Công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường: Bộ trưởng hứa, nhưng Quốc hội quyết

0:00 / 0:00
0:00

Báo cáo đánh giá tác động môi trường là tác quyền của doanh nghiệp, do đó, công khai hay không là quyền của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân trả lời báo chí

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân trả lời báo chí

"Bộ rất muốn công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giám sát, Bộ trưởng hứa quyết liệt trong việc công khai thông tin, thì cái đó Bộ trưởng đã thực hiện được, còn khi bấm nút thông qua luật là thẩm quyền Quốc hội", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân trả lời báo chí tại cuộc họp báo sáng 11/12 công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật vừa được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường.

Đây là Luật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo và Bộ trưởng Trần Hồng Hà là Trưởng ban soạn thảo.

Câu hỏi từ báo chí là quá trình hoàn thiện dự án luật, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đồng ý tiếp thu các góp ý từ chuyên gia, quy định các cơ quan nhà nước sẽ phải công khai các báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt. Nhưng Luật được Quốc hội thông qua chỉ giao cho doanh nghiệp công khai ĐTM đã được phê duyệt, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp. Vậy có chế tài nào để tránh doanh nghiệp lợi dụng "bí mật" để không công khai ĐMT không?

Về câu hỏi này, ông Nhân cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban soạn thảo dự án luật trong thực thi soạn thảo luật lần này có quan điểm là rất quyết liệt về việc công khai thông tin, tăng cường tính phản biện, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ môi trường.

Ông Nhân cũng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh, hoặc Bộ Công an là những cơ quan thẩm định các báo cáo ĐTM. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước có thể công khai quyết định phê duyệt của mình.

Luật quy định rõ, cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM phải công khai quyết định phê duyệt thẩm định báo cáo ĐTM và lập một cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường, và có mục công khai các cơ sở thông tin theo quy định của pháp luật về công khai thông tin. Tức là cái nào công khai, cái nào không được công khai và cái nào công khai ở mức độ nào đã được quy định rất rõ ở trong luật.

"Đối với doanh nghiệp, báo cáo ĐTM là tác quyền của doanh nghiệp, do đó, công khai hay không là quyền của doanh nghiệp, chứ không phải cơ quan nhà nước lấy cái đó công khai được", ông Nhân nhấn mạnh.

Vẫn theo Thứ trưởng Nhân, Luật cũng yêu cầu chủ đầu tư, doanh nghiệp, công khai báo cáo ĐTM, trừ những bí quyết công nghệ, bí mật doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Việc công khai này không chỉ theo Luật Bảo vệ môi trường, mà còn theo Luật Tiếp cận thông tin và các quy định khác.

Về câu hỏi cơ quan soạn thảo có đề xuất với các cơ quan có trách nhiệm (Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) tiếp thu quy định cơ quan nhà nước phải công khai ĐTM vào luật hay không, ông Nhân cho biết, Bộ trưởng hứa là quyết liệt trong việc công khai thông tin và đưa nội dung đó vào dự thảo số 5, 6.

"Nhưng quyết định cuối cùng là thẩm quyền của Quốc hội, luật là của Quốc hội", ông Nhân nhấn mạnh..

Trước đó, giới thiệu về những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường, ông Nhân nhấn mạnh, Luật đã thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường, kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.

"Luật đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa được chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; bảo vệ môi trường phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên. Đồng thời, đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và cũng, hài hòa với quy định của quốc tế để góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu", ông Nhân nói.

Điểm mới nữa là Luật tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường, sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, có nguy cơ gây lũ lụt, suy thoái cạn kiệt dòng chảy, tác động đến các di sản tự nhiên, khu bảo tồn; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình đến thực hiện dự án đầu tư.

Tin bài liên quan