Công ty cổ phần Siêu thị vật liệu xây dựng Thế giới nhà (nguyên đơn), sở hữu 462.300 cổ phần, tương ứng chiếm tỷ lệ 18,63% vốn điều lệ tại DGT cho rằng, quyền lợi của nhiều cổ đông bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc Công ty thực hiện sai trình tự triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), chậm công bố thông tin tài liệu họp (tài liệu chỉ được công bố trước khi khai mạc 1 ngày), giá định giá chào bán trong đợt phát hành riêng lẻ thấp hơn giá thị trường và giá trị sổ sách mỗi cổ phần.
Đặc biệt, việc lựa chọn đối tượng chào bán do Hội đồng quản trị quyết định không đề cập đến cổ đông hiện hữu và Hội đồng quản trị có thể dùng quyền được ủy quyền sai quy định (sai trình tự tổ chức họp đại hội) để ưu tiên cho nhóm cổ đông thân hữu, có lợi ích nhóm nhằm gia tăng quyền kiểm soát trong Công ty.
Cụ thể, phương án phát hành riêng lẻ 4 triệu cổ phiếu cho tối đa 40 nhà đầu tư, giá chào bán dự kiến 12.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá bình quân 30 phiên (18/5 - 28/6) là 17.020 đồng/cổ phiếu, giá trị sổ sách tại ngày 31/12/2017 là 13.915 đồng/cổ phiếu, không phù hợp với quy định tại Điều 125, Luật Doanh nghiệp.
Trong khi đó, điều lệ Công ty không quy định về mức chiết khấu để chào bán cho các đối tượng khác ngoài các đối tượng quy định tại Khoản 1, 2 và 3, Điều 125, Luật Doanh nghiệp.
Về đối tượng trong đợt phát hành, căn cứ Điểm c, Khoản 1, Điều 114, Luật Doanh nghiệp có quy định dành quyền ưu tiên mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông phổ thông:
“Ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty”, nhóm cổ đông lớn tại DGT đã có đề nghị mua tối thiểu 23,09% (bằng tỷ lệ nhóm cổ đông đang sở hữu) số lượng cổ phiếu phát hành thêm, với mức giá bằng giá chào bán đã được ĐHCĐ thông qua là 12.000 đồng/cổ phiếu.
Hoặc mua toàn bộ 4 triệu cổ phiếu phát hành thêm với mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 67% giá chào bán, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc không thấp hơn giá thị trường và giá trị sổ sách của Công ty. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị DGT hiện vẫn chưa có phản hồi về đề nghị mua này.
Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có văn bản thông báo về việc thụ lý vụ án và gửi giấy triệu tập đương sự 2 lần trong tháng 10 và tháng 11/2018. Theo cổ đông lớn, bị đơn là DGT chỉ có mặt trong lần triệu tập thứ hai, trong đó hai bên thống nhất thỏa thuận lại để hòa giải. Nếu hòa giải bất thành, dự kiến tòa án sẽ có giấy triệu tập lần 3 trong tháng 12 này.
Cổ đông lớn cho biết, theo quy định pháp luật về điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, nếu chào bán cho một tổ chức, cá nhân dẫn tỷ lệ sở hữu của các đối tượng này vượt mức sở hữu được quy định tại Khoản 11, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, hoặc chào bán từ 10% vốn điều lệ của tổ chức phát hành trong một đợt chào bán phải xác định rõ nhà đầu tư được chào bán để ĐHCĐ thông qua và chỉ được thay đổi sau khi được đại hội chấp thuận.
Trong khi đó, theo phương án phát hành đã được ĐHCĐ DGT thông qua, việc lựa chọn nhà đầu tư riêng lẻ được ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định. Như vậy, rất có khả năng, để tránh quy định trên, Hội đồng quản trị có thể chia nhỏ khối lượng chào bán cho tối đa 40 nhà đầu tư để đảm bảo mỗi nhà đầu tư được phân phối dưới 10% vốn điều lệ (24,8 tỷ đồng) hiện nay của DGT.
“Chính vì vậy, chúng tôi buộc phải khởi kiện ra tòa, đề nghị hủy Nghị quyết ĐHCĐ để thực hiện lại đúng trình tự triệu tập cuộc họp theo quy định, đảm bảo quyền lợi cho tất cả cổ đông”, đại diện cổ đông lớn của DGT nói.
Trên thực tế, có không ít doanh nghiệp thực hiện sai trình tự triệu tập và tổ chức ĐHCĐ, nhưng vì cổ đông không khiếu nại nên nghị quyết vẫn được chấp thuận.
Tuy nhiên, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Nghiêm & Chính, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, doanh nghiệp thực hiện sai trình tự triệu tập và tổ chức ĐHCĐ, mà cổ đông khởi kiện ra tòa án, thì chắc chắn tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHCĐ.
Đối với nội dung phát hành cổ phần, về nguyên tắc chung, nếu điều lệ không quy định nội dung nào khác thì luật quy định phải thông qua ĐHCĐ. Nếu ĐHCĐ đã thông qua phương án phát hành và ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định và thực hiện việc này, thì phải được thể hiện rõ trong nghị quyết của ĐHCĐ.
Quyết định bán cho đối tượng cụ thể nào đó, tỷ lệ bao nhiêu, thông qua đấu giá hay hình thức nào khác… nếu không có nêu chi tiết, rõ ràng trong phương án và đã được ĐHCĐ thông qua, thì Hội đồng quản trị sẽ tự quyết định.
Điều 125, Luật Doanh nghiệp quy định về việc bán cổ phần như sau: “Hội đồng quản trị quyết định thời điểm, phương thức và giá bán cổ phần. Giá bán cổ phần không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất, trừ những trường hợp sau đây:
1. Cổ phần chào bán lần đầu tiên cho những người không phải là cổ đông sáng lập;
2. Cổ phần chào bán cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ ở công ty;
3. Cổ phần chào bán cho người môi giới hoặc người bảo lãnh. Trường hợp này, số chiết khấu hoặc tỷ lệ chiết khấu cụ thể phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác;
4. Trường hợp khác và mức chiết khấu trong các trường hợp đó do Điều lệ công ty quy định”.