Tòa nhà khám chữa bệnh kỹ thuật cao của Bệnh viện GTVT.
Kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT – cơ sở khám chữa bệnh duy nhất trên phạm vi cả nước được thí điểm CPH tiếp tục diễn biến rất xấu nếu chiểu theo Báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2020 vừa được gửi tới Bộ GTVT.
Do năm 2020, Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT không tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên nên không ban hành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 nên việc so sánh phải đối chứng với kết quả kinh doanh năm 2019.
Cụ thể, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT chỉ đạt 70,8 tỷ đồng, bằng 73% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi phải gánh khoản chi phí lên tới 87,8 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh nói trên, Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT ghi nhận khoản lỗ lũy kế tính đến 30/6/2020 lên tới 134,7 tỷ đồng, làm giảm vốn chủ sở hữu xuống còn 269,4 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT cho biết, tính đến 30/6/2020, công nợ phải thu ngắn hạn của bệnh viện là 96,7 tỷ đồng, trong đó phải thu từ cơ quan Bảo hiểm xã hội Tp. Hà Nội là 96,34 tỷ đồng; công nợ phải trả ngắn hạn là 73,746 tỷ đồng.
Với tình hình công nợ phải thu, phải trả như trên, Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả cho người lao động các khoản như: lương, phụ cấp phẫu thủ thuật, phụ cấp trực, phụ cấp độc hại... đúng định kỳ. Nợ phải trả Bảo hiểm xã hội Đống Đa tiền BHXH, BHYT của Bệnh viện GTVT lên tới 4,688 tỷ đồng đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưu trí do không chốt được sổ BHXN. Cũng do không thanh toán đúng hạn nên nhiều nhà cung cấp đã dừng cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư cho Bệnh viện GTVT.
Từ cuối năm 2018 đến nay, HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT tê liệt sau khi nhóm cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T xin từ nhiệm nhưng không được bổ sung kịp thời. Vào đầu tháng 8/2020, Tập đoàn T%T tiếp tục gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị được hoàn lại tiền mua cổ phần Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT.
Trước đó, vào giữa tháng 7/2020, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đồng ý chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT từ Bộ GTVT sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC như kiến nghị của Bộ GTVT.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT, SCIC và các cơ quan có liên quan xây dựng phương án chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT từ Bộ GTVT sang SCIC bảo đảm đúng quy định pháp luật, có phương hướng phát triển Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đội ngũ chuyên gia bác sỹ chuyên nghiệp.
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2020, Bộ GTVT cho biết là hiện bộ này đang khẩn trương xây dựng Đề án trình Thủ tướng chuyển giao các bệnh viện công lập trực thuộc về các địa phương, đồng thời giải thể Cục Y tế GTVT theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu BCHTW Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Do không còn cơ quan tham mưu, giúp việc về y tế nên Bộ GTVT sẽ không tiếp tục thực hiện việc quản lý đối với các bệnh viện. Chính vì vậy, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp CPH từ các Bộ, ngành, địa phương sang SCIC, theo Bộ BGTVT là thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
“SCIC với kinh nghiệm quản lý vốn, nhân sự tại các doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước sẽ giúp xử lý các vấn đề tồn tại tại Bệnh viện GTVT thuận lợi hơn”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Sau khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ nhất năm 2019 (4/9/2019) và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 2 (25/9/2019), vốn điều lệ của Bệnh viện GTVT đã tăng từ 168 tỷ đồng lên 391,459 tỷ đồng do việc hạch toán giá trị Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện vào phần vốn Nhà nước. Điều này dẫn tới việc, cổ đông Nhà nước từ chỗ chỉ nắm 5.498.400 cổ phiếu, chiếm 32,73% vốn điều lệ nay tăng lên 27.844.370 cổ phiếu, tương đương 71,13% vốn điều lệ. Số lượng cổ phần của các nhà đầu tư khác, bao gồm cả cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T dù vẫn giữ nguyên về số lượng tuyệt đối (11.301.600 cổ phần) nhưng tỷ lệ nắm giữ đã giảm từ 67,27% xuống còn 28,87%.