Ông Bùi Văn Mai

Ông Bùi Văn Mai

Có không ít sai phạm trong kiểm toán doanh nghiệp niêm yết

(ĐTCK) “Theo quyết định xử lý sai phạm của kiểm toán viên và công ty kiểm toán phát hiện qua cuộc kiểm soát chất lượng kiểm toán năm 2013 mà Bộ Tài chính vừa công bố, có không ít sai phạm trong kiểm toán DN niêm yết”, ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) trao đổi với ĐTCK.

Từ kết quả kiểm soát chất lượng kiểm toán năm 2013, Bộ Tài chính đình chỉ hành nghề kiểm toán trong thời hạn 6 tháng đối với 24 kiểm toán viên, trong đó có 8 giám đốc công ty kiểm toán (CTKT); 1 kiểm toán viên bị đình chỉ hành nghề trong thời hạn 12 tháng. Có CTKT nào kiểm toán cho các DN trong lĩnh vực chứng khoán bị áp dụng các biện pháp xử lý này, thưa ông?

Kết quả kiểm tra đã phát hiện trong số 15 CTKT thuộc diện kiểm tra năm 2013, thì có 3 CTKT cung cấp dịch vụ kiểm toán cho các DN trong lĩnh vực chứng khoán có một số vi phạm.

Theo quy định, với trường hợp nghi vấn DN niêm yết có hành vi không tuân thủ pháp luật liên quan đến lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC) hoặc có có nội dung ngoại trừ, CTKT phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy, có CTKT không, hoặc chậm báo cáo thông tin này tới UBCK. Cũng có trường hợp CTKT báo cáo không đầy đủ những thông tin này cho UBCK...

Điều này làm giảm tác dụng của kiểm toán trong góp phần cải thiện minh bạch thông tin của DN niêm yết, vốn đang là yêu cầu để hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước giám sát minh bạch tài chính DN niêm yết.

Tại sao các hành vi vi phạm, cũng như biện pháp xử lý không được công khai cụ thể đến từng kiểm toán viên, cũng như CTKT có sai phạm, thưa ông?

Việc công khai danh tính kiểm toán viên, CTKT có sai phạm đã từng được thực hiện.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai việc này phát sinh một số khó khăn, nên cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Thời gian tới, thông qua hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán định kỳ hàng năm, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các chế tài xử lý mạnh tay hơn để tăng tính răn đe.

Cụ thể, từ kết quả kiểm tra năm 2014, lần đầu tiên các chế tài xử lý tại Nghị định 105/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập sẽ được áp dụng.

Theo đó, nếu kiểm toán viên bị phát hiện có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền tối đa 50 triệu đồng, còn đối với CTKT là 100 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, các đối tượng vi phạm này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra…

Nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện đối với CTKT được chấp thuận kiểm toán cho các DN trên TTCK là giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra tại Thông tư 183/2013/TT-BTC về kiểm toán độc lập đối với đơn vị có lợi ích công chúng (DN đại chúng quy mô lớn, DN niêm yết, CTCK...). Ông nhìn nhận gì về giải pháp này? 

Theo Thông tư 183/2013/TT-BTC, trong hai năm 2014 - 2015, CTKT phải thỏa mãn 9 điều kiện thì mới được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán như: có số lượng kiểm toán viên hành nghề từ 10 người trở lên, từ kỳ chấp thuận cho năm 2016 là 15 người trở lên; đã phát hành báo cáo kiểm toán về BCTC cho tối thiểu 150 khách hàng, từ kỳ chấp thuận cho năm 2016 là tối thiểu 300 khách hàng.

Trường hợp CTKT đã được chấp thuận trong năm nộp hồ sơ thì phải có thêm điều kiện: đã phát hành báo cáo kiểm toán BCTC cho tối thiểu 10 khách hàng niêm yết, từ kỳ chấp thuận cho năm 2016 là 20 khách hàng...

Với các điều kiện tăng lên gấp đôi sau 2 năm như vậy, chắc chắn từ năm 2016, số lượng CTKT đủ điều kiện được kiểm toán cho lĩnh vực chứng khoán sẽ giảm.

Việc giảm số lượng này sẽ giúp cơ quan quản lý có điều kiện kiểm soát, giám sát tốt hơn chất lượng dịch vụ kiểm toán, nhưng lại giảm sức cạnh tranh và có phần chưa khuyến khích các CTKT đang có đủ điều kiện kiểm toán DN niêm yết.

Để đáp ứng các điều kiện về nhân sự, số lượng khách hàng như vậy, các CTKT có quy mô vừa đang tính đến việc sáp nhập. Ngày 1/7 vừa qua, Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam và Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Nexia ACPA (ACPA) đã sáp nhập để hình thành pháp nhân Grant Thornton. Liệu đây có phải là cách nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán, hay chỉ là chiêu đáp ứng điều kiện về số lượng để được tham gia kiểm toán cho các DN trong lĩnh vực chứng khoán?

Hiện Grant Thornton và Nexia ACPA là 2 công ty đã đủ điều kiện kiểm toán chấp thuận. Để thỏa mãn các điều kiện về số lượng kiểm toán viên, số lượng khách hàng từ năm 2016 trở đi, thì việc các CTKT chọn giải pháp sáp nhập là hợp lý.

VACPA khuyến khích và thường tư vấn, hỗ trợ các công ty thực hiện sáp nhập. Theo thời gian, để đủ sức cạnh tranh và tồn tại, các CTKT đều phải nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là kiểm toán cho các DN trong lĩnh vực chứng khoán.

Nếu không, bất kỳ CTKT nào đều có thể bị loại khỏi cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn trong cung cấp dịch vụ kiểm toán cho DN trong lĩnh vực chứng khoán.

Tin bài liên quan