Đánh giá của ông về diễn biến tỷ giá gần đây?
Sau một thời gian dài ổn định, trong hai tuần cuối tháng 6 và những ngày đầu tháng 7, thị trường trong nước đã chứng kiến những bước nhảy vọt của tỷ giá VND/USD.
ông Ngô Đăng Khoa
Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá VNĐ/USD đã tăng từ 22.800 đồng lên 23.040 đồng/USD trong tháng 6. Tỷ giá trên bảng niêm yết của các ngân hàng thương mại cũng liên tục tăng vượt qua mốc 23.000 đồng/USD, còn giá trên thị trường tự do có lúc đạt mức đỉnh điểm là 23.200 đồng/USD (ngày 3/7).
Như vậy, tính chung từ đầu năm, tiền đồng đã mất giá tổng cộng 1,4%, trái ngược với mức giảm khoảng 0,2% trong năm 2017, qua đó làm dấy lên một số lo ngại cho doanh nghiệp (DN) và nhiều nhà đầu tư về xu hướng của tỷ giá.
Một số nguyên nhân có thể lý giải cho đà tăng của tỷ giá trong thời gian qua là nhu cầu ngoại tệ cho thanh toán có tính chu kỳ của DN vào cuối tháng, cuối quý trong tháng 6, cũng như nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra, trên thị trường thế giới, đồng USD cũng đang tăng mạnh so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác kể từ đầu năm.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Trung Quốc - Mỹ cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Đứng trước diễn biến đó, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) đã vận dụng cơ chế điều hành thị trường linh hoạt, hiệu quả thông qua việc đưa ra thông điệp về việc chủ động các phương án, sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ nhằm bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô.
Vào ngày 3/7, NHNN cũng đã công bố giá chào bán USD ở mức 23.050 đồng/USD, giảm 244 đồng so với giá bán niêm yết vào ngày 2/7 trước đó. Điều này đã giúp tỷ giá các ngân hàng thương mại đã ổn định trở lại.
Có thể thấy, biến động tỷ giá vừa qua phần lớn liên quan đến các yếu tố vĩ mô toàn cầu, trong khi các yếu tố nội tại của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 vẫn có chiều hướng tích cực.
So với biến động giảm giá mạnh của các đồng tiền khác trong khu vực so với USD như đồng Bath của Thái Lan (-3%), Rupiah của Indonesia (-7%), Peso của Philippines (-7,3%), Rupee của Ấn Độ (-8%), Won của Hàn Quốc (-5,6%) và đặc biệt là Trung Quốc (-3,2%), thì biên độ giảm giá của tiền Đồng vẫn nằm trong kịch bản có thể dự đoán được.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2018, trong khi Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm trong việc kiềm chế lạm phát, tạo môi trường kinh tế ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Về phía DN, đặc biệt là các DN xuất nhập khẩu, nhận thức về việc phòng vệ rủi ro biến động tỷ giá nhìn chung còn một số hạn chế, một phần do yếu tố khách quan từ việc DN đã quen với môi trường tỷ giá ổn định suốt một thời gian dài vừa qua.
Cơ chế điều hành thị trường linh hoạt của NHNN đã và đang chứng minh hiệu quả trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và quản trị các cú sốc, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN “dễ thở” hơn trong nghiệp vụ phòng vệ rủi ro tỷ giá.
Tuy nhiên, cùng với đà tăng của kinh tế trong nước và cơ chế hội nhập lan rộng, các DN cũng ngày càng chú trọng việc quản trị rủi ro, trong đó có bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Nhu cầu sử dụng các công cụ phái sinh tiền tệ để quản trị rủi ro của DN cũng tăng lên qua các năm trong thời gian qua.
Theo ông, đâu là ảnh hưởng của động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong căng thẳng thương mại với Mỹ lên hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam?
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc - Mỹ leo thang trong thời gian qua, đồng nhân dân tệ đã giảm đến 3% so với đồng bạc xanh, trong khi đồng USD nhìn chung cũng mạnh hơn đáng kể so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Với việc Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam và Việt Nam cũng có tỷ trọng nhập siêu lớn từ Trung Quốc, bất kỳ biến động nào trên cán cân thương mại với hệ lụy là cuộc chiến tiền tệ sẽ có những tác động nhất định đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, với đồng nhân dân tệ suy yếu thì Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ việc tăng cường xuất khẩu hàng hóa. Từ đó, một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có cùng nhóm hàng với Trung Quốc như dệt may, da giày sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Về phía Mỹ, với việc chuẩn bị áp dụng hàng rào thuế quan lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam như thép, đồ điện tử, cũng ảnh hưởng tiêu cực lên Việt Nam khi đây là những ngành có mức tăng trưởng ấn tượng trong cơ cấu xuất nhập khẩu vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các mối đe dọa về thuế quan tăng thêm từ chính quyền Tổng thống Trump đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất trong các lĩnh vực như lắp ráp điện tử, vốn đang là xu hướng cạnh tranh của quốc gia trong thời gian qua.
Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị gì, thưa ông?
Trong dài hạn, các yếu tố cơ bản trên thị trường quốc tế được dự báo vẫn sẽ diễn biến phức tạp. Để chủ động trong hoạt động quản trị DN, quản trị dòng tiền và kiểm soát rủi ro hiệu quả, các DN cần chủ động trong công tác phòng vệ rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thị trường và các công cụ phòng vệ rủi ro.
Trong bối cảnh NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kinh tế vĩ mô ổn định, ngân hàng luôn đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của DN được đáp ứng kịp thời, đầy đủ và đưa ra những giải pháp phù hợp giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro thị trường.