Không thể thu giá?
Trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 22/5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã lên tiếng lý giải vì sao đổi tên trạm thu phí BOT thành “trạm thu giá”.
Theo đó, Bộ trưởng Giao thông cho biết phí do HĐND, Quốc hội quyết định, còn giá là do doanh nghiệp cung cấp, mà BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên cần điều chỉnh lại tên gọi cho chính xác.
Trao đổi với Dân trí, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng khái niệm “thu giá” là một “sáng tạo” để lách qua những quy định rất chặt chẽ của Luật Phí và lệ phí.
Bởi theo quy định của luật, một tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công thì có thể thu phí để bù đắp các chi phí. Tuy nhiên, việc thu phí chỉ hợp pháp, khi khoản phí như vậy được đưa vào Danh mục phí được ban hành kèm theo Luật.
“Rất tiếc, phí BOT không có trong danh mục này. Đáng lẽ Bộ Giao thông, vận tải nên trình Quốc hội bổ sung phí BOT vào danh mục nói trên”, ông Dũng nêu quan điểm.
Ông Dũng cũng cho rằng, không phải cứ doanh nghiệp tư nhân cung cấp thì không phải là dịch vụ công. Bản chất của dịch vụ công là việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội và cộng đồng, còn việc tiến hành hoạt động ấy có thể do nhà nước hoặc tư nhân đảm nhiệm.
"Việc thay đổi phí như BOT phải do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Không thể để quá linh động rồi có giá trên trời được”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra theo ông Dũng, Luật quy định rất chặt việc sử dụng phí. Theo đó, phí để giữ lại bù đắp cho chi phí sau đó phải có dự toán có cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời chỉ được giữ lại phần bù đắp chi phí thôi còn lại phải nộp vào ngân sách. “Luật quy định cứng như vậy, có thể cái đó gây khó cho nhà đầu tư”, ông Dũng nói.
Bàn về khái niệm "thu giá" đang gây tranh cãi, ông Dũng nói: "Bạn có thể thu phí, thu thuế, thu nợ… nhưng không thể thu giá, vì giá không phải là thứ có thể thu được. Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá/dịch vụ".
Lo chuyện tăng giá khi chuyển thành “trạm thu giá”
Trong khi đó trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng bản chất Dự án BOT là dự án Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Build – Operate – Transfer).
Theo đó doanh nghiệp dự án chỉ được quyền khai thác công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn thì phải chuyển giao cho nhà nước.
“Dự án BOT không thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Đây là một khái niệm rất thống nhất trên thế giới và cũng đã được thể chế hóa trong Nghị định về PPP ở Việt Nam”, ông Thành nói.
Theo vị này, trong các hình thức đối tác công tư (PPP), thì các dự án BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh; Build – Own – Operate) mới có thể coi là của doanh nghiệp xét về khía cạnh sở hữu còn BOT thì không như vậy.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, thời điểm Luật Phí và lệ phí có hiệu lực đầu năm 2017. Do vậy cuối năm 2016, Bộ GTVT đã ra Thông tư 35, đây chính là văn bản đầu tiên của thuật ngữ “thu giá”.
“Một cách lách Luật phí và lệ phí, nhưng theo tôi việc này không cần thiết bởi không phải cứ gọi là phí thì phải chịu sự điều tiết Luật Phí và lệ phí”, ông Thành nêu quan điểm.
Ông Thành cho biết thêm, trong danh mục Luật Phí và lệ phí không có BOT nhưng dù như vậy vẫn có thể gọi là phí một cách bình thường. Bởi không phải bất kỳ loại phí nào cũng chịu điều tiết của luật này, chẳng hạn như phí ngân hàng, phí dịch vụ hàng không…
Điều quan trọng hơn theo ông Thành, việc dùng từ giá đúng theo giải thích của Bộ trưởng Giao thông Vận tải thì đó là khái niệm mới nay sẽ giúp “linh động” trong cách thay đổi giá.
“Nếu đàm phán với nhau thay đổi được giá thì BOT sẽ tiêu cực hơn so với giai đoạn vừa qua. Bộ nói khi gọi là giá, chi phí đầu tư giảm xuống thì sẽ chủ động giảm giá nhưng thực tế mấy trường hợp giảm được. Đó là lý do tại sao người dân sẽ nghĩ việc “linh động” để giảm thì ít mà tăng thì nhiều”, ông Thành nhận định
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, BOT không hoàn toàn là dịch vụ công mặc dù tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước.
Tuy nhiên do doanh nghiệp được nhà nước trao cho doanh nghiệp độc quyền khai thác nên phí phải chịu sự phê duyệt từ cơ quan có thẩm quyền.
“Tuy nhiên nó cũng không hoàn toàn là dịch vụ tư nhân. Thực tế có những con đường có tính chất dịch vụ công, cũng có nhưng con đường không phải. Chính vì ranh giới mong manh như vậy nên mới gây tranh cãi. Nếu hiểu chính xác, nó là dịch vụ được cung cấp bởi cơ chế đầu tư theo đối tác công tư, tức là bao gồm cả công và tư”, ông Thành phân tích.
Theo quan điểm của ông Thành, nên đổi lại là trạm thu phí thay vì “trạm thu giá” để đưa về đúng bản chất.