Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn còn kẽ hở gây thất thoát tài sản nhà nước - (Ảnh minh hoạ).
Chính phủ nhận định, cơ chế quản lý tài chính, quản lý cán bộ và lao động chưa tạo động lực và trách nhiệm để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN), vẫn còn tạo kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích, tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước.
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Báo cáo này đã được cập nhật số liệu đến ngày 30/9 và hoàn chỉnh nội dung theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực nghiên cứu, tiếp thu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án, văn bản quy phạm pháp luật được giao trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm cao.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội ban hành nhiều chương trình, đề án quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư.
Cơ cấu lại DNNN còn chậm
Nội dung lớn đầu tiên của báo cáo là kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững.
Theo đó, về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, báo cáo nêu rõ, thể chế, chính sách và hệ thống pháp luật thúc đẩy cơ cấu lại DNNN tiếp tục được hoàn thiện. Cổ phần hóa và thoái vốn tại các DNNN có tín hiệu khả quan, thực hiện thoái vốn nhà nước thành công tại một số DNNN quy mô lớn. Số nhóm ngành, lĩnh vực Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giảm mạnh.
Tuy nhiên, theo Chính phủ, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nâng cao chất lượng quản trị và năng lực cạnh tranh của DNNN còn chậm so với kế hoạch. Quy định và chính sách hiện hành chưa tạo cho DNNN có đầy đủ các quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để vận hành theo cơ chế thị trường.
Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chưa thật rõ ràng và phù hợp; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm. Cơ chế quản lý tài chính, quản lý cán bộ và lao động chưa tạo động lực và trách nhiệm để nâng cao hiệu quả DNNN; vẫn còn tạo kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích, tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước. Các quy định về vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp trong các Luật, như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, còn nội dung thiếu nhất quán, cần phải điều chỉnh dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện, báo cáo nêu rõ.
Tình trạng đầu tư dàn trải đã giảm
Về tiếp tục cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, Chính phủ đánh giá, khung chính sách quản lý đầu tư công được cải thiện, đồng bộ, nổi bật với việc ban hành Luật Đầu tư công năm 2019 thay thế Luật Đầu tư công năm 2014 và 4 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công năm 2019 . Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được nâng cao, giảm tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công được tăng cường. Các quy định về công khai, minh bạch và giám sát đầu tư cộng đồng giúp cho người dân có thể phát huy quyền giám sát trong các hoạt động đầu tư công. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những năm qua còn chậm; hiệu quả đầu tư công được cải thiện, song còn chưa đáp ứng được với yêu cầu của nền kinh tế cũng như trong tương quan cạnh tranh với các khu vực kinh tế khác.
Cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng (TCTD), được đánh giá là tiếp tục có chuyển biến, đóng góp đáng kể vào hiệu quả hoạt động của các TCTD và ổn định hệ thống tài chính.
Cơ cấu lại ngân sách nhà nướcđã đạt được những thay đổi tích cực về quy mô và cơ cấu thu, chi ngân sách. Kỷ luật ngân sách được tăng cường, bội chi ngân sách và tỷ lệ nợ công trên GDP giảm dần qua các năm.
Kết quả cơ cấu lại nền kinh tế còn được thể hiện qua đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển hướng tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao hơn và có thị trường xuất khẩu đa dạng.
Về nhiệm vụ cơ cấu lại một cách thực chất các ngành công nghiệp, Chính phủ nhận định tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gia tăng. Năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp từng bước được cải thiện với vai trò dẫn dắt của một số ngành công nghiệp chủ đạo.
Cơ cấu lại khu vực dịch vụ được tích cực triển khai theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, đặc biệt là sản phẩm có năng lực cạnh tranh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chính phủ nhìn nhận.
Quan điểm của Chính phủ là kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục thực hiện nhằm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2016-2020 đồng thời bổ sung các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế với bước đi phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, sự cạnh tranh về chiến lược chiến lược giữa các nước lớn, xu hướng bất ổn của địa chính trị thế giới, thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội của Việt Nam khi tham gia ký kết các hiệp định thương mại và đầu tư thế hệ mới với EU.