Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/10

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 31/10 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu FMC

CTCK Bảo Việt (BVSC)

BVSC sử dụng ba phương pháp định giá là so sánh FCFF, FCFE, và P/E. Với ba phương pháp định giá trên, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu là 54.383 đồng/cp đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC – sàn HOSE).

Mức giá đóng cửa của FMC tại ngày 29/10/2024 là 45.750 đồng/cp tương ứng với tiềm năng tăng trưởng 18,9%, vì vậy chúng tôi đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM đối với FMC ở mức giá mục tiêu này.

Việc gia tăng công suất ở hai nhà máy mới sẽ là yếu tố tích cực đối với doanh thu năm 2025, tuy nhiên, BVSC cho rằng giá xuất khẩu tôm năm 2025 khó tăng mạnh trong bối cảnh nguồn cung thế giới tương đối dồi dào.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GDA

CTCK Vietcombank (VCBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu của CTCP Tôn Đông Á (GDA – sàn HOSE) với giá mục tiêu 33.000 đồng/cp, tương đương với P/E mục tiêu đạt 8x dựa trên bối cảnh phục hồi của ngành tôn mạ trong năm tới.

Trong quý III/2024, VCBS ước tính doanh thu GDA đạt khoảng 4.945 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 99 tỷ đồng (tăng trưởng 66%, giảm 42% so với quý trước). Chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới việc doanh thu duy trì tích cực tới từ sản lượng tiêu thụ duy trì ở mức cao trong bối cảnh nhu cầu tại thị trường nội địa và xuất khẩu vẫn lành mạnh.

HIện nay, doanh nghiệp chỉ tập trung vào dòng sản phẩm tôn mạ màu/tôn mạ kẽm với công suất tối đa 850.000 tấn/năm. Lợi nhuận duy trì tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ do nền lợi nhuận quý III/2024 rất thấp do tình hình ngành khó khăn tuy nhiên sụt giảm so với quý II/2024 do 1) Giá bán tôn mạ xuất khẩu sụt giảm so với quý II/2024; 2) Giá nguyên vật liệu đầu vào HRC tích trữ lớn trong quý I và quý II/2024 ở mức giá cao do GDA đã tăng vay nợ mạnh để đầu cơ hàng tồn kho; 3) Mùa tiêu thụ thấp điểm của quý III/2024 làm giảm sản lượng tiêu thụ.

Luận điểm đầu tư: Thứ nhất, ngành tôn mạ khởi sắc nhờ chính sách bảo hộ được gia hạn và nhu cầu ấm lên với ngành thép trên toàn cầu.

Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép nội địa có mức hồi phục tương ứng khá tốt trong quý III/2024. Đối với ngành tôn mạ, tình hình cạnh tranh gay gắt với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã gây thiệt hại nặng nề với các doanh nghiệp nội địa.

Vào ngày 24/10/2024, Bộ Công thương đã chính thức ra quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc với các doanh nghiệp với mức thuế từ 2,56 – 34,27%. VCBS cho rằng đây là động lực giúp các doanh nghiệp tôn mạ trong nước tiếp tục gia tăng sản lượng tiêu thụ nội địa trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng như đã phân tích trong báo cáo ngành thép gần nhất của VCBS.

Thứ hai, nhà máy mới dự kiến khởi công cuối năm 2024 giúp gia tăng công suất tôn mạ trong chu kỳ tăng trưởng mới của ngành thép.

GDA dự kiến sẽ đầu tư nhà máy tôn mạ mới công suất khoảng 1,2 triệu tấn tôn mạ/năm với tổng mức đầu tư lên tới 7.000 tỷ đồng. Sản phẩm của dự án hướng tới thép tôn chất lượng cao sản xuất đồ gia dụng và nội thất được đầu tư gối đầu thành 3 giai đoạn cho tới năm 2029 để duy trì đà tăng trưởng của GDA. VCBS nhận thấy khả năng tiêu thụ tôn của GDA rất tốt sau khi xây xong nhà máy, chỉ sau khoảng 2-3 năm đã có thể hoạt động gần hết công suất nhờ vào 1) Sản phẩm tôn chất lượng cao phù hợp với thị hiếu những khách hàng lâu năm tại thị trường xuất khẩu; 2) Khách hàng lâu năm hợp tác với GDA tại Mỹ và EU.

Thứ ba, định giá tương đối rẻ so với mặt bằng chung của ngành.

Hiện nay GDA đang giao dịch với mức P/E và P/B trailing lần lượt là 9x và 0,85x lần, mức rẻ hơn tương đối so với ngành ở mức 11x và 1,2x lần. VCBS đánh giá với triển vọng tươi sáng hơn của ngành tôn nhờ nội tại ngành tốt lên và được hỗ trợ bởi chính sách bảo hộ, GDA với khả năng kinh doanh ổn định, khả năng tạo dòng tiền tốt đang được giao dịch với mức giá khá rẻ so với doanh nghiệp cùng ngành.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HSG

CTCK Vietcombank (VCBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu với giá mục tiêu 23.500 đồng/cp, tương đương với P/E mục tiêu đạt 10x dựa trên bối cảnh phục hồi của ngành thép trong năm tới.

Luận điểm đầu tư: Thứ nhất, thị trường nội địa khởi sắc nhờ vào chính sách bảo hộ ngành tôn mạ chính thức được gia hạn.

Thứ hai, triển vọng lãi suất hạ trên toàn thế giới giúp kích thích thị trường nhà ở tại các quốc gia đối tác chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, ASEAN. Điều này tiếp tục là bàn đạp cho thị trường xuất khẩu thép thuận lợi và duy trì được mức sản lượng tốt trong các quý tiếp theo. Ngoài ra, yếu tố thay đổi lớn tới nhu cầu thép toàn thế giới tới từ Trung Quốc sau biện pháp kích thích lớn nhất từ đại dịch. VCBS cho rằng, nhu cầu cho ngành thép Trung Quốc đã tạo đáy và có nhiều động lực phục hồi và kích thích giá thép tăng trong năm tới.

Cuối cùng, VCBS cho rằng biên lợi nhuận gộp của HSG đi tiêu thụ tại thị trường nội địa cao hơn khoảng 3- 5% tùy thời điểm so với thị trường xuất khẩu do 1) Thị trường xuất khẩu phải chịu nhiều thuế hơn tiêu thụ nội địa; 2) Cạnh tranh với thép Trung Quốc gay gắt khi xuất khẩu; 3) Thép sử dụng làm đầu vào để xuất khẩu tới Mỹ, EU yêu cầu chất lượng cao hơn và có giá thành cao hơn bán ở nội địa. Chúng tôi cho rằng biên lợi nhuận gộp của HSG sẽ được cải thiện tốt trong thời gian tới do 1) Tỷ lệ tiêu thụ nội địa tăng lên; 2) Biên lợi nhuận xuất khẩu cải thiện trong chu kỳ giá thép tạo đáy và đi lên.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHC

CTCK DSC

Với triển vọng quý cuối năm 2024 tích cực nhờ sự bình ổn lạm phát từ thị trường Mỹ, cộng hưởng với hiệu ứng mùa lễ hội, DSC giữ nguyên dự phóng kết quả kinh doanh năm 2024 của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC – sàn HOSE).

Đối với năm 2025, DSC đánh giá, yếu tố giá đầu ra sẽ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng lợi nhuận của VHC. DSC kỳ vọng, giá bán trung bình tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều tăng 2-5% so với cùng kỳ, trong khi đó, sản lượng xuất khẩu không còn tăng trưởng quá đột biến do hiệu ứng nền thấp không còn. Cụ thể, DSC dự phóng, doanh thu thuần đạt 14.467 tỷ đồng (tăng trưởng 8%), lợi nhuận sau thuế đạt 1.461 tỷ đồng (tăng trưởng 23%).

Với triển vọng tích cực hơn từ thị trường Trung Quốc, DSC nâng mức định giá lên 84.200 đồng/CP cho năm 2025, với khuyến nghị mua và giải ngân tại vùng an toàn là 65.000-70.000 đồng/CP.

Tin bài liên quan