếu nhìn vào những giá trị cơ bản, mức giá đưa ra không hề hợp lý. Nhưng nhà đầu đặt kỳ vọng các doanh nghiệp này sẽ trở thành gã khổng lồ tiếp theo tại Đại lục và lo sợ mình sẽ bỏ lỡ cơ hội”, Ken Xu nói.