Dư nợ cho vay cá nhân của Sacombank 6 tháng đầu năm chiếm trên 50% tổng dư nợ
Lập lại trật tự hoạt động tín dụng cá nhân
Thời gian gần đây, nhiều nhà băng đẩy mạnh vốn cho vay tiêu dùng, với mức lãi suất đưa ra rất hấp dẫn, 0%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn. Chẳng hạn tại HDBank, từ nay đến cuối năm 2013, Ngân hàng triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, ưu đãi lãi suất cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và DN tư nhân. Theo đó, lãi suất 0%/năm được áp dụng trong tháng đầu tiên, 11 tháng tiếp theo áp dụng lãi suất cố định 11,86%/năm đối với khoản vay từ 500 triệu đồng trở lên. Đối với khoản vay có giá trị trên 200 triệu đồng và dưới 500 triệu đồng, Ngân hàng áp dụng lãi suất 0%/năm trong tháng đầu tiên và cố định 12,86%/năm trong 11 tháng tiếp theo. Tương tự, một số ngân hàng như VietBank, TienPhong Bank cũng áp dụng mức lãi suất cho vay tiêu dùng bằng 0 trong tháng đầu giải ngân.
Đây chính là cách để các ngân hàng thu hút sự chú ý của khách hàng trong quá trình phát triển tín dụng tiêu dùng, trong bối cảnh khó đẩy vốn vào các DN, nhằm hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận. Song cũng chính mức lãi suất ưu đãi 0%/năm mà các ngân hàng đưa ra cũng khiến nhiều cá nhân cần vốn mắc bẫy, vì nhầm tưởng sẽ tiếp cận được vốn giá rẻ, nhưng thực tế lãi suất vẫn cao.
Nhằm đảm bảo hoạt động cho vay tiêu dùng đúng quy định pháp luật hiện hành, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, ngày 30/7/2013, NHNN đã có Công văn số 5461/NHNN-TTGSNH gửi NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra, giám sát hoạt động tại các phòng giao dịch, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ của các tổ chức tín dụng có hoạt động cho vay tiêu dùng trên địa bàn. Đáng chú ý, Công văn quy định, các phòng giao dịch, chi nhánh giới thiệu dịch vụ của tổ chức tín dụng phải công khai biểu lãi suất chi tiết áp dụng cho từng nhóm sản phẩm, từng loại sản phẩm cho vay. Với các trường hợp sai phạm bị phát hiện, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN xử lý nghiêm.
Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, có dễ?
Với hoạt động tín dụng cá nhân, các ngân hàng hiện được phép thỏa thuận về lãi suất với khách hàng và so với các lĩnh vực tín dụng khác, lãi suất áp dụng cho khoản vay tiêu dùng luôn ở mức cao hơn. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay cá nhân với trần lãi suất huy động, theo ông Nguyễn Gia Định, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, hiện vào khoảng 3-4%/năm, cao hơn so với cho vay doanh nghiệp. Do đó, với các ngân hàng, nếu đẩy mạnh được tín dụng tiêu dùng trong lúc này (mua, sửa chữa nhà, mua ôtô…), sẽ giúp tăng nguồn thu từ hoạt động tín dụng cũng như có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận.
Đơn cử tại Sacombank, 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng đạt 1.448 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương gần 52% kế hoạch năm. Lợi nhuận của Sacombank đạt mức khả quan như vậy là do dư nợ cho vay của Ngân hàng tăng trưởng tốt, đạt gần 109.580 tỷ đồng, tăng 12,9% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ nhóm khách hàng cá nhân chiếm trên 50%, nhờ vào chiến lược đẩy mạnh cho vay phân tán Sacombank đang thực hiện.
Thế nhưng, không phải nhà băng nào muốn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cũng có thể mở rộng được thị phần tín dụng ở lĩnh vực này, cho dù lãi suất đã giảm về mức phù hợp, thậm chí là bằng 0%/năm trong nửa năm đầu kể từ khi giải ngân. Phó tổng giám đốc NamA Bank, ông Trần Ngọc Tâm cho biết, lãi suất cho vay mua nhà hiện đã giảm khá nhiều so với đầu năm, song khách hàng vẫn ngại vay, dù nhu cầu luôn cao. Nguyên nhân là do thu nhập của người dân đang giảm, khó tiết kiệm để trả nợ. Mặt khác, người dân vẫn kỳ vọng lãi suất và giá nhà sẽ giảm thêm nên chưa vội vay.