Ngày 17/12/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 127/2018/TT-BTC Quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ý chứng khoán Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2019.
Theo quy định tại thông tư này, riêng đối với thị trường chứng khoán phái sinh, giá dịch vụ áp dụng tại sở giao dịch chứng khoán đối với hợp đồng tương lai chỉ số là 3.000 đồng/hợp đồng, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ là 5.000 đồng/hợp đồng.
Ngoài ra, tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), giá dịch vụ quản lý vị thế là 3.000 đồng/hợp đồng/tài khoản/ngày còn giá dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ là 0,003% giá trị lũy kế số dư tài sản ký quỹ (tiền + giá trị chứng khoán tính theo mệnh giá)/tài khoản/tháng (tối đa không quá 2 triệu đồng/tài khoản/tháng, tối thiểu không thấp hơn 400.000 đồng/tài khoản/tháng).
Theo chủ trương của Chính phủ, kể từ khi thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động hồi tháng 8/2017, để khuyến khích thị trường này phát triển, các loại phí liên quan tới giao dịch chứng khoán phái sinh đã được phía Nhà nước miễn.
Tuy nhiên, kể từ ngày 15/2/2019 - thời điểm mà Thông tư 127 có hiệu lực thì nhà đầu tư sẽ phải gánh thêm những loại phí nói trên, đẩy chi phí đầu tư của nhà đầu tư tăng cao, đồng nghĩa với việc việc kiếm lời của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh sẽ khó khăn hơn.
Hãy thử lấy 1 ví dụ. Giả sử nhà đầu tư mua 1 hợp đồng tương lai chỉ số ở mức điểm 880 điểm với tỷ lệ ký quỹ là 15% và đóng vị thế ngay trong ngày.
Theo quy định tại Thông tư 127, nhà đầu tư sẽ phải trả 6.000 đồng tiền phí cho HNX cho cả chiều mua và chiều bán. Nếu sau khi đóng vị thế khách hàng không bị lỗ và rút hết tiền ký quỹ về thì họ sẽ không phải đóng phí dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ cho VSD.
Phí chuyển, rút tiền ký quỹ mà nhà đầu tư phải trả cho ngân hàng là 5.500 đồng/lần chuyển, như vậy cả hai chiều thì nhà đầu tư sẽ phải trả 11.000 đồng tiền phí cho ngân hàng.
Giá/thuế chuyển nhượng mà nhà đầu tư phải đóng với số tiền ký quỹ 13.200.000 đồng là 13.200 đồng cho cả 2 chiều mua và bán (giá trị ký quỹ x 0,1%). Như vậy, tổng cộng các loại thuế và phí mà nhà đầu tư phải chi trả trong trường hợp này là 30.200 đồng, chưa kể phí dịch vụ tại công ty chứng khoán.
Trong trường hợp nhà đầu tư giữ vị thế qua ngày thì họ phải trả thêm 3.000 đồng/ngày cho VSD. Ngoài ra họ còn phải trả thêm phí dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ tối thiểu là 400.000 đồng/tháng.
Với những tính toán sơ bộ nói trên, có thể thấy tổng số thuế và phí đối với giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư ở Việt Nam là không hề nhỏ, ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường.
Dường như thực tế đã chứng minh điều này. Trong tuần giao dịch sau Tết Nguyên đán, ngoại trừ ngày đầu tiên, ba ngày tiếp theo số lượng hợp đồng tương lai chỉ số được giao dịch mỗi ngày đều ở mức 120.000 - 130.000 hợp đồng.
Tuy nhiên, ngày 15/2 - ngày Thông 127 chính thức đi vào hoạt động - số lượng hợp đồng được giao dịch chỉ đứng ở mức 88.700 hợp đồng, giảm khoảng 30% so với mức trung bình của những ngày trước đó.
Kinh nghiệm quốc tế
Nếu so với giai đoạn đầu phát triển thị trường chứng khoán phái sinh của các quốc gia và vùng lãnh thổ có TTCK phát triển hiện nay như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… mức thuế suất thuế chuyển nhượng 0,1% mà Việt Nam áp dụng hiện nay là khá cao xét trên khía cạnh khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường này. Hãy cùng xem xét những ví dụ dưới đây.
Một thời gian ngắn sau khi ra đời năm 1996, tại thị trường tài chính Hàn Quốc, hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn chỉ số KOSPI 200 đã rất thành công với giá trị giao dịch liên tục ở mức cao trong top đầu thế giới trong nhiều năm liền, đưa Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc trở thành một trong những sở giao dịch chứng khoán thành công nhất thế giới trong việc phát triển sản phẩm phái sinh trên chỉ số chứng khoán.
Sở dĩ có được sự thành công như vậy là do ngay từ những ngày đầu phát triển sản phẩm phái sinh này, Hàn Quốc đã miễn hoàn toàn thuế giao dịch (transaction tax) cũng như thuế thu nhập (capital gains tax). Mãi cho tới năm 2016, Chính phủ nước này mới bắt đầu áp thuế lên giá trị giao dịch của hợp đồng tương lai chỉ số KOSPI 200, tuy nhiên mức thuế được áp dụng chỉ ở mức 0,001% trên giá trị giao dịch.
Tại thị trường Thái Lan, hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu SET50 ra đời năm 2008 và cũng phát triển rất nhanh sau đó. Từ đó đến nay, Thái Lan đã miễn thuế giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số SET50 cho tất cả các khách hàng cá nhân và chỉ đánh thuế trên thặng dư vốn đối với các khách hàng tổ chức nước ngoài, tùy thuộc vào quốc tịch của nhà đầu tư.
Rất nhiều quốc gia khác cũng thực hiện việc miễn thuế ở giai đoạn đầu khi sản phẩm phái sinh là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu đi vào vận hành.
Thống kê dưới đây của Hiệp hội thị trường vốn Hàn Quốc tại thời điểm 2012 cho thấy, không nhiều quốc gia áp thuế lên giá trị chuyển nhượng/giao dịch hợp đồng tương lai. Các quốc gia áp thuế lên khoản lãi từ đầu tư hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu chủ yếu là các nước như Mỹ, châu Âu khi mà mức thuế thu nhập cá nhân trung bình của các nước này ở mức rất cao so với các nước châu Á.
Đài Loan có lẽ là thị trường có sự tương đồng nhất với Việt Nam về chính sách thuế cho giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu từ khi sản phẩm tài chính này được giới thiệu ra thị trường. Đi vào giao dịch từ năm 1998, hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu của Đài Loan thuở đầu có thuế giao dịch rất cao, lên tới 0,5% giá trị giao dịch.
Tuy nhiên sau đó, để trở nên cạnh tranh hơn với thị trường Singapore trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, Đài Loan đã liên tục giảm mạnh thuế giao dịch với sản phẩm phái sinh trên, năm 2000 giảm 1 nửa còn 0,25%, từ năm 2006 tiếp tục giảm mạnh và đến năm 2013 chỉ còn 0,004%.
Cuối năm 2018, chính quyền Đài Loan quyết định tiếp tục giảm thuế giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu chỉ còn 0,002%. Đây là những quyết định nhằm đẩy mạnh sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh, cho thấy tầm quan trọng của công cụ này trên thị trường vốn.