Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/10

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/10 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu QNS

CTCK SSI (SSI)

Trong 3 quý năm 2023, doanh thu thuần của CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS – UPCoM) đạt 8 nghìn tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế đạt 1,7 nghìn tỷ đồng (tăng 71%), lần lượt đạt 78% và 73% dự báo năm 2023 của SSI Research.

Riêng trong quý III, doanh thu thuần đạt 2,7 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ, giảm 14% so với quý trước), và lợi nhuận trước thuế đạt 565 tỷ đồng (tăng 59% so với cùng kỳ, giảm 29% so với quý trước). Mặc dù tốc độ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ được duy trì nhưng lợi nhuận quý 3 giảm 29% so với quý trước, do cả mảng sữa đậu nành và mía đường đều giảm tốc.

Chúng tôi hiện đang khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu QNS với giá mục tiêu 1 năm là 65.000 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi sẽ cập nhật các ước tính chi tiết trong báo cáo đầy đủ sắp tới.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FRT

CTCK Tienphong (TPS)

Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2023 của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT – sàn HOSE) đạt 14.924 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ và đạt 43,9% kế hoạch. Trong đó, mảng kinh doanh bán lẻ thuốc đạt 6.899 tỷ đồng, tăng 95,5%, đưa tỷ trọng của mảng bán lẻ thuốc tăng từ 29% trong 6 tháng 2022 lên 46% trong 6 tháng 2023. Ngược lại, do áp lực cạnh tranh cao khi sức mua suy yếu, mảng ICT ghi nhận mức lợi nhuận 8.118 tỷ đồng, giảm 19,2%.

Về thị phần, FPT Shop đứng thứ 2 sau Thế giới di động về thị trường điện tử và đứng đầu về mảng bán lẻ Laptop tại Việt Nam, bao phủ 31% thị phần Laptop Việt Nam năm 2021. Bên cạnh đó, thị phần về bán lẻ thuốc của FRT không ngừng tăng lên, bao phủ 45% thị phần mảng phân phối dược phẩm và thiết bị y tế năm 2021 của Việt Nam.

Tính tới cuối tháng 9/2023, số lượng cửa hàng thuốc của FPT Long Châu lên tới 1.350 cửa hàng, tăng 413 cửa hàng so với cuối năm 2022. Công ty có dự kiến đưa số lượng nhà thuốc của FPT Long Châu lên tới 1.400 – 1.500 cửa hàng tại thời điểm cuối năm 2023 và đạt mốc 3.000 cửa hàng trong vòng 5 năm tới.

Tính tới thời điểm hiện tại, FPT Long Châu đã vượt xa về số lượng nhà thuốc của An Khang (537 cửa hàng) và Pharmacity (1.118 cửa hàng). Không chỉ đạt mức tăng trưởng thần tốc trong việc tăng số lượng cửa hàng trong thời gian ngắn mà FPT Long Châu cũng đang dẫn đầu về hiệu quả hoạt động của chuỗi nhà thuốc ở Việt Nam.

Sau 3 năm FRT Retail tham gia vào lĩnh vực bán lẻ thuốc, chuỗi FPT Long Châu đã ghi nhận mức lợi nhuận tăng nhẹ trong năm 2021, đạt lãi trước thuế năm 2022 và 6 tháng năm 2023 lần lượt là 53 tỷ đồng và 280 tỷ đồng. Trong khi đó, chuỗi cửa hàng thuốc An Khang và Pharmacity đang chịu lỗ kể từ ngày bắt đầu hoạt động.

Ngoài ra, FPT Retail mới mở thêm mảng tiêm chủng cũng góp phần tăng thị phần và doanh thu cho FPT retail trong thời gian tới.

Triển vọng dài hạn: Dân số tăng, cơ cấu dân số Việt Nam già hóa ngày càng nhanh và sức khỏe yếu hơn sau đại dịch Covid19 sẽ thúc đẩy người dân quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn. Theo dự báo của WB, số người từ 65 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, chiếm 18% tổng dân số.

Hơn nữa, thị trường dược phẩm của Việt Nam vẫn còn phân mảnh, chuỗi nhà thuốc vẫn chiếm thị phần nhỏ, chủ yếu vẫn là các nhà thuốc truyền thống (gần 3.000 nhà thuốc thuộc chuỗi trên tổng 60.000 nhà thuốc tư nhân).

Bên cạnh đó, thị phần từ nhà thuốc bệnh viện của FPT Retail được kỳ vọng tăng lên khi Long Châu đang dẫn đầu về lĩnh vực kinh doanh thuốc kê đơn, lợi nhuận từ lĩnh vực kinh doanh này cũng cao hơn các mảng khác. Mảng kinh doanh ICT kỳ vọng phục hồi khi lạm phát và lãi suất hạ nhiệt.

Chúng tôi kết hợp phương pháp DCF và P/S để đưa ra giá mục tiêu FRT là 119.500 đồng/cp, upside 26,5% so với giá đóng cửa 17/10/2023, đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.

Rủi ro: Rủi ro về lạm phát toàn cầu hạ nhiệt chậm, lãi suất vẫn còn cao; Rủi ro về hàng tồn kho cao; Áp lực cạnh tranh ngày càng cao ở cả mảng ICT và bán lẻ dược phẩm; Rủi ro pha loãng cổ phiếu; và Rủi ro thay đổi chính sách phân phối dược phẩm.

Kết quả kinh doanh của TDM không được như kỳ vọng

CTCK Vietcap (VCSC)

CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM) công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với doanh thu đạt 107 tỷ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 57 tỷ đồng (tăng trưởng 4%).

Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế từ sản xuất nước là 38 tỷ đồng (giảm 30%) trong quý III/2023. TDM ghi nhận thu nhập cổ tức năm 2022 là 19 tỷ đồng từ CTCP Cấp nước Đồng Nai (UPCoM: DNW). Khoản thu nhập này bù đắp cho sản lượng nước thương phẩm giảm 14% xuống còn 15,4 triệu m3.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, TDM ghi nhận doanh thu đạt 341 tỷ đồng (giảm 3% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 240 tỷ đồng (tăng trưởng 64%), tương đương 68% và 82% dự báo cả năm của chúng tôi. Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng mạnh chủ yếu do TDM ghi nhận thu nhập cổ tức năm 2022 là 94 tỷ đồng từ CTCP - Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương – CTCP (HOSE: BWE) trong quý I/2023 so với việc không ghi nhận thu nhập cổ tức từ BWE trong 9 tháng năm 2022.

Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế từ sản xuất nước là 127 tỷ đồng (giảm 12%) trong 9 tháng năm 2023, tương ứng 64% dự báo cả năm của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng lợi nhuận sau thuế từ sản xuất nước giảm là do sản lượng nước thương phẩm giảm 4% và chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp (SG&A) tăng 27%, chủ yếu do chi phí nhân công tăng.

Chúng tôi lưu ý rằng sản lượng nước thương phẩm trong 9 tháng năm 2023 của TDM giảm 4% so với cùng kỳ xuống 49,3 triệu m3, hoàn thành 69% dự báo sản lượng nước thương phẩm cả năm của chúng tôi (71,4 triệu m3; tăng trưởng 3%).

Tin bài liên quan