Các hãng công nghệ của Trung Quốc đang có nhu cầu mở rộng văn phòng. Ảnh: Shutterstock.

Các hãng công nghệ của Trung Quốc đang có nhu cầu mở rộng văn phòng. Ảnh: Shutterstock.

Colliers International: Các tập đoàn công nghệ Trung Quốc sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu thuê văn phòng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo mới nhất của Colliers International cho rằng, các hãng công nghệ châu Á dẫn đầu bởi các tập đoàn từ Trung Quốc sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu thuê văn phòng. Tuy vậy, chiến lược “Trung Quốc cộng một” sẽ được áp dụng để giảm thiểu rủi ro.

Colliers đánh giá các công ty công nghệ châu Á, đáng kể trong số này là nhiều tập đoàn hùng mạnh của Trung Quốc, sẽ là những “tay chơi” chính trên thị trường văn phòng cho thuê trong năm 2021 và những năm tiếp theo, quyết định quan trọng đến mức giá, ưu đãi và độ phức tạp của giao dịch.

Các hãng công nghệ của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Meituan, JD.com, Baidu hay Xiaomi là những tập đoàn đang mở rộng kinh doanh nhanh bậc nhất trong khu vực, hiện chiếm khoảng 2 triệu m2 diện tích văn phòng cho các trụ sở chính và chiếm 10% tổng diện tích văn phòng tại các thành phố chính của Trung Quốc.

Dùng mức tăng trưởng của các công ty này làm thước đo tham khảo, Colliers ước tính rằng khách thuê là các hãng công nghệ khu vực sẽ chiếm đến 20 - 25% nhu cầu văn phòng tại châu Á từ 2020 - 2025, tạo ra các quy chuẩn mới về bất động sản, nhân tài và nơi làm việc của khu vực.

Colliers đánh giá “khẩu vị” ưa thích của các nhà đầu tư tại các địa điểm được giới công nghệ tập trung như: Sydney, Melbourne, Singapore, Bengaluru hay Hyderabad và cho rằng đơn vị cho thuê sẽ chú trọng vào khách thuê đến từ lĩnh vực công nghệ.

Dù đánh giá cao vai trò của các hãng công nghệ Trung Quốc, nhưng Colliers cũng cho rằng, trong năm 2021 chiến lược “Trung Quốc cộng một” sẽ được các nhà đầu tư áp dụng để giảm thiểu rủi ro.

Theo Colliers, thị trường nội địa khổng lồ và tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của Trung Quốc có sức hấp dẫn đáng kể với các công ty đa quốc gia quy mô lớn (MNCs) mong muốn vận hành và mở rộng kinh doanh tại nước này.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19, một số công ty MNCs tại châu Á nhận thấy rằng họ không thể đặt toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Trung Quốc và đã có những tập đoàn lớn tìm cách chuyển hướng sản xuất hoặc hiện diện thêm ở một quốc gia khác - chiến lược “Trung Quốc cộng một”.

Colliers đánh giá xu hướng áp dụng chiến lược “Trung Quốc cộng một” sẽ khiến nhu cầu gia tăng trong mảng bất động sản công nghiệp và logistic cũng như phần nào với phân khúc văn phòng ở các thị trường như Nhật Bản (nhất là vùng xung quanh Tokyo), Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ và Việt Nam.

Hơn nữa, nhiều chính phủ cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp thuê bất động sản áp dụng chiến lược “Trung Quốc cộng một” bằng các quy định mới, ưu đãi về thuế và sản xuất.

Cuối cùng, các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc cũng đang mở rộng đầu tư ra bên ngoài cũng như M&A và sẽ bắt đầu cạnh tranh với các công ty MNCs về nhân lực và không gian vận hành.

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư rời bỏ Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock.

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư rời bỏ Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock.

Một vấn đề đáng chú ý khác được Colliers đưa ra là tính bền vững. Colliers đánh giá đây sẽ là trọng điểm chú ý với cả bên thuê và bên cho thuê trong tương lai.

Báo cáo của đơn vị này chỉ rõ, tính bền vững sẽ bắt đầu có tác động đến các quyết định thuê bất động sản cũng như đầu tư khi mà hầu hết các quốc gia châu Á thiết lập các mục tiêu tham vọng dài hạn về trung hòa khí carbon, bên cạnh Hoa Kỳ.

Các chính phủ trong khu vực cũng đang tích cực hoàn thiện quy chuẩn trong các lĩnh vực bất động sản và xây dựng; thêm vào đó, 23% các công ty thuộc danh sách Fortune 500 đặt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2030, mặc dù tỷ lệ này tại châu Á có thấp hơn.

Colliers cho rằng, tương lai các doanh nghiệp khi thuê văn phòng sẽ tìm hiểu kỹ càng để nắm được tòa nhà nào không đáp ứng các tiêu chuẩn trung hòa khí carbon và có kế hoạch phù hợp. Tuy rằng các chủ đầu tư sẽ phải gánh chịu thêm chi phí để đáp ứng quy chuẩn phát triển bền vững, các tòa nhà “xanh” sẽ mang đến vô vàn lợi ích khác cho cả các bên liên quan.

Nhiều khả năng các tiêu chuẩn mới về môi trường, xã hội và quản lý (ESG) sẽ bắt đầu tác động mạnh mẽ hơn đến thị trường bất động sản, trong khi các dự án mới sẽ chú trọng đến tính bền vững.

Tin bài liên quan