Bài học từ Mỹ
Georgo Soros, nhà tài phiệt hàng đầu thế giới cho rằng: "Chúng ta không nên sử dụng các công cụ tài chính (chứng khoán phái sinh, bán khống…), vì chúng ta không thực sự hiểu chúng hoạt động như thế nào".
Felix G. Rohatyn, người đã có công giúp NewYork thoát ra khỏi thảm cảnh tài chính những năm 70 của thế kỷ trước mô tả, chứng khoán phái sinh tiềm ẩn một loại bom H (bom Hidro có sức hủy diệt hàng loạt).
Vào năm 2003, Warren Buffett đã đưa ra cảnh báo: "Chứng khoán phái sinh là loại vũ khí tài chính có sức hủy diệt kinh khủng, mang theo những nguy hiểm mà giờ đây - năm 2003 - đang âm ỉ hủy diệt".
Một ví dụ vui đã được The Trumpet.com đưa ra là, một cái nhà vệ sinh, sau khi chứng khoán hóa nhiều lần có thể được bán với giá 417 USD, trong khi, thực tế, nếu bán nó đi, bạn chỉ thu về khoảng 140 USD.
Tổng giá trị danh nghĩa chứng khoán phái sinh lưu hành của hệ thống ngân hàng mỹ |
Vậy tại sao các công cụ tài chính cao cấp vẫn được sử dụng và phát triển bùng nổ tại Mỹ và nhiều nước khác? Alan Greenspan, nguyên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã từng phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ rằng: "Trong suốt những năm qua, chúng ta đã thấy rằng chứng khoán phái sinh đã trở thành công cụ hết sức hữu hiệu để chuyển giao rủi ro từ những người không sẵn sàng chấp nhận cho những người sẵn sàng chấp nhận nó". Greenspan nhấn mạnh rằng, "đó có thể là một sai lầm" cho việc thắt chặt kiểm soát các chứng khoán phái sinh. Hơn một thập kỷ qua, chính Alan Greenspan là người cực lực phản đối việc kiểm soát chặt chẽ các công cụ chứng khoán phái sinh tại Quốc hội và phố Wall.
Không thể phủ nhận, chứng khoán phái sinh đã chứng tỏ sức hấp dẫn của mình như thế nào trong các năm trước đây. Thống kê đầu năm 2000, tổng giá trị chứng khoán phái sinh giao dịch chiếm % không nhỏ trong tổng doanh thu tại các tập đoàn hàng đầu. Tính đến cuối tháng 9/2008, tổng giá trị chứng khoán phái sinh trên thế giới vào khoảng gần 600 nghìn tỷ USD, với tổng giá trị danh nghĩa lên tới trên 1,28 triệu nghìn tỷ USD, một con số… khủng khiếp.
Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, bán khống và nợ tín dụng dưới chuẩn đã đẩy Mỹ và các nước khác rơi vào khủng hoảng. Chỉ hơn hai tháng trước, Alan Greenspan đã phát biểu trước Quốc hội rằng, ông thừa nhận sai lầm khi không kiểm soát nghiêm ngặt các chứng khoán phái sinh. Nhiều chuyên gia kinh tế đã phát biểu rằng: "Khủng hoảng hiện tại có thể đã được phòng ngừa nếu Alan Greenspan hành động khác đi với chứng khoán phái sinh".
Vậy, Việt Nam nên hay không nên triển khai các công cụ chứng khoán phái sinh?
Nên, nhưng cần có lộ trình
Tất nhiên, câu trả lời là nên áp dụng. Nhưng, khi nào áp dụng lại là vấn đề cần suy nghĩ. Như chúng ta đã thấy, lợi ích lớn nhất của việc triển khai các công cụ tài chính cao cấp trên chính là việc ngăn ngừa rủi ro và tạo cơ hội kiếm lời ngay cả khi TTCK đi xuống. Tuy nhiên, để hạn chế được những mặt thiếu tích cực của chứng khoán phái sinh cũng như giúp công cụ mới ra đời được triển khai hiệu quả, không "chết yểu" thì có 4 yếu tố cần phải được đáp ứng, đó là: kiến thức NĐT, quy mô thị trường, cơ sở pháp luật và hệ thống, năng lực giám sát của cơ quan quản lý.
Trước hết là kiến thức NĐT. Như đã thấy, từ việc mua tràn lan các chứng khoán phái sinh mà bong bóng tín dụng bất động sản mới có điều kiện để phát triển và gây hậu quả như hiện nay. Thêm nữa, phần lớn chứng khoán phái sinh là một kiểu zero-sum game, tức là chỉ có được và mất mà không có giá trị tăng thêm. Vì vậy, đi kèm với khả năng sinh lời chính là những rủi ro rất lớn của NĐT.
Do đó, để triển khai tốt các công cụ chứng khoán phái sinh trong thực tế thì yêu cầu đầu tiên là chính các NĐT, những người sử dụng công cụ đó phải am hiểu sâu sắc về chúng. Vậy, câu hỏi đặt ra là, bao nhiêu % NĐT Việt Nam hiểu biết tường tận về các công cụ này? E rằng, câu trả lời sẽ là rất khiêm tốn, bởi trước hết là sự mới mẻ, thứ hai là công tác đào tạo của chúng ta về các công cụ tài chính cũng chỉ ở mức độ giới thiệu. Ngay cả nhiều tổ chức tài chính trong nước, trong quá trình tìm hiểu về chứng khoán phái sinh cũng gặp lúng túng trong định giá và xây dựng cơ chế hoạt động cho các sản phẩm này.
Nhiều ý kiến cho rằng, không khó để NĐT thích nghi với chứng khoán phái sinh vì ngay với TTCK, năm 2005 vẫn chưa có mấy người biết về nó, nhưng đến nay, hầu như các NĐT đều hiểu các chỉ tiêu cơ bản, tỷ lệ NĐT làm quen với phân tích kỹ thuật, phân tích ngành… tăng cao. Ý kiến này cho rằng, NĐT có thể tham gia vì động cơ lợi nhuận và qua thời gian, họ sẽ dần hiểu về chúng. Nhưng, với rủi ro rất lớn của chứng khoán phái sinh, chúng ta không thể mạo hiểm để NĐT "mò mẫm".
Thứ hai, quy mô TTCK. Với quy mô TTCK hiện tại đang rất khiêm tốn, với giá trị vốn hóa hai sàn chỉ trên 230.000 tỷ đồng thì việc áp dụng các công cụ chứng khoán phái sinh e là sẽ rất khó khăn. Bản chất của việc cung cấp các công cụ chứng khoán phái sinh của các tổ chức là họ có thể kiếm lời do làm trung gian mua - bán các chứng khoán phái sinh trái chiều của những người có quan niệm khác nhau về xu hướng tăng - giảm của giá chứng khoán hay một loại sản phẩm, dịch vụ nào đó. Do đó, với quy mô nhỏ, các tổ chức tài chính sẽ gặp khó khăn trong việc phát hành cả về quy mô và khả năng rủi ro của chúng. Với quy mô quá nhỏ, lợi nhuận thu về từ cung cấp dịch vụ chưa chắc đã đủ bù đắp chi phí nghiên cứu và vận hành, chưa kể, bản thân các tổ chức cũng có thể rơi vào trò chơi được - mất, nếu thị trường chủ yếu do một nhóm người cùng ý tưởng tham gia.
Thứ ba, cơ sở pháp luật. Một điều dễ thấy là, chúng ta chưa có khung pháp lý rõ ràng cho việc triển khai các công cụ chứng khoán phái sinh. Do đó, cơ quan quản lý cần sớm xây dựng khung pháp lý cơ bản để tạo tiền đề cho các tổ chức, cá nhân tìm hiểu và làm quen với các công cụ này.
Thứ tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và khả năng giám sát. Mở ra một sân chơi mới không phải là đảm bảo để tất cả các thành viên tham gia đều chiến thắng, mà chính là tạo điều kiện cho tất cả các thành viên được cạnh tranh ngang bằng. Đó chính là nguyên nhân khiến yêu cầu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ giao dịch và giám sát phải là một trong những yếu tố không thể thiếu. Nếu triển khai các công cụ chứng khoán phái sinh mà không đi kèm với việc minh bạch hóa và tăng khả năng giám sát, rủi ro cho các NĐT là rất lớn. Với chứng khoán phái sinh, nếu không có giám sát tốt, khả năng biến các sàn giao dịch thành nơi thao túng giá là điều khó tránh khỏi và khi đó, lợi ích cho NĐT chưa thấy đâu, mà chỉ thấy khả năng ra về "sạch túi"!
Ông Phạm Quang Huy, Phó tổng giám đốc CTCK Bảo Việt từng phát biểu rằng, rủi ro lớn mà có thắng thì lợi nhuận cũng không cao thì lý do gì để đầu tư? Có lẽ, với chứng khoán phái sinh, trong bối cảnh các yếu tố để đảm bảo phát triển ổn định, hạn chế rủi ro chưa được xây dựng và duy trì, thì tốt hơn cả là chúng ta nên đi vào giai đoạn "chuẩn bị" thay cho việc thực hành kiểu "mò mẫm".