Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVT
CTCK MB (MBS)
Quý II/2024, lợi nhuận ròng của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (HSX: PVT) tăng 24,8% so với quý trước nhưng giảm 6,7% do khoản chi phí khác từ việc thay đổi chính sách kế toán cho Nord Hakata và Pacific Hope. Tính chung nửa đầu 2024, lợi nhuận ròng của PVT tăng 5,7% và phù hợp với dự phóng trước đó của chúng tôi.
Trong quý III/2024, PVT đã thanh lý 1 tàu chở hóa chất (PVT Synergy) với thu nhập khác ước tính 150 tỷ đồng; đồng thời đã nhận 1 tàu chở LPG (Hải Phòng Gas) và 1 tàu chở hàng rời (PVT Topaz), giúp đội tàu đạt 54 tàu vào cuối quý. Giá cước định hạn tương đối ổn định và sự đóng góp trở lại từ mảng tàu chở hàng rời (năm 2023 nhiều tàu lên dock), cùng với lợi nhuận bất thường từ thanh lý tàu sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của PVT trong quý III/2024.
Trong bối cảnh cung – cầu vận tải dầu thế giới trở nên cân bằng hơn, chúng tôi kỳ vọng giá cước định hạn ở tất cả các phân khúc sẽ duy trì ổn định (tàu chở dầu thô, tàu chở hàng rời) hoặc giảm nhẹ (tàu chở sản phẩm, tàu chở LPG). Động lực tăng trưởng lợi nhuận của PVT trong những năm tới chủ yếu đến từ việc mở rộng đội tàu nhờ vị thế tài chính vững chắc và kế hoạch mở rộng linh hoạt. Khi giá tàu chở dầu thô liên tục tăng cao, PVT đã linh hoạt thay đổi kế hoạch mở rộng sang tàu chở dầu sản phẩm/hóa chất và tàu chở hàng rời.
Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận ròng của PVT sẽ tăng 14,3%/4,9%/4,3% trong giai đoạn 2024-2026. Đáng chú ý, lợi nhuận khác từ việc thanh lý tàu có thể hỗ trợ lợi nhuận của PVT trong năm 2024.
Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu 1 năm của PVT là 33.400 đồng/CP, tiềm năng tăng giá 21.8% so với giá đóng cửa vào ngày 21/10/2024, đồng thời khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu này. Mức giá này cao hơn 10.9% so với giá mục tiêu cũ do chúng tôi điều chỉnh định giá đến giữa năm 2025 và nâng dự báo EPS cho năm 2024-2025 thêm lần lượt 1.7%/9.4% so với dự báo cũ, nhờ giả định tốt hơn về tốc độ mở rộng đội tàu cùng với giá cước duy trì ổn định.
Cổ phiếu hiện đang giao dịch với mức trailing EV/EBITDA là 4.8x, thấp hơn mức trung bình 3 năm (5.25x) và mức trung bình 5 năm (5.00x), trong khi hoạt động kinh doanh duy trì ổn định, cho thấy đây là thời điểm thích hợp để tích lũy cổ phiếu.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu SZC
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng dài hạn của cổ phiếu Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (SZC – sàn HOSE), khi triển vọng chung ở Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn rất lớn với nhiều dự án trọng điểm quốc gia đang và chuẩn bị triển khai; quỹ đất lớn để phát triển KCN với giá cho thuê ngày càng gia tăng; và quỹ đất KĐT lớn với giá vốn thấp.
BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với SZC với giá mục tiêu 51.386 đồng/cp, tương ứng upside +32,4% so với giá đóng cửa ngày 21/10/2024.
Khuyến nghị kém khả quan đối với cổ phiếu VTP
CTCK SSI
Ở mức giá hiện tại, cổ phiếu VTP của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel đang giao dịch ở mức P/E 2024F và 2025F lần lượt là 30 và 25 lần, cao hơn nhiều so với mức trung bình 20 lần của các công ty cùng ngành trong khu vực. Mức định giá này rõ ràng là khá cao dựa trên hoạt động kinh doanh hiện tại và có thể phản ánh tiềm năng của các mảng dịch vụ mới trong thời gian tới.
Hiện tại, chúng tôi duy trì mức giá mục tiêu là 70.000 đồng/cổ phiếu dựa trên P/E mục tiêu là 20 lần và ước tính lợi nhuận cho năm 2025 và khuyến nghị kém khả quan đối với cổ phiếu VTP. Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng giá mục tiêu này chưa tính đến bất kỳ định giá tiềm năng nào của các mảng dịch vụ kinh doanh mới. Chúng tôi sẽ cập nhật dự báo và giá mục tiêu khi có thông tin rõ ràng hơn.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CTD
CTCK Vietcombank (VCBS)
Trong giai đoạn 2025-2027, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu được củng cố bởi khối lượng backlog duy trì tại mức cao, biên lợi nhuận của CTCP Xây dựng Coteccons - CTD (HOSE) kỳ vọng sẽ được nới rộng nhờ gia tăng tỷ trọng mảng xây dựng công nghiệp và giảm áp lực trích lập dự phòng. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTD với mức định giá hợp lý là 76.017 đồng/CP.
Luận điểm đầu tư: Thứ nhất, trong giai đoạn 2025 – 2026, VCBS đánh giá nguồn việc và kết quả kinh doanh mảng xây dựng dân dụng của CTD sẽ ghi nhận sự phục hồi tích cực nhờ (1) nguồn cung nhà ở sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng, (2) Chính phủ đã có những động thái rõ ràng và tương đối quyết liệt trong việc đẩy nhanh quá trình phê duyệt pháp lý các dự án.
Thứ hai, vị thế vững vàng trong mảng xây dựng công nghiệp là động lực đem lại khối lượng backlog ở mức cao (khoảng 25.000 – 30.000 tỷ đồng) cho CTD trong giai đoạn 2025-2027 nhờ: (1) Tiềm năng thu hút FDI tại Việt Nam còn lớn, (2) CTD sở hữu kinh nghiệm quan trọng và uy tín tốt sau khi thi công thành công các dự án lớn, đòi hỏi khắc khe về kĩ thuật và tiến độ xây dựng, (3) Việc tiên phong áp dụng mô hình quản trị theo các tiêu chí ESG giúp gia tăng khả năng trúng thầu.
Thứ ba, VCBS kỳ vọng biên lợi nhuận của CTD sẽ tiếp tục được cải thiện trong giai đoạn 2025-2027 nhờ gia tăng tỷ trọng đóng góp từ các gói thầu xây dựng công nghiệp và giảm áp lực trích lập chi phí dự phòng phải thu.