Korean Air là một trong các cổ đông của Hanjin Shipping, nhưng việc cấp khoản vốn lớn trên không phải nhằm giúp Hanjin Shipping thoát khỏi nguy cơ phá sản mà chỉ để giúp hãng tàu giải phóng lượng hàng hóa không nhỏ đang bị mắc kẹt trên các con tàu, trong đó bao gồm hàng hóa của nhiều hãng lớn như Samsung, LG, Warmart…
Vụ việc Hanjin Shipping nộp đơn xin bảo hộ phá sản cuối tháng 8 vừa qua là cú sốc mạnh với ngành vận tải biển trên thế giới bởi hãng tàu này lớn thứ 7 trên thế giới và là hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, cước tàu biển được ghi nhận là “tăng vọt” trên nhiều tuyến vận tải chủ chốt trên thế giới, có những tuyến giá cước tăng tới gần 50%.
Khoản tiền “nóng” 53,9 triệu USD là không đủ để cứu một "con tàu đang sắp đắm"
Theo quy trình xử lý đơn bảo hộ phá sản của Hanjin Shipping, hiện có một ủy ban gồm đại diện chủ nợ và đại diện hãng tàu sẽ nghiên cứu một phương án tái cấu trúc. Nếu phương án được thông qua thì Hanjin Shipping sẽ được cứu, còn trường hợp ngược lại sẽ tiến hành thủ tục phá sản. Thời hạn để Ủy ban tái cấu trúc đưa ra kế hoạch ban đầu là 25/11, tuy nhiên mới đây đã được gia hạn tới 9/12.
Theo một số phân tích thì khả năng “sống sót” của Hanjin Shipping là không lớn.
Đối với hoạt động của Hanjin Shipping từ lúc nộp đơn 31/8 đến tháng 12 khi có kết quả cuối cùng thì vẫn dành ưu tiên giải phóng hàng. Theo thông báo của hãng tàu vẫn là “hoạt động nhằm giải quyết tồn đọng, giải phóng hàng, giải phóng tàu, tìm kiếm sự bảo vệ của pháp lý ở nước ngoài nhằm đảm bảo cho tài sản của hãng, trả lại cho các chủ tàu, chủ container, ... những tài sản mà hãng đã và đang thuê hạn định”.
Cụ thể, những tàu nào được cập cảng Hanjin Shipping sẽ nỗ lực để bốc dỡ hàng và giao cho khách hàng; với những con tàu còn trên biển, hãng sẽ cố gắng tìm kiếm sự bảo hộ về mặt luật pháp của nước nước sở tại để tàu được vào cảng và dỡ hàng ra; với những con tàu đã đến cảng chuyển tải, Hanjin Shipping sẽ hỗ trợ để khách hàng rút hàng ra và chuyển tiếp bằng dịch vụ của các hãng khác hoặc các phương tiện vận tải khác.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn có những khó khăn với những tàu hàng đang nằm ngoài phao số 0 (outer anchorage) không thể cập cảng vì lo sợ khả năng bị bắt giữ hiện gặp rất nhiều khó khăn vì lương thực, thực phẩm, nước ngọt cứ cạn kiệt dần mà chưa có bất cứ sự cho phép tiếp tế nào cho thuỷ thủ đoàn.
Mọi nỗ lực của Hanjin lúc này chỉ là giải phóng hàng
Được biết, hiện hầu hết các văn phòng của Hanjin Shipping trên thế giới bao gồm cả Việt Nam, các nhân sự vẫn đang phải làm việc hết công suất để giải phóng hàng hóa nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi khách hàng, trong tình trạng không hưởng lương và tương lai “bất định”.
Đại diện hãng cho biết, rất mong sự phối hợp từ phía chủ hàng nhằm tìm giải pháp tối ưu trong tình trạng hiện nay để giải phóng hàng hóa khỏi các con tàu và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, thay vì nhận những lời chỉ trích từ phía các chủ hàng.
Hầu hết nhân sự của Hanjin hiện phải làm việc hết công suất trong tình trạng không hưởng lương và tương lai “bất định".
Theo một số nguồn tin thì có khoảng 5.000 container hàng hóa từ Việt Nam đi bị ảnh hưởng, chưa kể một lượng không nhỏ hàng hóa đang trên đường về Việt Nam. Sự việc xảy ra như của Hanjin Shipping được coi là vụ việc bất khả kháng (tàu bị bắt giữ, cảng không cho tàu vào) và liên đới rất nhiều bên liên quan chứ không chỉ đơn thuần là quan hệ giữa chủ hàng và hãng tàu. Điều đáng chú ý là hầu hết các chủ hàng tại Việt Nam đều không có bảo hiểm trong trường hợp rủi ro này.