Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/5

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/5 của một số công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/5

NBB: Khuyến nghị mua trong dài hạn

(CTCK Rồng Việt – VDSC)

Kết quả kinh doanh của NBB năm 2013 giảm mạnh so với năm 2012 một phần do ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản đóng băng và một phần do kết quả năm 2012 có tính chất đột biến từ việc hạch toán hồi tố doanh thu tại Carina Plaza.

Năm 2014, hoạt động kinh doanh bất động sản được kỳ vọng sẽ có cải thiện nhờ sự đóng góp của dự án KDC Sơn Tịnh, Quảng Ngãi với giá trị doanh thu chưa ghi nhận khá lớn. Ngoài ra, NBB đang cố gắng hoàn tất bán hàng tại hai dự án Carina Plaza và KDC phường 2 Bạc Liêu cũng như điều chỉnh thiết kế của NBB I và City Gate Towers để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Liên quan đến hoạt động đầu tư, trong quý I, NBB đã hoàn tất chuyển nhượng dự án BOT cầu Rạch Miễu, thu về gần 42 tỷ đồng đồng thời tìm được đối tác hợp tác đầu tư vào dự án City Gate Towers. Cộng với việc phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi, NBB dự kiến thu được gần 700 tỷ đồng để chi trả các khoản vay lớn và đầu tư cho các dự án bất động sản trong năm nay. Cũng theo đó, hoạt động tài chính dự kiến sẽ đóng góp chính vào lợi nhuận năm 2014. Với các luận điểm trên và không có thay đổi quan trọng trong phương pháp định giá NAV (Báo cáo phân tích lần đầu ngày 06/02/2014), chúng tôi vẫn cho rằng nhà đầu tư có ý định tăng tỷ trọng cổ phiếu BĐS có thể cân nhắc MUA cổ phiếu NBB trong DÀI HẠN.

>> Tải báo cáo

Xuất khẩu đường sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Trung Quốc, quốc gia đứng thứ 2 về sản lượng nhập khẩu và đứng 3 về sản lượng tiêu thụ đường, từng có nhiều chính sách hỗ trợ thị trường đường như tăng dự trữ đường, trả giá cao hơn giá thị trường. Điều này đã làm tồn tại một lượng tồn kho đường Trung Quốc rất lớn, theo Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) ước tính, lên đến 8,39 triệu tấn vào cuối vụ 2013/2014. Do đó, Chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ chính sách hỗ trợ trong khi thị trường đường vẫn còn yếu, đã làm giá đường sụt giảm. Giá đường Trung Quốc đã chạm mức 4.000 CNY/tấn (13.500 VND/kg), mức thấp nhất kể từ năm 2009 và giảm 17,5% từ đầu năm 2014 đến nay.

Việc giá đường Trung Quốc liên tục xuống thấp khiến các doanh nghiệp sản xuất đường bị sụt giảm lợi nhuận và nợ tiền mía người nông dân. Do vậy, nông dân Trung Quốc trồng mía có khuynh hướng chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có nhiều lợi nhuận hơn như gạo, dưa hấu, rau.

Theo báo cáo của USDA, dự báo nhập khẩu đường của Trung Quốc sẽ giảm 500.000 tấn so với năm trước nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sử dụng đường trong nước để giảm lượng tồn kho. Kết hợp với cắt giảm các gói hỗ trợ khiến giá đường tiếp tục sụt giảm, từ đó, việc mua đường ngoài hạn ngạch sẽ không mang nhiều lợi nhuận. Ngoài ra, USDA cũng cắt giảm dự báo sản lượng đường Trung Quốc trong vụ 2013/2014 xuống 465.000 tấn và chỉ đạt 13,54 triệu tấn đường, giảm khoảng 1 triệu tấn so với niên vụ trước.

Đối với ngành đường Việt Nam, đây sẽ là bất lợi cho các doanh nghiệp đường Việt Nam khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Đến đầu tháng 4/2014, các nhà máy đường trong nước tồn kho gần 600.000 tấn đường. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lên kế hoạch, kiến nghị Bộ Công thương cấp phép xuất khẩu 400.000 tấn đường qua biên giới Trung Quốc để giải phóng đường tồn kho. Trong thực tế, Bộ Công Thương đã cấp phép xuất khẩu 200.000 tấn đường, nhưng tới nay các doanh nghiệp mới chỉ xuất khẩu được hơn 100.000 tấn đường sang Trung Quốc.

Đối với công ty Đường Biên Hòa (BHS), cuối năm 2013, Công ty đã được Bô Công thương cấp phép nhập đường thô của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) sản xuất tại Lào với điều kiện lượng đường sản xuất này phải được xuất sang Trung Quốc. Trước chính sách mới của Chính phủ Trung Quốc, việc tiêu thụ lượng đường trên sẽ là một khó khăn đối với BHS. 

Tin bài liên quan