Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/8 của các công ty chứng khoán.

TAC: Khuyến nghị bán

TCK FPT (FPTS)

Trong quý II/2015, doanh thu của CTCP Dầu thực vật Tường An (mã TAC) sụt giảm nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng rất cao. Cụ thể, doanh thu giảm 12% còn 820 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán đã giảm đến 15%, nhờ đó biên lãi gộp cải thiện từ 7% đến 10%, tương ứng lại gộp đạt 85.6 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái). Với thuận lợi từ việc giá vốn giảm mạnh, lợi nhuận sau thuế của TAC đã trên mức 17 tỷ (tăng 396,4% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm của công ty vẫn giảm hơn 13%, đạt 1.745 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3 lần và đạt 36,5 tỷ.

Nguyên nhân chính là nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh. Tường An cho biết, trong Quý 2 này, tỷ lệ giảm giá nguyên liệu cao hơn tỷ lệ giảm giá bán nên đã làm cải thiện biên lợi nhuận.

Tình hình cổ tức: TAC sẽ chi trả cổ tức 23% bằng tiền mặt, trước đó công ty đã đã chi 16% vào ngày 10/6/2015. Công ty sẽ tiếp tục chi trả 7% còn lại theo thời gian do HĐQT quyết định

Công ty sẽ sử dụng 100 tỷ đồng lợi nhuận còn lại sau khi chi cổ tức để đầu tư sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Hiện nhà máy chủ lực của công ty là Phú Mỹ đang tăng tốc sản xuất, nhà máy Vinh hoạt động đã lâu nên TAC đang cho cải tạo để đạt tiêu chuẩn ISO về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhận định:

- Thị phần sụt giảm đáng kể: Hiện nay, thị phần của TAC chỉ còn chiếm hơn 20% thị trường dầu ăn. Công ty đứng đầu thị phần hiện nay chính là Dầu Thực vật Cái Lân với thị phần hơn 40%.

- Kết quả kinh doanh không tốt: Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Tường An cũng giảm mạnh, từ mức 24% giai đoạn 2005-2007 xuống còn 13%/năm trong 7 năm qua. Kế hoạch doanh thu trong năm 2015 chỉ tăng hơn năm thực tế 2014 là 5%, kế hoạch lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm so với thực tế năm 2014 khoảng 20%, trong khi kết quả kinh doanh năm 2014 lại giảm so với năm 2013.

- Các khoản chi phí chính tăng cao: Chi phí nguyên vật liệu vẫn đang là vấn đề nhức nhối của TAC khi mà họ vẫn còn phụ thuộc vào cổ đông lớn là Vocarimex, trong khi Vocarimex lại nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài (từ Bunge, Denali và Wilmar) nên chi phí nguyên vật liệu bị đội lên rất cao. Tỷ trọng trung bình giá vốn hàng bán trong doanh thu của TAC là 91.4%.

Thêm vào đó, tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp so với doanh thu của TAC tăng đáng kể trong những năm qua và trong năm nay đã tăng từ 7.4% trong Quý II/2014 lên 8.2%.

Những yếu tố trên đã cho thấy được sự đuối sức của TAC trong giai đoạn 2011-2014. Với kế hoạch khiêm tốn như trên và những gì đã thực hiện được trong 6T/2015, dự kiến đến hết năm 2015 TAC cũng sẽ không tạo được bước nhảy đáng kể nào trong hoạt động kinh doanh của mình.

Khuyến nghị

Ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của TAC trong năm 2015 lần lượt là 4019 tỷ đồng (-2.52% so với năm ngoái) và 68.32 tỷ đồng (+7.9% so với năm ngoái). Mức EPS forward 2015 ước đạt 3,599 đồng/cp. Với mức P/E ngành dầu thực vật trên thế giới là 8.6x (tham khảo bảng tính P/E ngành bên dưới), thì giá mục tiêu cho TAC đến cuối năm 2015 là 31,095 đồng/cp, thấp hơn 20.27% so với giá hiện tại. Như vậy, chúng tôi cho rằng mức giá hiện nay trên thị trường đã cao hơn giá trị nội tại của TAC. Do đó, chúng tôi khuyến nghị BÁN đối với cổ phiếu TAC.

Rủi ro thanh khoản: Ngoài ra, hiện nay cổ phiếu TAC đang giao dịch với mức thanh khoản thấp, khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên chỉ có 9,380 cổ phiếu.

KDC: Khuyến nghị theo dõi trong dài hạn

CTCK FPT (FPTS)

Trong Quý II/2015, doanh thu thuần hợp nhất của KIDO đạt 1,124 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty thu được lợi nhuận gộp hơn 444 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu thuần của KIDO đạt 2226.33 tỷ đồng, tăng 19.8% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận gộp đạt 840.73 tỷ, tăng 19.3% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch, doanh thu lũy kế 6 tháng của KIDO đã hoàn thành được 74.12% kế hoạch và vượt hơn 1% so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

Nguyên nhân khiến cho kết quả kinh doanh của KIDO tăng vọt chính là việc Tập đoàn này chuyển nhượng 80% CTCP Kinh Đô Bình Dương (BKD) làm doanh thu tài chính tăng đáng kể. Nếu loại bỏ yếu tố thời vụ này ra thì tình hình kinh doanh chính của KIDO không có sự tăng trưởng đột phá và vẫn ở mức tăng trưởng ổn định.

Về việc chuyển nhượng Kinh Đô Bình Dương: Vào ngày 15/07 vừa qua, Kinh Đô đã chính thức hoàn thành việc chuyển nhượng mảng bánh kẹo (bao gồm cả Bánh Trung Thu Kinh Đô) cho nhà đầu tư nước ngoài Mondelez International 80% cổ phần Kinh Đô Bình Dương. Như vậy KIDO chỉ còn giữ lại mảng Kem, Sữa và hệ thống phân phối và không còn bán Bánh Trung Thu Kinh Đô nữa.

Kinh Đô Bình Dương sẽ được đổi tên thành Mondelez Kinh Đô và Tập đoàn KIDO cũng không còn được quyền sử dụng thương hiệu Kinh Đô nữa.

Về mặt hoạch toán tài chính, trong 6 tháng cuối năm trở đi, KIDO sẽ ghi nhận 20% doanh thu và lợi nhuận từ BKD.

Về cổ tức: Vào ngày 28/07 vừa qua, Kinh Đô đã ra thông báo chính thức về kế hoạch chia cổ tức đặc biệt năm 2015. Theo đó, ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/8/2015. KIDO sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 13/8/2015. Khoản cổ tức này sẽ được thanh toán ngay từ 21/8/2015.

* Về việc đầu tư mở rộng danh mục sản phẩm

Dầu thực vật Vocarimex: HĐQT KIDO cũng vừa công bố quyết định đầu tư thêm vào Vocarimex, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, bằng cách mua thêm cổ phần Vocarimex ngoài thị trường. Đáng chú ý là, Vocarimex hiện nay đang phân phối độc quyền nguyên vật liệu và cũng nắm giữ 51% cổ phần tại CTCP Dầu Thực Vật Tường An.

Liên doanh với Saigon Ve Wong: Vào tháng 5 vừa qua, KIDO liên doanh với Công ty TNHH Saigon Ve Wong xây nhà máy sản xuất mì ăn liền, gia vị, cháo, nui, phở, nước chấm... tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. KIDO sở hữu 49% và Saigon Ve Wong chiếm 51% cổ phần. Kế hoạch của liên doanh là xây đến 4 nhà máy ở khu vực Bắc, Trung, Nam và cả miền Tây.

Hợp tác với FGV và ITL: Mới đây nhất, doanh nghiệp ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Fleda Global Ventures (FGV) của Malaysia và Tập đoàn Indo - Trans Logistics Corporation (ITL). Ba bên sẽ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dầu cọ đóng chai tại thị trường Việt Nam và tiến tới việc lập liên doanh. Dự kiến, KIDO nắm 45% cổ phần, 2 đơn vị còn lại là 55%.

* Về việc đầu tư vào Ngân hàng Đông Á

Thông tin từ Ngân hàng Đông Á cho biết, KIDO sẽ chi 1.000 tỷ đồng để mua 100 triệu cổ phiếu Đông Á Bank với giá bằng mệnh giá. Đợt phát hành dự kiến diễn ra trong Quý 3/2015, nên hiện nay, mọi động thái của KIDO chỉ là việc nhắc nhở về khoản đầu tư này chứ chưa chính thức tiến hành đầu tư.

* Định giá theo phương pháp SoTP: Tôi sử dụng phương pháp định giá tổng hợp để đánh giá lại giá trị tài sản của doanh nghiệp, trong đó:

Giá trị mảng bánh kẹo dựa trên số tiền chuyển nhượng thực nhận từ Mondelez.

Giá trị mảng kem dựa trên lợi nhuận ước tính đem lại năm 2015 và mức P/E của ngành thực phẩm là 15 (chúng tôi cho rằng đây là mức rất thận trọng so với ngành thực phẩm)

Giá trị sổ sách đối với các khoảng đầu tư khác (Vocarimex, Lavenue…).

*Hiện tại doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 từ mảng Thực phẩm KIDO là 51.59 tỷ đồng. Dự phóng thận trọng doanh thu cuối năm 2015 của mảng này là 101 tỷ với biên lợi nhuận ròng là 11%.

Với kết quả tính toán như trên thì giá trị hợp lý của KDC là 47,950 đồng/cp, thấp hơn 0.73% so với giá đang giao dịch trên thị trường. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân của kết quả này là do hiện tại KDC đang bắt đầu bước vào một thời kì phát triển mới với các chiến lược và mục tiêu, định hướng mới nên KDC cần thời gian để các khoản đầu tư hiện nay có thể phát huy hiệu quả. Như vậy, hiện tại chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI cổ phiếu KDC trong dài hạn, chờ đợi kết quả thực tế từ các khoản đầu tư hiện tại.

VNM: PE kỳ vọng ở mức 16 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

VNM công bố kết quả kinh doanh quý II/2015 chính thức với 10.500 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp trong kỳ được cải thiện đáng kể hơn 10 điểm phần trăm n/n, lên mức 41,7%. Nguyên nhân không chỉ đến từ việc giá sữa nguyên liệu đầu vào trong kỳ giảm, mà còn nhờ sự thay đổi cơ cấu và danh mục các nhóm sản phẩm bán ra, theo hướng tập trung vào các nhóm hàng có hiệu quả cao. Thuế suất thuế TNDN bình quân của công ty cũng giảm xuống còn 17% trong quý II/2015, so với khoảng 20% cùng kỳ năm ngoái. Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của VNM hiện nằm từ 15% đến 22%, tùy ngành nghề kinh doanh của các nhà máy sản xuất. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế quý II/2015 tăng đến 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.186 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lưu ý là tỷ lệ chi phí quản lý và bán hàng/doanh thu cũng tăng khá đáng kể từ mức 11,6% trong quý II/2014 lên 18,5% trong quý II/2015. Nhằm duy trì thị phần trong tình hình thị trường cạnh tranh, trong kỳ VNM đã tăng cường các khoản chi phí cho hoạt động quảng cáo cũng như khuyến mãi.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 chính thức được công bố cũng khá sát với ư ớc tính được cập nhật tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư trước đó (ngày 10/07/2015). Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 đạt 19.216 tỷ (+13,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 đạt 3.746 tỷ (+26,1% so với cùng kỳ năm ngoái). Với kết quả này, công ty đã hoàn thành được 50% và 55% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2015.

Cổ phiếu VNM đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng khoảng 16 lần, so với trung bình ngành trong khu vực gần 19 lần.

MWG: PE thấp hơn trung bình ngành, ở mức 11,3 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

MWG công bố KQKD 6 tháng đầu năm 2015 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đạt 10.860 tỷ đồng và 456 tỷ đồng, lần lượt tăng 55% và 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng vượt bậc của doanh thu nhờ mở rộng thêm chuỗi cửa hàng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm MWG đã mở thêm 87 cửa hàng điện thoại di động (ĐTDĐ), tăng 56% n/n và 11 cửa hàng điện máy, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái; nâng tổng số cửa hàng ĐTDĐ lên 430 và điện máy lên 31 siêu thị. Mặc dù liên tục mở rộng các chuỗi cửa hàng nhưng MWG đã kiểm soát tốt chi phí quản lý giúp biên lợi nhuận ròng duy trì ở mức tương đương so với cùng kỳ, ở mức 4%. Báo cáo tài chính 6T/15 hợp nhất kiểm toán sẽ được MWG công bố vào ngày 7/8/2015.

Như vậy lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, MWG đã lần lượt hoàn thành 46% và 51% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm. Chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 của MWG với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 23.590 tỷ và 885 tỷ, EPS 2015 ước khoảng 6.337 đồng/cp, tương đương PE 2015 là 11,3 lần, thấp hơn trung bình ngành trong khu vực là 15 lần.

HAG: Tạm thời không đưa ra khuyến nghị

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi tăng trưởng tốt: BVSC dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế của HAG năm 2015 lần lượt đạt 5.330 tỷ đồng (+75% so với năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế đạt 1.441 tỷ đồng (-19% so với năm ngoái). Nếu loại trừ khoản đột biến từ dự án Myanmar trong năm 2014 khoảng 750 tỷ đồng thì lợi nhuận năm nay tăng trưởng đến 41%. Điều này cho thấy các mảng hoạt động cốt lõi của HAG đang bắt đầu đóng góp đáng kể hơn, mang lại lợi nhuận và dòng tiền ổn định và bền vững. Như vậy sau khi trừ thuế TNDN và phần lợi ích cổ đông thiểu số, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông mẹ là 1.232 tỷđồng (-16% so với năm ngoái), tương ứng với EPS 1.560 đồng/cp và P/E dự phóng 11,6 lần.

Áp lực tài chính đáng kể: Các khoản vay trái phiếu đến hạn trong năm 2015 lên đến 3.950 tỷ đồng trong khi nhu cầu đầu tư của HAG trong năm nay có thể lên đến 5.900 tỷ đồng. Sau khi cân đối với lượng tiền mặt có sẵn, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, các khoản trái phiếu có khả năng gia hạn và tiền thu từ bán căn hộ ở dự án Myanmar, chúng tôi ước tính HAG có thể sẽ phải huy động thêm tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong năm nay. Đây là rủi ro nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm.

Niêm yết cổ phiếu HNG lên sàn HOSE: Riêng đối với trường hợp niêm yết cổ phiếu HAGL Agrico (HNG) lên sàn ngày 20/07/2015, BVSC cho rằng mức giá tham chiếu 28.000 đồng/cổ phiếu là không thực sự hấp dẫn. Chúng tôi đưa ra mức giá hợp lý 26.700 đồng/cổ phiếu đối với HNG, thấp hơn 19% so với thị giá. Các nhà đầu tư có thể tham khảo các giả định trong quá trình chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của HNG ở phần dưới.

Khuyến nghị đầu tư: HAG đang giao dịch ở mức giá 18.100 đồng/cổ phiếu cuối phiên ngày 27/7/2015, giảm hơn 20% kể từ đầu năm và tương ứng với P/E dự phóng 2015 11,6 lần. Chúng tôi đánh giá đây là một mức giá khá rẻ xét trên tiềm năng tăng trưởng cao của HAG trong 5 năm tới khi hàng loạt các dự án đang bắt đầu có những đóng góp rõ nét về lợi nhuận và dòng tiền cho công ty. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng việc HAG đang được thị trường định giá ở mức thấp như trên là do quan ngại chung về sự ổn định tài chính của công ty, đặc biệt là trong năm 2015. Do đó, cho đến khi tín hiệu dòng tiền của công ty khả quan hơn, BVSC tạm thời không đưa ra khuyến nghị nào đối với cổ phiếu HAG.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan