Bảo lãnh tín dụng sẽ giải quyết triệt để vấn đề khó tiếp cận vốn vay của DNNVV

Bảo lãnh tín dụng sẽ giải quyết triệt để vấn đề khó tiếp cận vốn vay của DNNVV

“Cởi trói” quy định đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp

(ĐTCK) Dự thảo Quyết định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) - SMEDF đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. 

Với việc mở rộng phạm vi và đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, cũng như hỗ trợ DNNVV theo Dự thảo Quyết định, Quỹ sẽ có cơ sở pháp lý để mở rộng hỗ trợ tín dụng cho nhiều DN.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, cơ sở pháp lý hiện hành quy định hoạt động của SMEDF là Quyết định số 601/QĐ-TTg trong quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều hạn chế. Chẳng hạn, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật về quy định cho vay ủy thác của Quỹ, việc trùng lặp trong trích lập dự phòng rủi ro khiến các ngân hàng nhận ủy thác từ Quỹ gặp vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động, làm chậm tiến độ thực hiện việc hỗ trợ.

Bên cạnh đó, việc quy định Quỹ chỉ được hỗ trợ DNNVV thông qua mô hình ủy thác cho vay khiến Quỹ bị hạn chế trong việc huy động các nguồn lực trong và ngoài nước. Trong khi đó, thông lệ quốc tế cho phép các tổ chức hỗ trợ tài chính DNNVV quốc tế được phép hoạt động, với các chức năng hỗ trợ tài chính đa dạng, kết hợp linh hoạt để việc hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất như cho vay trực tiếp, gián tiếp, bảo hiểm tín dụng, đầu tư mạo hiểm…

Mặt khác, đối với việc hỗ trợ DN khởi nghiệp, đòi hỏi phải chấp nhận rủi ro (trong phạm vi kiểm soát được) và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ thì mới phát huy tác dụng đối với nhóm DN đặc thù này. Do đó, việc ban hành Quyết định về tổ chức và hoạt động của SMEDF thay thế Quyết định số 601/QĐ-TTg là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đồng thời đảm bảo hoạt động hỗ trợ hiệu quả hơn.

Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc SMEDF cho biết, Dự thảo Quyết định bổ sung các hình thức hỗ trợ DNNVV cho Quỹ bao gồm: các hình thức cho vay trực tiếp, bảo lãnh tín dụng, đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng, thực hiện các chương trình của Chính phủ, hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV. Theo đó, sẽ giúp Quỹ chủ động và kết hợp linh hoạt các hình thức hỗ trợ DNNVV, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DNNVV, đồng thời huy động các nguồn lực, tiềm lực vốn trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ DNNVV đạt hiệu quả cao nhất.

Đối với DN khởi nghiệp nói chung, theo bà Hồng, do mức độ rủi ro cao nên khó cho vay theo hình thức cho vay gián tiếp qua ngân hàng thương mại (NHTM). Tuy nhiên, với việc bố sung chức năng hỗ trợ, Quỹ sẽ có thể cho vay trực tiếp hoặc gián tiếp dưới hình thức đầu tư mạo hiểm, từ đó tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DN khởi nghiệp.

”Quỹ có thể tập trung nguồn lực hỗ trợ nhóm DN khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thông qua việc cung cấp ‘vốn mồi’ dưới hình thức tương tự như đầu tư mạo hiểm. Với sơ sở pháp lý chính thức, Quỹ sẽ được phép thực hiện việc gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) để huy động vốn từ số đông các cá nhân, các nhà đầu tư, thông qua tổ chức trung gian cung cấp thông tin và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ việc huy động vốn trực tuyến, cũng như nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để tạo nguồn vốn dồi dào cho đầu tư khởi nghiệp”, bà Hồng cho biết. 

Một điểm rất quan trọng được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh là việc bổ sung các hình thức hỗ trợ thông qua bảo lãnh tín dụng sẽ giải quyết triệt để vấn đề khó khăn trong tiếp cận vốn của NHTM, nhân rộng đối tượng được vay vốn.

“Tài sản đảm bảo luôn là rào cản để tiếp cận các NHTM. Vì vậy, bảo lãnh tín dụng được đánh giá là một trong những phương thức hỗ trợ tài chính cho DNNVV hiệu quả, đã được áp dụng thành công tại nhiều nước phát triển mà Việt Nam có thể học hỏi để áp dụng trong thực tiễn hỗ trợ DNNVV trong nước”, ông Đông nói.

Tại Việt Nam, hệ thống bảo lãnh tín dụng được hình thành từ năm 2001. Tuy nhiên, mô hình bảo lãnh tín dụng hiện tại hoạt động không hiệu quả. Tính đến năm 2011, toàn hệ thống không phát sinh thêm bất kỳ một khoản bảo lãnh nào cho DNNVV.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đó là do các vướng mắc trong các quy định pháp lý. Đồng thời, việc hình thành các Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương khiến nguồn vốn điều lệ của các Quỹ này bị chia nhỏ, không đủ đảm bảo uy tín và thanh khoản với NHTM. Khi xảy ra rủi ro, các NHTM rất e ngại nhận chứng thư bảo lãnh từ Quỹ.

Theo bà Hồng, với nguồn vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng, việc bổ sung chức năng bảo lãnh tín dụng cho Quỹ có thể kết hợp cùng hình thức cho vay gián tiếp qua NHTM, giúp việc phối hợp cùng NHTM đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, số vốn điều lệ trên là khá hạn hẹp so với nhu cầu về vốn của các DNNVV trên toàn quốc, nên việc Quỹ được bảo lãnh tín dụng cho DNNVV sẽ giúp tận dụng được nguồn vốn của NHTM, tăng nguồn lực hỗ trợ DNNVV.

Tin bài liên quan