Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu ACB
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) trong quý I/2022 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt 7.920 tỷ đồng (tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Chi phí hoạt động (OPEX) trong kỳ được cải thiện, giảm 8%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ghi nhận 256 tỷ đồng trong khi quý I/2022 ghi nhận hoàn nhập 3 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2023, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 5.156 tỷ đồng (tăng 25,3%), hoàn thành 26% kế hoạch năm 2023.
NIM giảm xuống mức 4,2% (giảm 35 bps so với quý trước, giảm 2 bps so với cùng kỳ) do lãi suất huy động trong 3 tháng đầu năm ở mức cao, hơn nữa ACB phải hi sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Chúng tôi cho rằng NIM của ACB khó được cải thiện trong năm 2023.
Quý I/2023, ACB ghi nhận sự tăng mạnh ở nợ nhóm 3 (tăng 94% so với quý trước, tăng 214% so với cùng kỳ) và nợ nhóm 4 (tăng 149% so với quý trước, tăng 20% so với cùng kỳ). Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng quý I/2023 đã tăng lên mức 0,94% (tăng 20 bps so với đầu năm), nếu không tính CIC, NPL là 0.84%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 116%. Với bộ đệm dự phòng từ trước, chúng tôi cho rằng ACB vẫn còn dư địa để xử lý nợ xấu.
Lợi nhuận sau thuế dự kiến cả năm đạt 15.697 tỷ đồng (tăng 14,7% so với năm trước). Sử dụng kết hợp 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2023 của cổ phiếu ACB là 30.100 đồng/CP, cao hơn 20% so với giá tại ngày 19/05/2023. Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu ACB.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FMC
CTCK Phú Hưng (PHS)
Tính đến quý 1/2023, doanh thu thuần của CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC – sàn HOSE) giảm 24% so với cùng kỳ còn 1.008 tỷ đồng; chủ yếu do sản lượng tiêu thụ tôm giảm 30% còn 3,4 nghìn tấn. Tuy nhiên, chi phí bán hàng vào quý I/2023 giảm mạnh 65,8% đã góp phần làm cho lợi nhuận sau thuế tăng trưởng nhẹ, đạt 48 tỷ đồng (tăng 15,1%).
Đẩy mạnh năng suất chế biến tạo động lực tăng trưởng dài hạn: Năm 2022, FMC đã mở rộng thêm hai nhà máy chế biến là nhà máy Tam An và nhà máy Sao Ta với công suất lần lượt là 5.000 tấn/năm và 15.000 tấn/năm. Sau khi các nhà máy mới hoạt động hết công suất, công suất của các nhà máy FMC sẽ tăng từ khoảng 25.000 tấn/năm lên 45,000 tấn/năm. Vào thời điểm hoạt động tối đa công suất vào năm 2027F, chúng tôi kì vọng sản lượng tôm và nông sản sẽ tăng khoảng 40% so với năm 2022.
Mở rộng vùng nuôi giúp nâng cao năng lực tự chủ nguyên liệu: Vào tháng 7/2022, FMC đã mở rộng thêm 200ha diện tích nuôi mới, góp phần nâng tổng diện tích vùng nuôi lên 520ha. Việc mở rộng vùng nuôi sẽ giúp công ty duy trì tỷ lệ tự chủ nguyên liệu lên mức 30% và góp phần ổn định biên lợi nhuận gộp. Hiện tại, FMC đang trong quá trình làm ao khu nuôi mới và dự kiến đến cuối tháng 5 sẽ bắt đầu thả nuôi tại đây.
Sản phẩm tôm tinh chế là thế mạnh của FMC: FMC tập trung và phát huy thế mạnh về các sản phẩm tôm chế biến như tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, hiện đang chiếm tỷ trọng 60% tổng sản phẩm và có biên lợi nhuận gần gấp đôi so với các sản phẩm tôm tươi, tôm đông lạnh. Ngoài ra, FMC có tệp khách hàng lâu năm tại thị trường Nhật Bản ưa chuộng các sản phẩm tôm tinh chế phù hợp thế mạnh của công ty
Hưởng lợi từ hiệp định EVFTA và CPTPP: Mức thuế ưu đãi từ EVFTA và CPTPP sẽ mang đến nhiều lợi thế cho FMC với thế mạnh là sản phẩm tôm chế biến nhằm mở rộng xuất khẩu sang EU và Nhật Bản. Theo đó, thị trường Nhật Bản và EU là hai thị trường xuất khẩu chính của FMC với tỷ trọng luôn chiếm khoảng 50% - 60% trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu.
Do áp lực từ nhu cầu suy yếu tại các thị trường tiêu thụ và cạnh tranh gay gắt từ Ecuador và Ấn Độ, chúng tôi dự phóng thận trọng doanh thu thuần của FMC năm 2023F đạt 5.305 tỷ đồng (giảm 7% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 2,1% đạt 314 tỷ đồng. Dù vậy, chúng tôi vẫn tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của FMC, bằng phương pháp định giá Discounted Cash Flow (DCF) và EV/EBITDA, chúng tôi ước tính mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu FMC là 50,300 đồng/cổ phiếu. Do đó đưa ra khuyến nghị mua cho FMC với mức tăng giá tiềm năng là 22% so với giá hiện tại.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VCB
CTCK Vietcap (VCSC)
Chúng tôi nâng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) thêm 7,7% lên 116.600 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua.
Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi là do tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu của chúng tôi đến giữa năm 2024, bị ảnh hưởng một phần bởi việc giảm giả định của chúng tôi đối với P/B mục tiêu của VCB từ 3,25 lần xuống 3,0 lần. Trong khi đó, chúng tôi duy trì dự báo tổng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2023-2027 gần như không đổi (-0,4% so với Báo cáo cập nhật trước đây của chúng tôi), với mức thay đổi tương ứng là 0,6%/4,5%/-3,9%/-0,8%/-0,5% cho các năm 2023/2024/2025/2026/2027.
Chúng tôi duy trì dự phóng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2023 ở mức 36,3 nghìn tỷ đồng (tăng 21,3% so với năm ngoái) do dự phóng chi phí dự phòng tăng 5,9% được bù đắp bởi mức tăng 0,5% và 1,7% lần lượt của thu nhập từ lãi (NII) và thu nhập phí ròng (NFI) (bao gồm cả lãi từ kinh doanh ngoại hối).
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu GAS
CTCK Vietcap (VCSC)
Chúng tôi giảm giá mục tiêu cho Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) 5,3% xuống 106.400 đồng/cổ phiếu nhưng nâng khuyến nghị từ phù hợp thị trường lên khả quan do giá cổ phiếu của công ty đã giảm 14% trong 3 tháng qua. Giá mục tiêu thấp hơn là do chúng tôi giảm dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2027 thêm 3% (giảm lần lượt 5%/1%/3% cho các năm 2023/2024/2025) tương ứng với các giả định thấp hơn về giá dầu Brent và dầu nhiên liệu (FO) năm 2023 - thước đo tiêu chuẩn cho giá khí của Việt Nam (xem chi tiết trong Báo cáo cập nhật ngành Dầu khí ngày 10/05/2023).
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2023 sẽ giảm 22% so với năm ngoái do giá khí đầu ra giảm dựa trên dự báo của chúng tôi về giá dầu Brent và dầu FO giảm lần lượt 24%/20%, ảnh hưởng đến mức tăng 7% của sản lượng khí thương phẩm.
Chúng tôi cho rằng sự phục hồi kinh tế cũng như mức cạnh tranh ít gay gắt hơn từ năng lượng tái tạo (do thiếu cơ chế giá mới) và thủy điện (do khả năng lượng mưa trong giai đoạn 2023-2025 sẽ thấp hơn so với năm 2022) sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các nhà máy nhiệt điện khí trong 3 năm tới, từ đó thúc đẩy tăng trưởng sản lượng khí & khí LNG của GAS.