Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Thị trường tài chính 24h: Chưa thể gượng dậy

(ĐTCK) VN-Index mất điểm 7 phiên liên tiếp; Xử phạt vụ đổi ngoại tệ sai luật: “Con voi chui lọt, con kiến không qua”; Nỗi khổ của nhà đầu tư chuyên nghiệp; Dòng margin lãi suất thấp âm thầm nhập cuộc; Những “điểm sáng” doanh nghiệp ngành than; Chứng khoán châu Á chưa thể trở lại; Ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Mỹ, Trung Quốc lộ điểm yếu...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua. 

VN-Index giảm xuống 900 điểm

Những tưởng thị trường sẽ chuyển hướng tích cực theo đà tăng của thị trường chứng khoán quốc tế, nhưng chỉ ít phút khi mở cửa, sắc đỏ đã trở lại trước áp lực bán gia tăng, đẩy VN-Index về 905 điểm khi tạm nghỉ giờ trưa.

Sang phiên chiều, đà giảm tiếp tục nới rộng do gánh nặng nhóm bluechip, với tâm điểm là nhóm ngân hàng.

Dường như tâm lý nhà đầu tư càng thận trọng hơn trước những diễn biến khó lường của thị trường khiến dòng tiền tham gia hạn chế, khiến VN-Index lùi sâu hơn khi đóng cửa.

Dòng bank là lực cản chính khi hầu hết bị đẩy lùi như VCB giảm 2,4% xuống 53.500 đồng, CTG giảm 2,2% xuống 22.500 đồng, BID giảm 1,9% xuống 30.600 đồng, TCB giảm 1% xuống 25.850 đồng, VPB giảm 2,5% xuống 21.050 đồng, STB giảm 2% xuống 12.300 đồng.

Các mã lớn khác cũng gia tăng sức ép như MSN giảm 1,3% xuống 76.500 đồng, GAS lùi về tham chiếu, VIC giảm 0,4% xuống 96.400 đồng, MWG giảm 4,4% xuống 108.000 đồng, NVL giảm 1,9% xuống 73.100 đồng, SAB giảm 0,4% xuống 221.200 đồng, VJC giảm 1% xuống 124.800 đồng…

2 mã khác cùng họ Vingroup là VRE và VHM cũng lần lượt giảm sâu hơn. Trong đó, VRE giảm 1,7% xuống 35.500 đồng, VH giảm 5,1% xuống 65.000 đồng.

Điểm đáng chú ý trong nhóm VN30 là GMD. Sau 4 phiên giảm liên tiếp, GMD đã đảo chiều và tăng 7%, lên 26.850 đồng, khớp 2,69 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, trong khi nhiều mã quen thuộc vẫn duy trì sắc đỏ thì ITA lại lội ngược dòng, tăng 6,7% lên 2.690 đồng, khớp lệnh hơn 6 triệu đơn vị.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 2,5 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 29,24 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 475.185 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 16,51 tỷ đồng.

Trên UPCoM, khối ngoại mua ròng 60.100 đơn vị, tổng giá trị là bán ròng 6,6 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 26/10: VN-Index giảm 9,35 điểm (-1,03%), xuống 900,82 điểm; HNX-Index giảm 1,31 điểm (-1,27%), xuống 101,79 điểm; UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,32%), xuống 51,13 điểm.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Trong phiên thứ Tư, kết quả kinh doanh kém khả quan của nhóm sản xuất chip, cũng như tác động của nhóm ngân hàng, năng lượng, phố Wall đã chứng kiến phiên bị bán tháo mạnh, khiến Dow Jones và S&P 500 đánh mất hết những gì đã có từ đầu năm, còn Nasdaq thậm chí còn giảm điểm.

Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch thứ Năm, sắc xanh đã xuất hiện ngay từ đầu phiên và đà tăng được nới rộng dần trên các chỉ số chính của phố Wall nhờ kết quả kinh doanh tích cực của Microsoft.

Cổ phiếu của đại gia công nghệ này tăng 5,8% sau khi có lợi nhuận và doanh thu đều vượt dự báo. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu chip sau khi bị bán tháo hôm thứ Tư đã hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Năm.

Phiên tăng điểm này đã giúp S&P 500 thoát khỏi chuỗi 6 phiên giảm điểm liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 25/10, chỉ số Dow Jones tăng 401,13 điểm (+1,63%), lên 24.984,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 49,47 điểm (+1,86%), lên 2.705,57 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 209,94 điểm (+2,95%), lên 7.318,34 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục yếu đi và có tuần giảm điểm mạnh nhất trong hơn 8 tháng qua, do lo ngại về lợi nhuận của các công ty trong nước đi xuống.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 0,4% xuống 21.184,60 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số này mất 5,7%.

Topix giảm 0,31% xuống 1.596,01 điểm, và cũng mất 5,7% trong tuần này.

Phiên hôm nay, điểm đáng chú ý là cổ phiếu của Canon, khi mất 5,6% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2017, sau khi cắt giảm dự báo lợi nhuận cho đến thời điểm cuối năm nay xuống 251 tỷ yên từ 280 tỷ yên trước đó do doanh số máy ảnh kỹ thuật số đi giật lùi.

"Nếu nhiều công ty tiếp tục dự báo kết quả kinh doanh thấp hơnkế hoạch trước đó thì có khả năng triển vọng cho cổ phiếu của Nhật Bản sẽ bị mây đen bao phủ", Hikaru Sato, chuyên gia phân tích kỹ thuật của Daiwa Securities cho biết.

Nhưng các nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản đã tăng trở lại sau phiên bán tháo hôm thứ Năm, sau khi thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada (NAFTA) mới cho thấy động cơ ô tô và sáu thành phần khác được sản xuất tại các nước này sẽ được miễn thuế.

Theo đó, Toyota Motor tăng 2,1%, Honda Motor tăng 1,7% và Nissan Motor tăng 1,1%.

Thông tin mới nhất là sản lượng công nghiệp tháng 9 của Nhật Bản có thể giảm 0,3% so với tháng trước, theo thăm dò của Reuters. Nguyên nhân chính bởi thiên tai liên tiếp như động đất và bão mạnh.

Bộ thương mại Nhật Bản sẽ phát hành dữ liệu chính thức vào ngày 31/10. Tiếp theo đó là GDP quý III vào ngày 14/11.

Doanh số bán lẻ, một dữ liệu quan trọng khác để đánh giá tăng trưởng GDP quý III, dự kiến tăng 1,6% trong tháng 9 so với một năm trước đó, thấp hơn mức tăng 2,7% của tháng 8.

Ngân hàng Nhật Bản cũng tổ chức một cuộc họp chính sách vào ngày 30 và 31/10, và dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức 0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm là 0%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ, nhưng cả tuần qua vẫn tăng điểm nhờ động lực tâm lý tốt từ những tuyên bố sẽ hỗ trợ thị trường từ chính phủ.

Đóng cử, Shanghai Composite Index giảm 0,2% xuống 2.598,85 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,7% xuống 3.173,64 điểm. Trong tuần, chỉ số SSEC tăng 1,9%, còn CSI300 tăng 1,2%.

Trong nỗ lực mới nhất để chống đỡ áp lực đi xuống thị trường, Trung Quốc cho biết sẽ không còn hạn chế các lĩnh vực đầu tư bằng cách sử dụng vốn bảo hiểm.

Phiên hôm nay, nhiều ngành tiếp tục giảm, nhưng các cổ phiếu bất động sản đi ngược, khi Nhật báo Nhân dân Trung Quốc bác bỏ suy đoán rằng Bắc Kinh đang có ý định hạn chế các giao dịch mua nhà nhằm tránh hiện tượng đầu cơ.

Theo đó, chỉ số phụ theo dõi ngành bất động sản tăng 1,6%, và nó đã tăng 8,5% trong tuần này.

Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất hôm nay có Liaoning Hongyang Energy Resource Invest Ltd tăng 10,09%; Wolong Real Estate Group Co Ltd tăng 10,09% và Hunan Huasheng Co Ltd tăng 10,06%.

Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất gồm Angel Yeast Co Ltd giảm 10,01%; Rongtai Health Technology Corp Ltd giảm 10,01% và Guangdong Champion Asia Electronics Co Ltd giảm 10%.

Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục mất điểm, khi thông báo sẽ hỗ trợ thị trường của chính phủ Trung Quốc không khiến giới đầu tư mấy  hào hứng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,11% xuống 24.717,63 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,16% xuống 10.058,63 điểm.

Trong tuần này, chỉ số Hang Seng giảm 3,3% và chỉ số Hang Seng China Enterprise giảm 1,6%.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng tăng 0,5%, ngành CNTT giảm 3,13%, tài chính giảm 0,89% và bất động sản tăng 0,52%.

Cổ phiếu tăng tốt nhất phiên hôm nay là Sun Hung Kai Properties Ltd, đóng cửa tăng 1,68%, trong khi thua lỗ lớn nhất là Sunny Optical Technology Group Co Ltd giảm 11,11%.

Chỉ số phụ ngành CNTT giảm sâu chủ yếu do gã khổng lồ Internet là Tencent mất 3,6% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017, sau khi công ty này triển khai việc đăng ký bắt buộc phải dùng tên thật cho người chơi trò chơi Honor of Kings nổi tiếng.

Nhóm cổ phiếu H tăng tốt nhất là China Vanke Co Ltd tăng 1,94%; CNOOC Ltd, tăng 1,67% và Guangdong Investment Ltd tăng 0,88%.

Nhóm cổ phiếu H giảm sâu nhất gồm China Life Insurance Co Ltd giảm 6,67%; China Huarong Asset Management Co Ltd giảm 3,6% và New China Life Insurance Co Ltd giảm 3,6%.

Kết thúc phiên 26/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 84,13 điểm (-0,40%), xuống 21.184,60 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,95 điểm (-0,19%), xuống 2.598,85 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 276,83 điểm (-1,11%), xuống 24.717,63  điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC tăng trở lại. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.390 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 10.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,50 - 36,66 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.723 đồng/USD, tăng 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.300 - 23.390 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Xử phạt vụ đổi ngoại tệ sai luật: “Con voi chui lọt, con kiến không qua”

Thông tin một người dân bị phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD tại tiệm vàng đang thu hút sự chú ý của dư luận. Về vấn đề này, theo ý kiến từ các chuyên gia, việc xử phạt là có căn cứ, tuy nhiên, nó cũng cho thấy những bất cập về quản lý ngoại hối..>> Chi tiết

Nỗi khổ của nhà đầu tư chuyên nghiệp

Không ít lần đem “chuông đi đánh xứ người” nhưng đến nay, hàng loạt công ty quản lý quỹ trong nước vẫn “dậm chân tại chỗ” với công cuộc huy động vốn ngoại..>> Chi tiết

Dòng margin lãi suất thấp âm thầm nhập cuộc

Dòng tiền giao dịch ký quỹ (margin) lâu nay vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy giao dịch trên thị trường chứng khoán, nhất là khi các công ty chứng khoán (CTCK) đang áp dụng mức lãi suất hấp dẫn hơn..>> Chi tiết

Những “điểm sáng” doanh nghiệp ngành than

Tính đến hiện tại, ngoại trừ CTCP Than Mông Dương (MDC), 7 doanh nghiệp niêm yết ngành than còn lại đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2018 với bức tranh chung sáng sủa..>> Chi tiết

CPI Hà Nội tháng 10 tăng nhẹ do 2 lần điều chỉnh giá xăng

Cục Thống kê Hà Nội vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,24% so với tháng trước và tăng 4,09% so bình quân cùng kỳ..>> Chi tiết

Ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Mỹ, Trung Quốc lộ điểm yếu

Nhằm đáp trả lại những biện pháp áp thuế của chính quyền Mỹ lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong 2 tháng qua, Trung Quốc đã ngừng việc nhập khẩu dầu từ Mỹ. Với diễn biến này, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra một điểm yếu mà Trung Quốc đang phải đối mặt, đó là “cơn khát dầu” cần nhiều nguồn để giải tỏa..>> Chi tiết

Tin bài liên quan