Cổ đông chiến lược, muốn có phải bỏ “tư duy đồng phục“

Cổ đông chiến lược, muốn có phải bỏ “tư duy đồng phục“

(ĐTCK) Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới đây đã chỉ ra thực tế, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã không đạt được một trong những mục tiêu quan trọng là tìm kiếm cổ đông chiến lược. Nguyên nhân và hướng tháo gỡ được CIEM khuyến nghị trong hội thảo 30/10.

Báo cáo của CIEM dẫn số liệu, hiện Nhà nước vẫn nắm giữ 81% vốn ở các doanh nghiệp được cổ phần hóa. Tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài chỉ đạt 9,5% so với kế hoạch là 16,7%; trong đó, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư chiến lược là 7,3%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch là 15,8%.

Đa số tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn chưa thu hút được cổ đông chiến lược, mặc dù đây là những doanh nghiệp nhà nước được đánh giá có sức hấp dẫn lớn nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện cổ phần hóa.

Trong số 46 tổng công ty nhà nước cổ phần hóa, tỷ lệ bán cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt khoảng 8,7%. Phần lớn nhà đầu tư nước ngoài mua tỷ lệ cổ phần rất thấp, với mức cao nhất chỉ là 20%.

Nặng nợ, bán DNNN ai mua?

“Tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược là một trong những yếu tố hàng đầu tác động tới khả năng thu hút được cổ đông chiến lược”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách phát triển doanh nghiệp (CIEM) nhận định.

Theo ông Trung, hiện phần lớn tỷ lệ bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt còn rất nhỏ và đây dường như là một yếu tố làm giảm mạnh sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược nói chung và các nhà đầu tư chiến lược nói riêng.

Chỉ có 6/46 phương án phê duyệt cổ phần hóa doanh nghiệp, tương đương 13% có tỷ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược trên 50%. 5/6 doanh nghiệp này đã bán hết số cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. “Kết quả này cho thấy tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược cao thì sẽ dễ thu hút các nhà đầu tư chiến lược hơn”, ông Trung nhận xét.

Nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà với việc mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước, ngoài tỷ lệ sở bán vốn thấp thì theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, còn do việc xác định giá trị doanh nghiệp và giá bán cổ phần tại các doanh nghiệp nước chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp. Cùng với đó là việc thiếu công khai, minh bạch trong tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn khiến các nhà đầu tư e ngại.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước có nhược điểm nội tại như đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực, quản trị kém, nợ đọng cao; thủ tục cổ phần hóa phức tạp, kéo dài thời gian và nhiều yêu cầu khó khả thi cũng khiến nhiều nhà đầu tư quyết định không tham gia vào quá trình này.

“Tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu (ROE) của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước đạt 15 - 17%/năm là tỷ lệ khá cao so với khu vực tư nhân, nhưng nó không thể hiện bức tranh chung cho tất cả doanh nghiệp nhà nước.

Trong một số năm, chỉ riêng lợi nhuận của 2 ông lớn PVN và Viettel đã chiếm trên 70% tổng lợi nhuận của 12 tập đoàn, tổng công ty lớn nhất. Lợi nhuận khủng của một số ít công ty lớn khiến cho bức tranh về lợi nhuận chung trở nên tươi sáng một cách sai lệch. Phần lớn doanh nghiệp nhà nước có tỷ suất ROE dưới 10%, thậm chí thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp có gánh nặng nợ nần không thể tự trả nổi”, ông Cung cho biết.

Gánh nặng nợ vay của nhiều doanh nghiệp nhà nước khiến các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều rất quan ngại. Tổng nợ của các doanh nghiệp nhà nước đến cuối năm 2016 đã lên tới 324 tỷ USD, bằng 158% GDP. Tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cao từ 3 - 10 lần.

Nguồn vốn vay ngân hàng và nguồn vốn chiếm dụng lẫn nhau cao, cho thấy tình hình tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không lành mạnh, lợi nhuận luỹ kế trên tổng tài sản không bằng một số thành phần kinh tế khác.

“Trên thực tế, doanh nghiệp nhà nước đang làm cho gánh nặng nợ quốc gia thêm lớn vì khi Chính phủ bảo lãnh vay, doanh nghiệp không trả được sẽ trở thành nợ của Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ trở thành bức xúc trong xã hội, khiến nhà đầu tư chiến lược không tích cực đầu tư vào quá trình cổ phần hóa”, đại diện CIEM cho biết thêm.

Tình trạng này chậm được cải thiện đã làm nhà đầu tư nước ngoài nản lòng, trong khi với nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tốt không cho phép các nhà đầu tư chiến lược tham gia. Miếng bánh lợi nhuận mà các nhà đầu tư chiến lược có thể tiếp cận hầu như chỉ rơi vào nhóm doanh nghiệp nhà nước với lợi nhuận dưới 10%.

Trong nhóm doanh nghiệp này, có khá nhiều doanh nghiệp nhà nước thuần túy cung cấp sản phẩm công ích, vốn không phải đối tượng quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược. Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội cho rằng, trong một thời gian dài, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến và rất quan tâm tới các cơ hội đầu tư và mong muốn tham gia sâu vào quá trình cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, song những vấn đề còn tồn tại mãi chưa được giải quyết đã làm giảm lòng tin và sự quan tâm của họ.

“Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã bỏ công sức tiến hành thẩm định và đánh giá rất kỹ những doanh nghiệp nhà nước trong danh mục quan tâm đầu tư, song họ phát hiện ra hàng loạt các vấn đề và thay đổi quyết định.

Nhiều vấn đề vẫn là điểm thắt như công khai thông tin không tốt, nhà đầu tư không biết họ mua cái gì, vấn đề định giá doanh nghiệp nhà nước không minh bạch khiến nhà đầu tư không có cơ sở nào đánh giá và kiểm chứng được mức giá. Đây là những quan ngại lớn của nhiều nhà đầu tư về thực tiễn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam hiện nay”, ông Sitkoff cho biết. 

Phải minh bạch và chuyên nghiệp trong cách bán vốn

Nhìn sâu vào những nguyên nhân trên, CIEM đã đưa ra một số giải pháp để thu hút cổ đông chiến lược. Đầu tiên, cơ quan quản lý cần có quy định rõ ràng và các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, trong đó không ưu tiên  nhà đầu tư ngắn hạn hoặc không mang lại giá trị gia tăng thực chất cho doanh nghiệp. Nhà nước nên cân nhắc mở rộng các lĩnh vực, ngành nghề không ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và chủ quyền quốc gia.

“Việc định giá doanh nghiệp cần tiến hành độc lâp bằng các công ty giàu uy tín và kinh nghiệm trên cơ sở pháp luật hiện hành kết hợp thông lệ quốc tế. Việc bán cổ phần cần dựa trên giá trị thực của doanh nghiệp, chứ không dựa trên giá trị trên sàn chứng khoán vì chỉ đại diện cho một phần nhỏ giao dịch. Đặc biệt, các thông tin về doanh nghiệp cổ phần hóa cần được công khai, minh bạch để các nhà đầu tư có đủ thời gian thẩm định thông tin và đánh giá giá trị của doanh nghiệp trước khi tham gia đấu thầu”, đại diện CIEM đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Cung cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng thị trường và trên cách nhìn của nhà đầu tư chứ không phải của “ông giữ của” là cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời linh hoạt tiêu chí đánh giá đối với từng doanh nghiệp khác nhau thay vì áp dụng cứng nhắc cùng một tiêu chí, cách thức.

“Muốn tìm và bán cổ phần cho cổ đông chiến lược thì cần áp dụng phương án may đo hơn là may đồng phục. Các doanh nghiệp rất khác nhau về quy mô, ngành nghề, tiềm năng giá trị sinh lời trong tương lai. Việc bán vốn cần linh hoạt theo đặc thù của từng doanh nghiệp mới mong tìm được bạn đồng hành dài hạn”, ông Cung khuyến nghị.

Cổ đông chiến lược, muốn có phải bỏ “tư duy đồng phục“ ảnh 1

 Chuyên gia Võ Trí Thành

Một số doanh nghiệp cổ phần hóa trọng điểm cần có định hướng chiến lược tìm nhà đầu tư chiến lược dài hơi, không thể để tình trạng chỉ trong thời gian ngắn phải tìm được nhà đầu tư chiến lược theo đúng tiến độ đặt ra bởi điều này sẽ tạo áp lực tạo ra thế thiệt thòi cho phía doanh nghiệp cổ phần hóa trong quá trình đàm phán. 

Vietnam Airlines là một trong số ít tổng công ty nhà nước quy mô lớn tìm kiếm thành công nhà đầu tư chiến lược. Ngày 28/5/2016, Tổng công ty đã lựa chọn và ký hợp đồng mua bán cổ phần với Tập đoàn hàng không Nhật Bản - ANA Holdings Inc. (ANA) với tỷ lệ cổ phần nắm giữ của ANA là 8,771% vốn điều lệ. Quá trình đàm phán giữa VNA và ANA diễn ra tới hơn 3 năm và đã vượt qua nhiều trở ngại.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xác định giá trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, VNA đã có chủ trương ngay từ đầu là thuê tư vấn quốc tế (Citi Group và Morgan & Stanley) để tư vấn định giá giá trị doanh nghiệp phù hợp thông lệ quốc tế đối với Airlines; chuẩn bị hồ sơ chào bán… Nhờ xác định giá trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế nên VNA đã có căn cứ thuyết phục cho việc xác định giá bán khi đàm phán với các nhà đầu tư quan tâm như Japan Airlines, ANA. Cũng nhờ cách thức giá trị này mà VNA có thể bán cổ phần với giá cao hơn so với kỳ vọng. Mức giá bán cổ phiếu cuối cùng cho ANA là 21.000 đồng/cổ phiếu cao hơn so với mức đề nghị của ANA là 18.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan