Chuyên gia Anh: Quy mô điện gió tối thiểu không nên nhỏ hơn 450-500 MW

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Điện tái tạo ở Việt Nam được các chuyên gia nước ngoài đánh giá có tiềm năng tăng trưởng lớn. 
Ông Oscar Roy- Fitch chuyên gia về quy định và chính sách gió ngoài khơi.

Ông Oscar Roy- Fitch chuyên gia về quy định và chính sách gió ngoài khơi.

Ông Oscar Roy- Fitch, chuyên gia về quy định và chính sách gió ngoài khơi của Anh đã có những trao đổi xung quanh vấn đề phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đặc biệt là kinh nghiệm phát triển điện gió.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của năng lượng sạch ở Việt Nam?

Thực sự nó rất thú vị. Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn ở năng lượng mặt trời, năng lượng sạch. Việt Nam đã có cam kết tại Hội nghị COP 26 đưa khí phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Phát triển năng lượng tái tạo sẽ mang lại điều đó. Việt Nam có một cơ hội cực kỳ hấp dẫn cho năng lượng tái tạo. Khả năng của các nguồn lực sẵn có trong nước là rất lớn.

Điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ và năng lượng mặt trời sẽ có đóng góp lớn vào công suất toàn hệ thống và có thể làm thay đổi hệ thống năng lượng của Việt nam trong tương lai. Điều đó mang lại những lợi ích to lớn, không chỉ là năng lượng sạch và thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP 26 về giảm phát thải, mà còn là cơ hội của ngành, cơ hội của chuỗi cung ứng và những lợi ích môi trường trước mắt mà nó mang lại từ các nguồn năng lượng không phát thải.

Tuy nhiên phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức, đến từ Anh, một đất nước có nhiều kinh nghiệm trong phát triển hệ thống quản lý điện tái tạo hiệu quả, ông có thể chia sẻ gì để Việt Nam phát triển nguồn năng lượng mới tốt hơn?

Một trong những điều mà chúng tôi đã quan sát thấy trong 10-12 năm qua ở Vương quốc Anh và châu Âu là tầm quan trọng của một khuôn khổ pháp lý và quy định ổn định, rõ ràng cho hoạt động đầu tư. Những quy định rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư giảm chi phí, giảm rủi ro và mang lại kết quả mà họ mong muốn, đó là sự tăng trưởng về năng lượng tái tạo.

Phát triển điện gió ngoài khơi hiện nay đang gặp một số vấn đề thách thức, trong đó có vấn đề về khung pháp lý ổn định và minh bạch. Như vậy đòi hỏi cần có đối thoại rõ ràng và liên tục giữa ngành và các nhà hoạch định chính sách. Điều đó cực kỳ quan trọng bởi vì nó rất phức tạp đối với nhà phát triển ở nước ngoài và hiểu được những thách thức của các nhà phát triển, hiểu được những thách thức của các công ty tài chính là vô cùng quan trọng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách, chính trị gia và các ngành công nghiệp là trung tâm để giải quyết vấn đề.

Việt Nam có mục tiêu phát triển 7.000 MW điện gió vào năm 2030 nhưng hiện thiếu các cơ chế chính sách để phát triển? Kinh nghiệm từ Anh để xây dựng chính sách lâu dài cho điện gió ngoài khơi thế nào, thưa ông?

Bài học quan trọng nhất là giải quyết từng vấn đề một. Việt Nam là một thị trường khá đặc thù, cần áp dụng các bài học kinh nghiệm, ghi chép lại với từng dự án cụ thể mới tìm ra được cách nào hiệu quả và cách nào không hiệu quả.

Xây dựng khung chính sách thế nào để đạt mục tiêu 7.000 MW, tôi nghĩ rằng cần tăng cường đối thoại, chia sẻ tri thức và giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại.

Hiện nay còn khó khăn trong định nghĩa thế nào là điện gió ngoài khơi, xác định điện gió ngoài khơi dựa trên độ sâu khu vực hay khoảng cách dự án tính từ bờ trở ra? Với kinh nghiệm từ các nước định có nghĩa điện gió ngoài khơi, ông có chia sẻ điều gì?

Định nghĩa dự án điện gió ngoài khơi? Tại Anh phân rõ điện trên bờ, điện ngoài khơi có ranh giới rõ ràng. Mỗi quốc gia có một định nghĩa. Quan điểm của tôi là Việt Nam khác so với nhiều quốc gia với khía cạnh này, đặc biệt phía nam Đồng bằng sông Cửu Long nước rất nông, trải dài ra ngoài bờ, có trang trại điện gió gần bờ, kết nối đường đi bộ, rất nhiều trang trại như vậy được xây dựng. Do đó, vấn đề đưa ra định nghĩa theo độ sâu cho điện gió ngoài khơi nên được cân nhắc lại cho một số vùng ở Việt Nam.

Một số dự án điện gió ngoài khơi cách bờ 40-50 km, đây có thể chọn là mốc hành lang giao thông đường biển gần bờ. Ngoài hành lang ấy là điện gió ngoài khơi, trong hành lang ấy là điện gió gần bờ. Đây là gợi ý chúng tôi đưa ra trong hội đồng điện gió toàn cầu. Việt Nam có thể theo ranh giới như vậy.

Về quy mô dự án hợp lý, kinh nghiệm từ Anh, chi phí có thể giảm đi nếu quy mô lớn, rất lớn, quy mô tối thiểu không nên nhỏ hơn 450-500 MW với hai trạm ngoài khơi đảm bảo an ninh nguồn cung.

Tin bài liên quan