Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/4

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 3/4.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/4

HVG: Được hưởng lợi từ AGF

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Trước đây, CTCP Hùng Vương (HVG) là một số ít doanh nghiệp cá ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế chống bán phá giá của Mỹ, do xuất khẩu gián tiếp qua CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), doanh nghiệp gần như không bị áp thuế phá giá. Tuy nhiên, sau khi nâng tỷ lệ sở hữu tại AGF nhằm chi phối và nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp này, thì AGF trở thành công ty con của HVG và cũng chịu mức thuế chống bán phá giá POR9 là 1,2 USD/kg.

Qua trao đổi với AGF, chúng tôi tin rằng, doanh nghiệp có khả năng vẫn giữ được thị phần xuất khẩu sang Mỹ (chiếm 65,2% tổng sản lượng xuất khẩu) dù cho kết quả POR9 cuối cùng như thế nào. Tại ĐHCĐ 2014, AGF cũng đưa ra kế hoạch 2014 doanh thu thuần đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương 2013, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 120 tỷ đồng, tăng 244% (tương đương với kế hoạch 2013) dựa trên lợi thế giá cá tra nguyên liệu thấp và giá xuất khẩu cải thiện. Điều sẽ tạo yếu tố tích cực cho HVG khi hợp nhất kết quả kinh doanh của AGF trong năm 2014.

VIC: Triển vọng năm 2014 rất tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Quý IV/2013, doanh thu của Tập đoàn Vingroup (VIC) ghi nhận 6.777 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.074 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 239% doanh thu và 288% về lợi nhuận so với cùng kỳ. Lũy kế 2013, doanh thu là 18.379 tỷ với lợi nhuận sau thuế đạt 7.149 tỷ đồng, lãi trên cổ phần là 7.896 đồng/CP. Sự tăng trưởng vượt bậc của Công ty trong năm 2013 đến từ các dự án trọng điểm như Vinhomes Times City, Vinhomes Royal City và chuyển nhượng thành công Vincom Center A TP. HCM.

Kế hoạch kinh doanh 2014 sẽ được Vingroup công bố trong ĐHCĐ thường niên sắp tới. Năm 2014, Công ty tiếp tục bàn giao căn hộ và ghi nhận doanh thu từ dự án Vinhomes Royal City, Vinhomes Times City và dự án Vinhomes Riverside.

Hoạt động cho thuê mặt bằng bán lẻ kỳ vọng tăng trưởng khi Trung tâm thương mại Mega Mall Times City đi vào hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi trở lại. Đồng thời, Vingroup đang xây dựng các dự án Trung tâm thương mại mới như Hạ Long, dự kiến hoàn thành vào

cuối năm 2014, để tiếp tục tăng danh mục các bất động sản đầu tư của Tập đoàn. Cuối cùng, các dự án mang thương hiệu Vinpearl vẫn duy trì tăng trưởng tốt sẽ đóng góp nguồn thu ổn định cho Tập đoàn.

Từ năm 2014 Công ty TNHH VinE – Com (VinE - Com) bắt đầu đưa ra thị trường một số sản phẩm mới lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Các dự án sẽ triển khai là dịch vụ mua hàng theo nhóm - VinDeal và mô hình kinh doanh mua/bán trực tuyến VinMall tương tự trang web TMall tại Trung Quốc. VIC sẽ đưa các sản phẩm thương hiệu Vinhomes, dịch vụ cho thuê trung tâm thương mại và sản phẩm các đối tác thuê trung tâm thương mại…lên kênh mua hàng trực tuyến này. Theo đó, VIC và đối tác sẽ có thêm một kênh quảng bá, thương mại hiệu quả trên một nền tảng thanh toán vượt trội.

Một số nhà đầu tư quan ngại sản phẩm của VinE – Com có ảnh hưởng đến hoạt động của các đối tác đang thuê trung tâm thương mại từ đó tác động đến hoạt động cho thuê của Vingroup tại các trung tâm thương mại. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, VinE – Com không những mang sản phẩm của đối tác đến gần khách hàng mà còn gia tăng doanh số, hình ảnh và thương hiệu cho lợi ích của đôi bên Trong dài hạn, chiến lược này góp phần gia tăng thương hiệu Vingroup nói chung và sức hấp dẫn cho các trung tâm thương mại mà đang VIC phát triển.

VIC tiếp tục phát triển và đầu tư các dự án cốt lõi như dự án phức hợp Vinhomes Times City để tạo nguồn sản phẩm cung cấp cho thị trường những năm tiếp theo. Năm 2014, VIC sẽ đẩy nhanh đầu tư và đưa vào hoạt động hai dự án lớn là Vinpearl Phú Quốc (dự kiến hoàn thành tháng 10.2014) và Vincom Center Hạ Long (dự kiến hoàn thành 11/2014).

Năm 2014 VIC sẽ tiếp tục ghi nhận lợi nhuận từ chuyển nhượng ba dự án lớn như Royal City, Times City, Vinhomes Riverside và hoạt động động kinh doanh thường xuyên có phần đóng góp  ủa Vincom Mega Mall Royal City và Vincom Mega Mall Times City trong cả năm, theo đó, chúng tôi nhận thấy triển vọng năm 2014 của VIC rất tích cực. Công ty vẫn duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án có quy mô lớn, triển vọng và tình hình bán hàng tốt, với điểm rơi lợi nhuận bắt đầu được hạch toán từ năm 2013, tiếp tục trong năm 2014 và 2015 Dự án thương mại điện tử dù mới trong giai đoạn khởi đầu, tuy chưa có dấu ấn lớn về doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới, nhưng kỳ vọng sẽ là một hướng đi mới và mang lại kết quả kinh doanh tốt cho VIC trong tương lai.

FCN: Khuyến nghị NẮM GIỮ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Năm 2013, CTCP Kỹ thuật nền móng công trìn FECON (FCN) đạt được kết quả kinh doanh khá tốt với doanh thu thuần đạt 1.204,7 tỷ đồng (+19,5% năm trước) và lợi nhuận ròng đạt 102,3 tỷ đồng (+8,3% năm trước).

Trong năm 2014, Công ty có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 517,2 tỷ đồng và phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, thu về 670 tỷ đồng, tạo điều kiện để FCN nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng sang lĩnh vực xây dựng hạ tầng.

Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2014 của FCN sẽ đạt 1.500 tỷ đồng (+25% năm 2013) và lợi nhuận sau thuế đạt 127,5 tỷ đồng (+10% năm 2013). P/E forward đạt 10 lần tương đương trung bình ngành. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư NẮM GIỮ cổ phiếu FCN.

>> Tải báo cáo

REE: Khuyến nghị THEO DÕI

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh năm 2013 của CTCP Cơ điện lạnh (REE) tăng trưởng mạnh và vượt xa kế hoạch. REE đạt 2.413 tỷ đồng doanh thu (+1% năm 2012, đạt 101% kế hoạch) và 976 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+49% năm 2012, vượt 50% kế hoạch). Xem xét tổng quan các hoạt động của REE trong năm 2013, lợi nhuận của 3/4 hoạt động đều tăng trưởng mạnh trên hai con số, đặc biệt là hoạt động chính - hoạt động đầu tư (~52% tổng tài sản) với mức tăng 84% năm 2012.

REE đặt kế hoạch năm 2014 với 2.654 tỷ đồng doanh thu (+10% năm 2013) và 892 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (-9% năm 2013), cổ tức năm 2014 không thấp hơn 12%. Trong đó, cơ cấu lợi nhuận sau thuế các hoạt động như sau: đầu tư (482 tỷ đồng, giảm 22%), cơ điện (140 tỷ đồng, tăng 17%), văn phòng cho thuê (220 tỷ đồng, tăng 4%), Reetech (50 tỷ đồng, tăng 108%).

Trong các hoạt động của REE, hoạt động văn phòng cho thuê tương đối ổn định, cơ điện và Reetech dự kiến sẽ tăng trưởng tốt tuy nhiên các mảng hoạt động này chỉ đóng góp khoảng một nửa vào kế hoạch lợi nhuận của REE, phần lớn lợi nhuận còn lại đến từ hoạt động đầu tư. Đồng thời, trong danh mục đầu tư của REE có đến 69% là đầu tư vào lĩnh vực điện nên việc ký kết giá điện của các công ty liên kết sắp tới đây sẽ ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của REE trong năm 2014. Chúng tôi cho rằng REE có thể hoàn thành kế hoạch 2014, theo đó EPS năm 2014 khoảng 3.300 đồng/CP. Tuy nhiên với mức giá hiện nay, PE forward ở mức không quá hấp dẫn, đạt khoảng 9,5 lần do đó chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu REE.

>> Tải báo cáo

FPT: Khuyến nghị NẮM GIỮ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Năm 2013 CTCP FPT (FPT) đạt 28.647 tỷ đồng doanh thu (+13% năm trước, hoàn thành 106% kế hoạch) và 2.516 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (5% năm trước, hoàn thành 95% kế hoạch). Trong đó, xuất khẩu phần mềm, viễn thông tăng trưởng tốt, hoạt động bán lẻ mở rộng.

Năm 2014, FPT đặt kế hoạch doanh thu đạt 31.892 tỷ đồng (+11%), lợi nhuận trước thuế đạt 2.672 tỷ đồng (+6%), lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.768 tỷ đồng (+10%), EPS năm 2014 khoảng 6.426 đồng/CP.

Đáng lưu ý, hoạt động viễn thông mặc dù doanh thu tăng trưởng cao (18%) nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 1% do FPT đầu tư mạnh cho việc quang hóa hạ tầng viễn thông và lựa chọn hình thức khấu hao nhanh khoản đầu tư này. Tuy nhiên hai hoạt động lớn khác như phát triển phần mềm và phân phối bán lẻ lại có kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng mạnh, mức tăng trưởng lần lượt là 21% và 25%.

FPT là doanh nghiệp đầu ngành có các chỉ tiêu cơ bản tốt và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Đặc biệt là hoạt động xuất khẩu phần mềm còn nhiều dư địa tăng trưởng và FPT hiện có chiến lược toàn cầu hóa và kế hoạch M&A. FPT đặt kế hoạch năm 2014 với lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tiếp tục tăng trưởng tăng 10% và chúng tôi cho rằng FPT có thể hoàn thành được kế hoạch này, theo đó EPS forward 2014 khoảng 6.426 đồng/CP. Tuy nhiên, với mức giá ngày 01/04/2014 là 68.500 đồng/CP, tăng 46% so với đầu năm và PE forward ở mức không quá hấp dẫn (khoảng 10,65x). Do đó, chúng tôi khuyến nghị: NẮM GIỮ đối với cổ phiếu FPT.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan