Tại buổi tổng kết đánh giá sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) sau 1 năm vận hành do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM tổ chức, ông Nguyễn Đức Thông - Giám đốc Giao dịch phái sinh, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhìn nhận, nhà đầu tư đã giao dịch thuần thục hơn rất nhiều, biết cách tận dụng những biến động thị trường để kiếm lời.
Là một trong những tổ chức phát hành đầu tiên tham gia thị trường chứng quyền, SSI có nhìn nhận gì về thị trường này?
Ông Nguyễn Đức Thông
Thị trường chứng quyền tăng trưởng một cách nhanh chóng. Số lượng CW đang lưu hành là 73 mã trên 21 mã chứng khoán cơ sở, so với ngày đầu tiên giao dịch là 10 mã CW trên 6 mã chứng khoán cơ sở.
Với cấu trúc như một sản phẩm phái sinh và có tính đòn bẩy, có khả năng đem mức sinh lời cao khi giá cổ phiếu tăng, CW được đông đảo nhà đầu tư đón nhận tích cực và giao dịch ngày càng thuần thục hơn.
Ban đầu, nhà đầu tư mua CW như là một hình thức đầu tư với lợi thế đòn bẩy và chủ yếu nắm giữ cho tới ngày đáo hạn. Nhưng giờ đây, nhà đầu tư đã mua và bán rất nhanh nhằm tận dụng biến động của thị trường.
Cụ thể, trong quá trình tạo lập thị trường, tôi có thấy nhiều nhà đầu tư đã vào bắt đáy rất nhiều khi thị trường giảm mạnh hồi tháng 3/2020 (đơn cử, chứng quyền CHPG2004 dựa theo HPG do SSI phát hành). Khi thị trường tăng mạnh trở lại, các nhà đầu tư đã nhanh tay bán ra chốt lời với lợi nhuận lớn. Đối với chứng quyền CHPG2004, nếu nhà đầu tư mua bán thuận lợi thì lãi gấp 10 lần là hoàn toàn có thể (chứng quyền CHPG2004 có giá tại đáy là 180 đồng vào ngày 30/3/2020 và giá cao nhất của sản phẩm này là 5.050 đồng vào ngày 26/5/2020).
Trên thị trường Việt Nam, mới chỉ có quyền chọn mua, chưa có quyền chọn bán, điều này thực tế có gây khó khăn gì trong nghiệp vụ của SSI hay không?
Khi phát hành chứng quyền mua, SSI cũng như các tổ chức phát hành khác sẽ thực hiện mua một lượng tài sản cơ sở tương ứng để phòng ngừa rủi ro. Cho đến hiện tại, công tác này hoàn toàn có thể thực hiện được mà không gặp phải nhiều trở ngại.
Tương tự, nếu SSI cũng như các tổ chức phát hành khác muốn phát hành chứng quyền bán trên cổ phiếu, SSI sẽ cần phải bán khống một lượng tài sản cơ sở tương ứng. Với quy định hiện hành, thì điều này hiện không khả thi đối với cổ phiếu. Như vậy, tài sản cơ sở duy nhất có thể sử dụng để phát hành chứng quyền bán là chỉ số chứng khoán, tuy nhiên lộ trình sẽ phụ thuộc vào kế hoạch triển khai từ các cơ quan quản lý.
Nếu có thể triển khai sớm chứng quyền bán trên chỉ số chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn trong giao dịch, bên cạnh các hợp đồng tương lai chỉ số, đặc biệt hữu dụng khi thị trường chứng khoán cơ sở có diễn biến bất lợi. Từ đó, giúp nhà đầu tư tự tin tăng quy mô vốn đầu tư vào thị trường.
SSI thường xuyên phát hành mới CW, vậy các mã này được thị trường đón nhận ra sao?
SSI luôn cố gắng cân bằng giữa yếu tố nhu cầu thị trường với những cổ phiếu nhất định và tiềm năng cơ bản của cổ phiếu trong ngắn và trung hạn, từ đó ra mắt các CW tương ứng, nên luôn được nhà đầu tư đón nhận.
CW là sản phẩm rất hay, rất thú vị, nhà đầu nên nghiên cứu và phân bổ một lượng vốn nhất định cho sản phẩm chứng quyền, cũng như các sản phẩm tài chính đòn bẩy cao khác, để giới hạn mức thua lỗ khi cổ phiếu hay thị trường diễn biến không như dự đoán.
- Ông Nguyễn Đức Thông
Đây cũng là sản phẩm giúp các nhà đầu tư kiếm lời trong giai đoạn biến động mạnh tháng 3 - 4/2020 vừa qua. Bởi bản chất biến động và lợi suất của CW sẽ phụ thuộc nhiều vào biến động của tài sản cơ sở và cả biến động của thị trường chứng khoán nói chung. Trong đợt giảm mạnh vừa rồi, nhiều chứng quyền do SSI phát hành cũng giảm giá, nhưng khi thị trường tăng trở lại thì các chứng quyền này tăng mạnh hơn nhiều mức độ tăng của chứng khoán cơ sở. Cụ thể, các CW do SSI phát hành tăng giá mạnh theo thị trường cơ sở như CW trên các cổ phiếu HPG, FPT, MBB, VHM, VIC, VNM, VPB.
Thông thường, SSI sẽ lựa chọn các cổ phiếu đang được nhà đầu tư quan tâm và có nền tảng cơ bản tốt để phát hành chứng quyền. Đồng thời, thực hiện việc tính giá bán tất cả chứng quyền theo một nguyên tắc nhất quán dựa trên model đã công bố.
Đối với thời điểm phát hành, SSI luôn nỗ lực để đa dạng CW lưu hành trên thị trường nhằm giúp nhà đầu tư có đầy đủ các lựa chọn nhất. Tuy nhiên, do mới chỉ có CW mua nên SSI trước khi phát hành cũng cần cân nhắc xem liệu đây có phải là công ty tốt và có dư địa để tăng trưởng trong tương lai hay không? Theo đó, tùy từng thời điểm mà số lượng chứng quyền của SSI lưu hành trên thị trường có thể khác nhau.
Vậy CW đóng góp vào kết quả kinh doanh của SSI ra sao và trong quá trình tạo lập có rủi ro gì?
Khi bán CW cho khách hàng thì SSI sẽ phải mua một số lượng cổ phiếu (số lượng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào mô hình) nhằm phòng ngừa rủi ro. Do đó, sản phẩm này mang tính chất “win - win” cho cả nhà đầu tư và tổ chức phát hành. Khi giá cổ phiếu tăng thì công ty chứng khoán sẽ có lợi nhuận từ việc phòng ngừa rủi ro (vì đã mua cổ phiếu để hedging) và nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận từ việc CW tăng giá.
Sản phẩm mới nào cũng cần thời gian để thị trường chấp nhận và phát triển. Theo đó, trong giai đoạn đầu, mục tiêu chính của SSI là muốn nhà đầu tư có thể tiếp cận sản phẩm dễ dàng và an toàn nhất, còn kỳ vọng lợi nhuận đối với vai trò là nhà phát hành và tạo lập nếu đạt được thì tốt. Trong tương lai, khi thị trường phát triển lớn mạnh hơn, SSI tin rằng, doanh thu từ phát hành CW sẽ tăng theo.
Dĩ nhiên, trong quá trình tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro, khi thị trường biến động mạnh thì bất kể tổ chức phát hành nào cũng có thể có những thiệt hại không mong muốn. Đối với SSI, xác định sẽ phát triển sản phẩm CW bài bản, chuyên nghiệp và mang về doanh thu bền vững trong dài hạn mới là đích ngắm, những diễn biến hay một số thiệt hại nhỏ trong ngắn hạn không khiến Công ty dừng việc phát triển sản phẩm rất thú vị này.
Hiện nay, CW do các công ty chứng khoán phát hành chỉ tập trung ở một vài mã cổ phiếu đầu ngành, liệu có ít sự lựa chọn cho nhà đầu tư quá hay không, theo ông?
Hiện tại, tài sản cơ sở để phát hành chứng quyền là những cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30 Index, sau khi sàng lọc bổ sung, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM sẽ cho ra danh sách cuối cùng để tổ chức phát hành lựa chọn làm chứng quyền có bảo đảm (thông thường chỉ khoảng hơn 20 mã cổ phiếu). Do vậy, sự lựa chọn của tổ chức phát hành khi bán ra chứng quyền là tương đối hạn chế, nên các tổ chức phát hành thường cho ra mắt nhiều chứng quyền trên cùng tài sản cơ sở.
SSI đang nghiên cứu và dự định sẽ đề xuất với cơ quan quản lý về việc tăng danh sách các mã chứng khoán cơ sở cho CW nhằm giúp các nhà đầu tư khác có thể tiếp cận tới sản phẩm này. Bên cạnh đó, các tổ chức phát hành cũng đã có những phản hồi tới cơ quan quản lý trong việc rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ phát hành.
Thị trường CW vẫn còn nhiều dư địa để phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng của sản phẩm. Đặc biệt, nếu được nới rộng thêm danh sách các mã chứng khoán cơ sở cho CW thì sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư khác.
Trải qua 1 năm gắn bó với thị trường CW, ông cho rằng, thời điểm nào tốt nhất mà nhà đầu tư nên mua/bán CW?
Biến động tăng/giảm của giá CW phụ thuộc nhiều vào biến động của tài sản cơ sở, nên thời điểm tốt để giao dịch CW cũng trùng khớp với thời điểm giao dịch chứng khoán cơ sở. Thông thường, thị trường chứng khoán cơ sở giao dịch sôi động hơn trong quý I và quý IV hàng năm, nên nhà đầu tư có thể cân nhắc giao dịch nhiều hơn trong khoảng thời gian này.
Ngoài ra, nhà đầu tư nên xem CW là sản phẩm “lướt sóng”, nên mua khi có kỳ vọng chứng khoán có thể tăng giá mạnh (với chứng quyền mua) và bán ra ngay khi biến động đã qua hoặc không xảy ra, tận dụng tối ưu lợi thế sản phẩm khi thị trường biến động. Theo đó, nhà đầu tư nên quan sát đồng thời biến động của chứng khoán cơ sở và các chứng quyền tương ứng trong một thời gian để lựa chọn đúng mã chứng quyền theo sát nhất với diễn biến chứng khoán cơ sở.