Hàng Việt yếu sức do công nghiệp phụ trợ

Hàng Việt yếu sức do công nghiệp phụ trợ

Dệt may, da giày đều là những “mũi nhọn” xuất khẩu hàng đầu. Nhưng trong mắt chuyên gia hàng Việt - Kim Hạnh đây là lại hai ngành đáng lo nhất khi về thị trường nội địa bởi phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu nước ngoài.

Chắc chắn nhiều người đồng ý với bà.

 

Thiếu chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ để cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước là vấn đề mấu chốt khiến doanh nghiệp Việt quanh quẩn gia công, lắp ráp hoặc chăm chăm đi làm thương mại.

 

“Rẻ, cồng kềnh, vứt ngay”… mới nội địa hóa

 

Hàng Việt yếu sức do công nghiệp phụ trợ ảnh 1
Giầy dép Việ phụ thuộc  80% vào nguyên phụ liệu nhập khẩu

 

“Mình phải nhập gần như toàn bộ nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Chỉ có chỉ, túi nilon, thùng carton rẻ tiền mà cồng kềnh và có thể…vứt đi ngay sau khi mở hàng mới mua từ nội địa”.

 

Đây là tâm sự rất thật của chị Tống Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Công ty VIEBA chuyên làm hàng dệt may xuất khẩu đi châu Âu.

 

TIN LIÊN QUAN

* Vùng cao cũng “khát” hàng Việt

* Hàng Việt không thể ỷ mãi vào “bà đỡ”

* Giành lại thị trường từ… sạp

* Hàng Việt "gặt hái” nhờ biết bán… đắt

* Hàng Việt vươn lên bằng chất lượng, sự kiên trì

* Thép Việt chiếm lĩnh thị trường nhờ... không gian dối

* Yếu phân phối, hàng Việt còn luẩn quẩn

Lý giải cho sự “sính ngoại” này, chị Hà bảo cũng chẳng có cách nào khác vì ngoài mấy thứ rẻ tiền trên, thị trường nội địa không cho doanh nghiệp nhiều lựa chọn.

 

“Hàng vải trong nước làm kém lắm, màu sắc xấu, chất liệu không đa dạng mà nhiều khi lô sau khác hẳn lô trước”, chị cho biết.

 

Ngoài may xuất khẩu, doanh nghiệp này còn làm hàng dệt nhưng theo chị, chất lượng bông trong nước quá kém nên rút cục vẫn phải nhập hoàn toàn sợi bông từ Thái Lan, Nhật Bản và kéo sợi bằng công nghệ…. Trung Quốc.

 

Ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành của May 10 cũng khẳng định, công ty ông đang làm hàng FOB với tỷ lệ trên 60%, nghĩa là được chủ động 60% về nguyên phụ liệu nhưng cung không dám ủng hộ hàng Việt vì lý do trên.

 

Thừa nhận thực tế này, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, nguyên phụ liệu nghèo nàn là một trong những lý do mảng quần áo nữ bị lép vế hoàn toàn trên sân nhà.

 

"Làm hàng nữ tức là làm hàng thời trang thì nguyên phụ liệu cực kỳ quan trọng. Tôi qua Hong Kong mới thấy nội cái sợi ruy băng viền đồ lót thôi mà đã có đến hàng nghìn loại rồi, ta làm sao bì kịp. Ngành công nghiệp phụ trợ từ máy dệt, máy may đến chỉ, nút… Trung Quốc đều là bậc thầy của mình”, ông Ân nói.

 

Thực tế, Trung Quốc không chỉ là bậc thầy về nguyên phụ liệu dệt may mà còn là “bậc thầy” về nguyên phụ liệu của nhiều ngành mũi nhọn khác của Việt Nam .

 

Da giày - là điển hình thứ hai. Hiện gần 80% đầu vào của ngành này lệ thuộc vào hàng nhập khẩu mà Trung Quốc là nguồn cung chính yếu.

 

Ngoại trừ mấy loại đế bằng chất liệu nhựa hay hàng giả da từ simili, phần lớn nguyên liệu còn lại từ cơ bản như da thuộc đến nhỏ nhặt như khoen, móc… đều phải nhập ngoại.

 

Ngoài lý do cơ bản là ngành chăn nuôi trong nước quá kém khiến nguồn cung da hạn chế, những chi tiết đơn giản từ kim loại hoặc nhựa cũng phải nhập khẩu cho thấy ngành công nghiệp phụ trợ thực sự có vấn đề.

 

Nói nhiều, làm được bao nhiêu

 

Hàng Việt yếu sức do công nghiệp phụ trợ ảnh 2
Dệt- nhuộm -hấp vẫn là câu chuyện dang dở của ngành dệt may

 

Thực tế, công nghiệp phụ trợ là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” hàng chục năm nay nhưng sự chuyển biến hầu như “dậm chân tại chỗ”.

 

Đơn cử ngành dệt may. Nhìn rõ đường đi bất lợi của ngành, Bộ Công Thương đã đề ra mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu lên 50% vào năm 2010, sản xuất 1,5 tỷ mét vải dệt thoi đến năm 2015. Để phục vụ mục tiêu đó, Bộ dự kiến tăng diện tích trồng bông lên 150.000ha để có được 80.000 tấn bông xơ, đáp ứng 50% nhu cầu công nghiệp dệt may trong nước.

 

Đến nay những chỉ tiêu đó vẫn….trên giấy còn chính sách cứ phải “lưỡng lự” giữa bảo hộ ngành nguyên phụ liệu bằng thuế hay hạ thuế để tăng lợi thế cho ngành may.

 

Trong khi đó, vì thiếu đồng bộ nên ngành phụ liệu cũng èo uột theo.

 

Chị Hà cho biết, riêng về khóa thì khóa Nha Trang có chất lượng rất tốt, giá cả ổn. Có điều, mỗi khóa tốt thì chẳng giải quyết được gì bởi theo chị, nhập nguyên phụ liệu phải trọn gói như “đi chợ mua cá phải kèm theo hành ngò, không thể mua một ít mua ở đây một ít ở kia được”.

 

Vì thế, chẳng lạ khi có một số hãng thời trang Việt 100% như Nino Maxx sẵn sàng bán một số mặt hàng “made in China” dưới thương hiệu mình. Rõ ràng, sự thuận tiện và lợi nhuận đã khiến doanh nghiệp dễ dàng chuyển từ sản xuất sang làm thương mại.

 

Tương tự, ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Bitas từng kể, để có được 70% nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam, Bitas đã phải mất 5 tháng đi tìm nhưng mọi việc trở nên nhanh gọn và tiết kiệm hơn hẳn khi mua tại Trung Quốc.

 

Rút cục, đúng như chị Hà nói, chỉ có chỉ, túi nilon, thùng carton… - những thứ có thể vứt đi sau khi mở hàng mới được doanh nghiệp… nội địa hóa.

 

Hệ quả là thị trường nội địa của dệt may và da giày cũng mất luôn vào tay các nhà sản xuất ngoại vì xét cho cùng doanh nghiệp trong nước khó có thể cạnh tranh khi mà 80% đầu vào phải nhập khẩu từ chính đối thủ cạnh tranh.

 

Chỉ vào tấm khăn len có họa tiết rất “Tây” treo mẫu trong văn phòng, chị Hà tiết lộ, đối tác của chị bán được với giá 15 euro, trong khi VIEBA làm từ A-Z, kể cả khâu thiết kế mà chỉ thu được có… 2 euro.

 

Nhìn vào con số chênh lệch “phát khiếp” đó, chị quyết định “đem khăn đi bán xứ… mình”. Nhưng dù chỉ định giá có 80.000 đ/khăn, chị vẫn thất bại nặng nề ở thị trường nội địa vì chưa ra đến chợ, giá mỗi chiếc khăn đã vượt xa 2 euro.

 

“Xuất khẩu thì được cơ chế tạm nhập tái xuất cho nguyên phụ liệu nhưng bán nội địa, mỗi tấm khăn phải gánh thêm 12% thuế, cộng 10% thuế giá trị gia tăng, vị chi đã là 22% so với giá gốc. Chưa tính các chi phí hay yếu tố khác, chỉ so với một chiếc khăn Trung Quốc nhập khẩu “nguyên chiếc”, chất lượng tương đương chúng tôi đã đắt hơn 22% về giá rồi”, chị Hà than vãn.

 

Và như rất nhiều doanh nghiệp dệt may khác, chị đành quay lại với con đường làm hàng xuất khẩu nhưng với sự chuyên tâm hơn vì thị trường nội địa đã trở thành kinh nghiệm “quá đau” để muốn lặp lại.

 

Cũng như vậy, chỉ vì công nghiệp phụ trợ yếu mà tham vọng “nội địa hóa”, “công nghiệp hóa” một số ngành điện tử, ô tô, xe máy… rút cục chỉ dừng ở công đoạn lắp ráp hoặc cuối cùng chuyển hẳn sang đơn thuần nhập khẩu về bán.

 

Rõ ràng, khi thiếu chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ, các nhà sản xuất trong nước khó thoát khỏi “kiếp gia công, lắp ráp” hoặc chạy đi làm thương mại. Chẳng phải tự nhiên mà bà Kim Hạnh- người đồng hành cùng doanh nghiệp hàng chục năm nay với chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng cao đã phải thốt lên “doanh nghiệp Việt Nam cũng tội lắm”.