Công nghệ đang làm thay đổi ngành nội thất
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được hình thành từ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trong đó công nghệ thông tin đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những điều chưa từng có trong lịch sử, ảnh hưởng sâu rộng tới kinh tế, xã hội, cách thức sản xuất cũng như con người.
Công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu mà Việt Nam phải hướng đến để theo kịp các nước phát triển trên thế giới. Cùng với đó, là những hứa hẹn về cuộc “đổi đời” của các doanh nghiệp Việt Nam nếu đón được làn sóng này, trong đó doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất không phải ngoại lệ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chuyên gia nội thất Ngụy Thanh Vĩ (Công ty cổ phần Gỗ An Cường) cho biết, trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành gỗ nội thất tạo ra sự cạnh tranh nhờ vào nhân công giá rẻ. Tuy nhiên hiện nay, nhân công không còn dễ tìm, vì sự cạnh tranh của ngành nghề khác, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Hơn nữa, chi phí nhân công cũng không còn rẻ như trước, mà trở thành áp lực cho các doanh nghiệp.
Trong khi đó, khách hàng luôn đòi hỏi sản phẩm có mẫu mã đẹp hơn, nhưng giá cả tăng rất ít hoặc không thay đổi, tạo áp lực cải tiến rất lớn cho ngành nội thất hiện nay. Do đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cơ hội lớn cho doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất.
Chẳng hạn, trong một xưởng sản xuất nội thất, theo truyền thống, sẽ có những người thợ mộc đo đạc, cắt xẻ gỗ, ráp những miếng gỗ lại, sơn phết, hoàn thiện, đóng gói trước khi đưa ra thị trường. Trong suốt quá trình đó, có nhiều nguy hiểm: Máy cưa cắt có thể va phải tay, chân của thợ mộc, sơn có thể chứa hóa chất độc hại... Con người cũng có thể phạm sai lầm khi cắt miếng gỗ ngắn hơn so với thiết kế, hay lỡ sơn nhiều hơn bình thường. Tất cả máy móc trong phân xưởng này đều là những thiết bị cũ kỹ, thủ công và cần con người vận hành.
Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa hoạc kỹ thuật, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xưởng sẽ được đầu tư máy tự động, được vận hành thông qua những lập trình sẵn. Khi đó, thay cho những máy cắt gỗ thủ công, phụ thuộc vào kinh nghiệm và sự khéo léo của người thợ mộc, thì các lát cắt bằng máy tự động sẽ cho ra các thanh gỗ đồng đều và nhanh hơn rất nhiều. Chiều dài, tiết diện mỗi thanh gỗ được cắt đều được lưu trữ về một máy chủ trung tâm để dự đoán xem lưỡi cưa có bị mòn không, thời gian cắt mỗi mét là bao nhiêu, khi nào thì cần bảo trì máy…
Những cảm biến mới cũng được gắn vào từng sản phẩm thô để biết bao nhiêu sản phẩm đã được đẩy sang khâu sơn phết, hoàn thiện, bao nhiêu sản phẩm bị bỏ đi. Máy cũng sẽ quyết định nên dùng thùng sơn A, B hay C, mà con người không phải mở nắp thùng ra xem thủ công (cảm biến bên trong sẽ báo lượng sơn còn lại).
Vì vậy, việc sản xuất sẽ nhanh hơn, tốn ít sức người hơn, dữ liệu thu thập đầy đủ hơn, quyết định được đưa ra nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, trong những môi trường làm việc nguy hiểm, con người không phải xuất hiện, nên giảm tỷ lệ tai nạn trong lao động, kiểm soát được món hàng từ nguyên vật liệu cho đến khi hoàn thành và đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các mẻ thành phẩm (máy móc sẽ giúp bạn kiểm soát và ước tính cho bạn nên sản xuất thế nào để tiết kiệm phôi gỗ nhất), các công ty sẽ giảm chi phí, tăng thị phần, lợi nhuận.
Không chỉ giúp việc sản xuất sản phẩm nhanh hơn, ít lỗi hơn, mà sự công nghiệp 4.0 còn giúp doanh nghiệp có thể “thông minh hóa” sản phẩm.
Đại diện hãng nội thất thông minh V-Home cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, ngày càng có nhiều dòng sản phẩm nội thất thông minh được ra đời. Thậm chí, một chiếc bếp có thể vừa có chức năng nấu ăn, nhưng cũng vừa có thể lướt web, đọc báo, nghe nhạc, chơi đàn… Đương nhiên, giá cả cũng sẽ tương ứng với sản phẩm, thậm chí cả nửa tỷ đồng cho một chiếc bếp như vậy.
Cơ hội cho doanh nghiệp nội
Đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) biết, sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0 hứa hẹn sẽ mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội làm ăn mới, nhưng vấn đề là phải tìm ra hướng đi và kinh doanh hiệu quả.
“Để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp cần tự thân vận động, tăng cường tự học hỏi, nâng cao trình độ, liên tục cập nhật xu hướng và tiến bộ công nghệ, tăng cường công tác đào tạo cho cán bộ nhân viên của mình, bởi chính kiến thức, tri thức sẽ giúp doanh nghiệp mở ra cánh cửa để hòa vào thế giới”, lãnh đạo VCCI chia sẻ.
Đồng quan điểm, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 buộc doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh, tổ chức, quản trị và văn hóa kinh doanh, phải đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin và tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao. Doanh nghiệp cần có kỹ năng quản lý nguồn nhân lực đa thế hệ, năng suất lao động cần phải tăng cao hơn. Nguồn nhân lực cần phải am hiểu công nghệ, có khả năng đa nhiệm, tự tin, độc lập, có nhu cầu học hỏi lớn.
Sự phát triển của công nghệ giúp doanh nghiệp nội thất Việt cho ra nhiều sản phẩm mới
Về phía các doanh nghiệp, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Duy Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam thừa nhận, công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp nội thất hơn là thách thức. Bằng việc bắt kịp công nghệ sản xuất và áp dụng vận hành tiên tiến, doanh nghiệp nội thất nội tự tin cạnh tranh với các dòng sản phẩm nội thất nhập khẩu châu Âu.
Tương tự, đại diện hãng nội thất M-Home cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đang giúp kết nối, chia sẻ giữa các nền kinh tế trên toàn cầu và để tồn tại, phát triển, doanh nghiệp cần phải tham gia vào quá trình này.
Với doanh nghiệp Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại những cơ hội chưa từng thấy cho các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một chiến lược phát triển bền vững và những bước đi cụ thể, vững chắc để bước vào cuộc cách mạng này.
Lấy ví dụ với lĩnh vực nội thất mà M-Home đang hoạt động, vị này cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đang buộc Công ty phải thay đổi nhiều theo hướng cập nhật liên tục tiến bộ của khoa học công nghệ để phát triển và lợi ích cuộc cách mạng này mang lại cho Công ty là không thể phủ nhận.
Công nghiệp 4.0 sẽ giúp khách hàng giám sát tiến độ sản xuất của sản phẩm, cập nhật thông tin, trao đổi với doanh nghiệp khi có nhu cầu chỉnh sửa hoặc thay đổi mẫu mã. Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp quản lý, vận hành và phát triển một cách thông minh, minh bạch hơn. Doanh nghiệp nào làm được điều đó sẽ giành được nhiều lợi thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, do chi phí đầu tư còn khá lớn, nên chỉ một số doanh nghiệp lớn mới đủ tiềm lực đầu tư.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com