Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/11

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/11

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/11 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực dành cho VEA với giá mục tiêu 59.700 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi duy trì quan điểm Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEA – UPCoM) mang lại cơ hội đầu tư tốt nhất đối với thị trường xe ô tô bùng nổ và xe máy rộng lớn tại Việt Nam, nhờ vào cổ phần của VEA tại Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam.

Chúng tôi kỳ vọng việc trả cổ tức năm 2018 kỳ vọng vào cuối năm nay cùng với việc niêm yết trên sàn HOSE trong 6 tháng đầu năm 2020 sẽ là những catalyst ngắn hạn hỗ trợ giá cổ phiếu.

Việc niêm yết trên sàn HOSE cũng mở ra nhiều cơ hội đối với VEA trong dài hạn như được thêm vào rổ VN Index 30, các quỹ ETF hay được cấp phép giao dịch ký quỹ sau 6 tháng giao dịch trên sàn HOSE.

Các yếu tố tài chính cơ bản của Công ty duy trì bền vững: (1) Vị thế tiền mặt và tiền gửi Ngân hàng dồi dào và được quản lý tốt; (2) Chính sách cổ tức hấp dẫn hỗ trợ bởi kế hoạch sử dụng chi phí vốn đầu tư cố định thấp ở cả Công ty mẹ và các công ty liên kết mảng ô tô.

VEA đóng cửa tại mức giá 49.200 đồng/cổ phần vào ngày 13/11/2019, sau khi điều chỉnh khá mạnh 25% từ mức đỉnh vào cuối tháng 7 năm nay và hiện giao dịch tại mức P/E năm 2019 và 2020 lần lượt 9,3 lần và 8,4 lần.

Duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với VEA với mức giá mục tiêu một năm là 59.700 đồng/cổ phần, cho thấy mức lợi nhuận tiềm năng là 29,2% (bao gồm suất cổ tức: 7,9%) và mức P/E hợp lý năm 2020 là 10,2 lần.

>> Tải báo cáo

QNS có thể kiểm tra lại vùng kháng cự 34-35

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS – UPCoM) giảm 6,5% trong nửa đầu năm 2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của QNS đạt lần lượt 4.072,9 tỷ đồng (tăng 2,47% so với cùng kỳ năm ngoái) và 520,58 tỷ đồng (giảm 6,55%), với biên lợi nhuận gộp đạt 27,6% cao hơn so với cùng kỳ là 26,7%.

Tính riêng quý II/2019, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của QNS đạt lần lượt 2.084 tỷ đồng (giảm 12,8%) và 365,9 tỷ đồng (giảm 0,8% so với cùng kỳ) với biên gộp đạt 31.4% cao hơn so với cùng kỳ là 27,4%.

Theo QNS dự báo doanh thu 2019F sẽ duy trì ngang với năm 2018 là 8.031 – 8.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ giảm do chính sách giảm 50% thuế TNDN phải nộp cho nhà máy đường An Khê đã hết hạn vào năm 2018, vì thế khả năng QNS sẽ khó hoàn thành được kế hoạch doanh thu 2019F là 8.400 tỷ đồng nhưng kỳ vọng vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 199.2 tỷ đồng.

Nhận định cổ phiếu QNS đã hình thành xu hướng tăng giá trung hạn trong phiên bứt phá hôm nay. Thanh khoản vượt xa ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên và đồng thuận với đà tăng của bước giá, cho thấy động lực tăng giá đã hình thành.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá tích cực. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, QNS có thể kiểm tra lại vùng kháng cự 34-35 trong các phiên giao dịch tới.

Khuyến nghị mua cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 62.300 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) và tăng giá mục tiêu 3% đạt 62.300 đồng/cổ phiếu khi điều chỉnh mô hình định giá chiết khấu dòng tiền (DCF) đến giai đoạn 2020-2024F cũng như tăng mục tiêu P/E đạt mức cao hơn là 12,5 lần từ mức 12,0 lần trước đây.

Chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đi ngang tại mức 448 tỷ đồng (+5% YoY) khi giả định biên lợi nhuận thấp bù trừ cho mức điều chỉnh tăng cho tăng trưởng sản lượng bán ra trong năm 2019 đạt 10% so với mức 7% trước đây, dựa trên việc BMP tiếp tục theo đuổi các chính sách thúc đầy tăng trưởng sản lượng bán.

Chúng tôi dự báo sản lượng bán ra năm 2020 sẽ đạt 109.300 tấn (tăng 5% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 đạt 464 tỷ đồng (tăng 4%). Chúng tôi cũng duy trì dự báo tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 5% trong giai đoạn 2019-2024.

Bên cạnh việc chủ động thay đổi các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và hệ thống phân phối như đã đề cập trong báo cáo cập nhật BMP [MUA +21,9%] - Các thay đổi linh hoạt mở đường cho tăng trưởng dài hạn, BMP cũng đầu tư dây chuyền nạp liệu tự động và thay mới máy móc sản xuất trong quý 3 2019, qua đó sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh của BMP trong dài hạn.

Chúng tôi tiếp tục cho rằng định giá hiện tại của BMP với PER 2019/2020 lần lượt là 10,4/10 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi so với mức trung bình 6 tháng của các công ty cùng ngành trong khu vực với trung vị PER trượt là 12,5 lần là hấp dẫn cho các nhà đầu tư giá trị do BMP sở hữu bảng cân đối kế toán ổn định và khả năng sinh lời vượt trội so với các công ty cùng ngành.

Rủi ro: biên lợi nhuận giảm mạnh hơn dự kiến do biến động chi phí nhựa đầu vào.

Khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 34.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và tăng giá mục tiêu 5% đạt 34.800 đồng/cổ phiếu chủ yếu nhờ gia hạn mức định giá đến cuối năm 2020.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019 8% còn 7,3 nghìn tỷ đồng (giảm 15% so với năm trước) chủ yếu do sản lượng bán ra thấp hơn kỳ vọng và giai đoạn thử nghiệm kéo dài tại dự án tổ hợp thép Dung Quất. Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 đạt 8,9 nghìn tỷ đồng (+22% so với năm 2019)

Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 17,7% trong giai đoạn 2019- 2022, so với mức 16,1% trước đây,chủ yếu nhờ dự án Dung Quất triển khai hoạt động thương mại, bình ổn giá quặng sắt sau khủng hoảng năm 2019, và việc HPG tiếp tục thâm nhập vào thị trường miền Nam và miền Trung.

Nhận định của chúng tôi cho tiềm năng dài hạn của HPG duy trì tích cực dựa trên 1) công suất tại dự án Dung Quất và danh mục sản phẩm thép mở rộng, 2) HPG chứng tỏ có khả năng tận dụng bối cảnh ngành nhiều thách thức để gia tăng thị phần và 3) khả năng sinh lời vượt trội của công ty so với các công ty cùng ngành trong khu vực.

Rủi ro: biên lợi nhuận giảm mạnh hơn dự kiến đến từ biến động giá quặng sắt

Khuyến nghị mua cổ phiếu PLX

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi tăng giá mục tiêu 9,6% và nâng khuyến nghị mua cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) chủ yếu nhờ dự báo lợi nhuận tăng trung bình khoảng 2% trong giai đoạn 2020-2024F và tác động tích cực từ việc đưa định giá đến cuối năm 2020. Chúng tôi tăng cổ tức tiền mặt giai đoạn 2020-2024F 15% đạt 3.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất 5,1%) dựa trên số dư tiền mặt lớn của PLX.

Chúng tôi dự báo tăng trưởng EPS năm 2020F đạt 10,4% YoY, nhờ tăng trưởng sản lượng xăng dầu bán ra trong nước đạt 5,1% YoY mà khoản lỗ tỷ giá thấp hơn khi nguồn nhiên liệu đầu vào trong nước từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSR) đang thay thế nguồn nhập khẩu. Chúng tôi cho rằng 2020 sẽ là năm thuận lợi cho PLX với nguồn nhiên liệu đầu vào trong nước cao hơn từ NSR và rủi ro chính sách thấp hơn nhờ hỗ trợ mạnh hơn của quỹ bình ổn.

Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép EPS giai đoạn 2018-2024F đạt 10,5%, dẫn dắt bởi tăng trưởng sản lượng bán trong nước đạt 5,1%.

PLX hưởng lợi từ tăng trưởng ngành xăng dầu mạnh mẽ tại Việt Nam 4,7%/năm, xấp xỉ gấp 3 lần mức trung bình toàn cầu, theo dự báo của Nghiên cứu BMI. Ngoài ra, PLX có thể gia tăng tiềm năng tăng trưởng từ việc phát triển các mảng dịch vụ ngoài xăng dầu tại các trạm xăng và mảng kinh doanh khí LNG.

PLX tỏ ra hấp dẫn tại EV/EVBITDA năm 2020F là 8,8 lần và P/E là 16,6 lần, thấp hơn lần lượt 17,2% và 22.2% so với trung vị các công ty cùng ngành ghi nhận. P/B của PLX đã giảm từ mức 3,3 lần trong năm 2017 còn 2,3 lần tại thời điểm ngày 30/09/2019 (bằng 1 nửa so với trung vị các công ty cùng ngành trong khi PLX có lợi suất cổ tức, ROE, nợ ròng/vốn chủ sở hữu và tăng trưởng EPS ngắn hạn cao hơn các đối thủ).

Rủi ro: giá dầu biến động bất lợi dẫn đến biến động giá đầu vào; rủi ro chính sách.

Khuyến nghị mua cổ phiếu STB với giá mục tiêu 17.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 1,1% lên 17.800 đồng và duy trì khuyến nghị mua STB khi chúng tôi khi chúng tôi sử dụng phương pháp định giá vốn hóa thị trường trên khoản vay và tiền gửi huy động cùng định giá thu nhập thặng dư, với tỷ trọng 25% cho mỗi phương thức định giá vốn hóa thị trường và 50% cho thu nhập thặng dư.

Định giá thu nhập thặng dư gây áp lực gia tăng lên giá mục tiêu của chúng tôi; vì vậy, chúng tôi sử dụng tỷ lệ thấp hơn giữa ACB và MBB thay vì mức tỷ lệ trung bình cho phương pháp định giá vốn hóa thị trường trên khoản vay và huy động, tạo ra áp lực giảm giá cho giá mục tiêu.

Chúng tôi nâng dự báo thu nhập ròng lần lượt cho các năm 2019/2020/2021 lần lượt là 8%/48%/27%, chủ yếu do tăng trưởng 39/33/25 điểm cơ bản trong NIM, cùng với thay đổi trong quan điểm của chúng tôi liên quan đến thời gian thanh lý quỹ đất Phong Phú (sẽ được bán trong năm 2020), nợ gốc nhận được từ thanh lý quỹ đất Long An (hoàn thành năm 2021) và xử lý nợ VAMC (hoàn thành 2022).

Giả định bổ sung của chúng tôi bao gồm tăng vốn 15% từ việc phát hành vốn sơ cấp năm 2023.

Rủi ro chính: nền kinh tế gặp các khó khăn ảnh hưởng đến nỗ lực xử lý các tài sản tồn đọng của STB.

Tin bài liên quan