Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có chuỗi ngày tăng ấn tượng trước và sau Tết Ất Mùi, qua đó giúp thị trường có những phiên tăng điểm tốt, nhất là trong phiên giao dịch chào Xuân Ất Mùi (24/2). Sau chuỗi tăng mạnh trên, áp lực chốt lời đã xuất hiện, khiến các cổ phiếu ngân hàng quay đầu giảm giá trong 2 phiên giao dịch vừa qua. Đã có một số nhận định cho rằng, mức giá chung của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã được đẩy lên quá cao và nhóm cổ phiếu này khó có thể trở lại như đợt tăng vừa qua. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhận định đánh giá, sự điều chỉnh của nhóm cổ phiếu này, cũng như thị trường trong những phiên vừa qua là bình thường và cần thiết để lấy lại thế cân bằng trước khi bước vào giai đoạn tăng mới, với mức điểm mục tiêu của VN-Index trong 2 - 3 tháng tới được dự báo là 670 điểm.
Lý do để một số chuyên gia vẫn tin tưởng vào sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng là việc nhà đầu tư nước ngoài vẫn bền bỉ rót tiền mạnh vào nhóm này, cùng với quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng đang bước vào giai đoạn mới, được dự báo sẽ tích cực hơn.
Trong những ngày qua, thông tin về quá trình tái cấu trúc này cũng liên tục được các cơ quan truyền thông đăng tải.
Theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là giảm xuống còn khoảng 20 ngân hàng trong toàn hệ thống và riêng năm nay sẽ có 6-7 thương vụ M&A trong ngành. Các cái tên được nhắc đến nhiều trong thời gian qua như Eximbank - Nam A Bank, , MDB - Martimebank, Southern Bank - Sacombank, Saigon bank - Vietcombank, GP Bank - VietinBank, MHB hay DongA Bank - BIDV, hay các cái tên khác như OceanBank, VietABank…
Ngoài ra, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có Văn bản số 657/NHNN-TTGSNH về việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các ngân hàng thương mại cổ phần. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại cổ phần đặt trụ sở chính trên địa bàn chưa niêm yết cổ phiếu hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, đồng thời theo dõi, giám sát việc triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu của các đơn vị trên địa bàn; kịp thời báo cáo và đề xuất Thống đốc NHNN các biện pháp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Với nhiều thông tin như trên và sau 2 phiên điều chỉnh, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu trở lại trong phiên giao dịch sáng nay, đúng như nhận định của một số chuyên gia. Tuy nhiên, trước khi nhóm này trở lại, thị trường mở cửa phiên giao dịch sáng nay cũng giống như 2 phiên trước, vẫn là sự thận trọng của bên mua, khiến VN-Index mở cửa trong sắc đỏ.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,31 điểm (-0,05%), xuống 590,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 34,8 tỷ đồng.
Như đã đề cập ở trên, ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, lực mua đã trở lại ở các mã ngân hàng, giúp VN-Index đảo chiều tăng điểm trở lại. Những mã cổ phiếu ngân hàng lớn như VCB, CTG, BID chính là những đầu đầu kéo thị trường đi lên. Dù vậy, áp lực bán vẫn còn khá lớn, nên nhóm cổ phiếu này chưa thể bứt phá và đà tăng của VN-Index cũng chưa thể chắc chắn.
Tương tự, trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng mở cửa trong sắc đỏ, nhưng sau đó nhanh chóng đảo chiều đi lên cùng với tín hiệu tích cực từ sàn HOSE.
Sau thời gian VN-Index giằng co quanh 593 điểm và HNX-Index lình xình sát 85,5 điểm, vào cuối phiên, dòng tiền đầu cơ chảy mạnh, tạo nên cong sóng ở nhóm cổ phiếu khoáng sản và giúp tâm lý hưng phấn lan dần ra cả thị trường, giúp VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất phiên, trong khi HNX-Index cũng ở mức sát 86 điểm.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 4,37 điểm (+0,74%), lên 595,1 điểm với 135 mã tăng và 52 mã giảm. VN30-Index tăng 5,97 điểm (+0,97%), lên 623,02 điểm với 27 mã tăng và không xuất hiện sắc đỏ nào. Tổng khối lượng giao dịch đạt 61,1 triệu đơn vị, giá trị 959,83 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,47 điểm (+0,55%), lên 85,95 điểm với 94 mã tăng và 53 mã giảm. HNX30-Index tăng 1,44 điểm (+0,87%), lên 166,1 điểm với 21 mã tăng và chỉ 2 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,2 triệu đơn vị, giá trị 315,09 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng sau những phút rung lắc đã giữ vững được đà tăng, dù không mạnh, trở thành nhóm dẫn dắt cho sự hồi phục của thị trường. Ngoài nhóm ngân hàng, giúp sức cho VN-Index đảo chiều sáng nay còn có các mã lớn khác như KDC, HPG, HAG, FPT, BVH, DPM, PVD, VIC, MSN…
FLC tiếp tục tăng nhẹ 2 bước giá với hơn 6,7 triệu đơn vị được khớp, trong khi OGC tiếp tục chịu áp lực chốt lời, nhưng lực cầu bắt đáy cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, giúp mã này đóng cửa ở tham chiếu 5.400 đồng với hơn 5 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài FLC, thì KBC, ITA, VHG, DLG, những mã thị trường cũng dần hồi phục cả giá và thanh khoản nhờ dòng tiền đầu cơ chảy mạnh trở lại.
Ngoài BVH, nhóm bảo hiểm trên sàn HOSE cũng có mức tăng tốt như BIC, BMI, thậm chí các mã này có thời điểm đã chạm mức giá trần.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu đáng chú ý nhất trong phiên sáng nay lại là nhóm khoáng sản. Khởi nguồn từ KSA, lực mua bắt đầu tung mạnh vào nhóm này trong nửa cuối phiên, giúp hàng loạt mà tăng trần như BGM, DHM, KSH, KSS, KTB, LCM cũng đang có mức tăng tốt, trong đó KSA thậm chí đang còn dư mua trần.
Nhóm cổ phiếu bất động sản ngoài FLC, KBC, ITA, HQC, cũng có nhiều mã khác tăng tốt như HDG, HBC, ITD, KAC, KDH, NBB, NTL, PPI, SJS, TDH, TDC, DXG…
Trong khi đó, HAI sau khi giảm mạnh phiên hôm qua, tiếp tục chịu áp lực bán mạnh trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, về cuối phiên, cùng với thông tin kết quả kinh doanh khả quan được công bố, đà giảm của mã này đã được chặn lại và đóng cửa ở mức cao nhất phiên 16.900 đồng, giảm 300 đồng với hơn 2 triệu đơn vị được khớp.
Trên HNX, nhóm khoáng sản dù không nổi sóng như trên HOSE, nhưng cũng có được đà tăng tốt, trong đó cũng có xuất hiện sắc tím tại KSK, trong khi BAM có thanh khoản tốt với 1,64 triệu đơn vị được khớp, chỉ đứng sau SHB và KLF (đều được khớp hơn 2,37 triệu đơn vị).
Sắc xanh trên HNX cũng ngự trị ở đại đa số các mã đáng chú ý như SHB, KLF, FIT, KLS, PVX.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là nhân tố hỗ trợ tích cực cho thị trường khi khối này mua ròng gần 1,3 triệu đơn vị trên HNX, với các mã được mua ròng mạnh là KLS, HUT, SHB… Trong khi họ cũng mua vào hơn 5,3 triệu đơn vị trên HOSE trong phiên sáng và vẫn mua vào nhóm ngân hàng khá lớn như CTG, STB, VCB. Ngoài ra, khối này còn mua vào khá lớn các mã bluechip khác như VIC, DPM, HAG…