Sáng 26/8, Kiểm toán Nhà nước đã họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2015 trong đó có kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng.
Kết quả kiểm toán cho thấy, khối các tổ chức tài chính cơ bản đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động, trong số 11 đơn vị được kiểm toán có 10 đơn vị kinh doanh có lãi. Đơn vị duy nhất thua lỗ là MHBS, lỗ 167 tỷ đồng.
Năm 2014, nợ xấu VDB 11%, tăng 68%
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu của toàn hệ thống tại thời điểm 31/12/2014 là 145,2 nghìn tỷ đồng tăng gần 25% so với thời điểm cuối năm 2013, chiếm 3,25% tổng dư nợ.
Đáng chú ý, dư nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB tăng cao và nhanh, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tại thời điểm 31/12/2014 là 11,05%, tăng 68% so với năm 2013. Trong năm 2014, VDB cân đối giữa huy động và sử dụng vốn chưa phù hợp, dẫn đến tồn đọng lớn, số dư tiền gửi bình quân có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng là 13.226 tỷ đồng. Điều này làm gia tăng gánh nặng cho ngân sách, phải tăng cấp bù chênh lệch lãi suất.
VDB chưa xây dựng hệ thống kiểm soát theo dõi, đánh giá về chất lượng tài sản có, quy định về quản lý thanh khoản, quản lý rủi ro theo quy định. VDB có khoản phải thu tồn đọng nhiều năm chưa có biện pháp thu hồi và xử lý dứt điểm, đó là khoản chênh lệch giữa dư nợ gốc và số tiền thu lại do xử lý tài sản bảo đảm của Dự án Trung tâm chế biến xuất nhập khẩu gỗ Mộc Châu.
Việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho VAMC, nhưng xử lý nợ xấu VAMC chưa hiệu quả, chưa thực chất. VAMC đã mua gần 80 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2014, tổng nợ xấu VAMC mua đến thời điểm cuối 2014 là 143,5 nghìn tỷ. Tuy nhiên, năm 2014, tổ chức này chỉ xử lý được 28 khoản nợ, tương ứng với 627 tỷ đồng.
Tại các ngân hàng khác, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy việc đầu tư của một số tổ chức tài chính không hiệu quả. Vietcombank đầu tư vào Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank -Cardif 270 tỷ đồng, nhưng năm 2014, khoản đầu tư này chỉ đem lại tỷ suất lợi nhuận là 2,5%.
Tương tự, BIDV đầu tư vào 6 công ty liên doanh số tiền 3.359 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ cổ tức được chia năm 2014 chỉ là 2,9%.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nội bộ của ngân hàng được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý. Ví dụ như hệ thống kế toán máy của Vietcombank chưa hỗ trợ một số nghiệp vụ như hạch toán lãi dự thu thẻ tín dụng, cho vay đầu tư qua đêm..., hệ thống phần mềm theo dõi, quả lý, tổng hợp báo cáo phân loại nợ, chấm điểm xếp hạng tín dụng chưa chặt chẽ, chưa được kiểm soát thường xuyên.
MHBS lấy tiền ký quỹ gửi tiết kiệm
Đối với khối chứng khoán, Kiểm toán Nhà nước xác định MHBS vi phạm nhiều quy định trong kinh doanh chứng khoán dẫn đến nợ tồn đọng nhiều, khó có khả năng thu hồi. Công ty chứng khoán này đã cho khách hàng nợ tiền mua chứng khoán hơn 282 tỷ đồng, cho vay mua chứng khoán thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư là 53 tỷ đồng, cho vay mua chứng khoán thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư là hơn 70 tỷ đồng. Việc này dẫn đến kinh doanh thua lỗ, không có nguồn để trả trái phiếu đến hạn 400 tỷ đồng.
MHBS cũng không quản lý tách bạch tiền và chứng khoán của nhà đầu tư và của công ty chứng khoán. Các hợp đồng mua bán chứng khoán có kỳ hạn cũng được gia hạn không đúng hướng dẫn của UBCKNN. MHBS còn sử dụng tiền gửi ký quỹ của nhà dầu tư để gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng.
Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán Nhà nước) cho biết, với những sai phạm có dấu hiệu hình sự này, ngày 16/6/2016, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra đề nghị làm rõ.
Theo Kiểm toán Nhà nước, một số CTCK khác cũng có sai phạm nhất định. Agriseco thực hiện lệnh mua bán chứng khoán cho khách hàng khi tài khoản khách hàng không đủ tiền. CTCK VCBS đầu tư vào các công ty chưa niêm yết vượt 20% vốn chủ sở hữu với số tiền là hơn 84 tỷ đồng.
BIC, VBI bị mất ấn chỉ
Đối với nhóm công ty bảo hiểm, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy một số công ty chưa quản lý ấn chỉ chặt chẽ dẫn đến bị mất ấn chỉ như đã xảy ra tại BIC, VBI. BIC và VBI cũng có tỷ lệ nợ phải thu khó đòi cao. Tại BIC tỷ lệ nợ phải thu khó đòi trên tổng nợ phải thu bảo hiểm gốc là gần 22%, tại VBI tỷ lệ này là 26,5%.
VBI cũng trích thiếu dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận táy bảo hiểm 3,3 tỷ đồng, trích thiếu dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm 2,3 tỷ đồng. VBI, ABIC chưa quy định mức chế tài trong trường hợp khách hàng thông báo tai nạn bằng văn bản muộn so với quy định.
ABIC có khoản tiền đặt cọc 18 tỷ đồng mua cổ phiếu của Công ty cho thuê tài chính I (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) từ năm 2009 đến nay vẫn chưa xử lý xong.