Ảnh AFP

Ảnh AFP

Chứng khoán Nhật Bản là nơi trú ẩn cho nhà đầu tư

(ĐTCK) Các nhà đầu tư chứng khoán trên toàn cầu có nhiều lý do để lo lắng: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, lãi suất đi lên và xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt… Trong bối cảnh này, Nhật Bản nổi lên như một “nơi trú ẩn” an toàn với chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng, du lịch bùng nổ và lợi suất trên thị trường chứng khoán được cải thiện.

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Nhật Bản, nhưng cũng như nhiều thị trường khác, chứng khoán tại xứ sở hoa anh đào không phản ánh chính xác những lực đỡ này.

Chứng khoán Nhật Bản là nơi trú ẩn cho nhà đầu tư  ảnh 1

Diễn biến chỉ số Topix. 

Chỉ số Topix đã theo đà xuống dốc trong năm 2018, giảm hơn 22% so với mức đỉnh đạt được vào tháng 1/2018, xuống mức thấp nhất 2 năm qua. Vào cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã chính thức đóng cửa năm 2018 với tháng 12 tệ nhất trong lịch sử 59 năm qua. Tổng kết năm cũ, nhà đầu tư quốc tế đã bán ròng hơn 48 tỷ USD tại thị trường này.

Mặc dù vậy, bước sang năm 2019, trong môi trường nhiều rối loạn của các thị trường tài chính toàn cầu, Nhật Bản vẫn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong mắt giới đầu tư. Tính cho tới năm 2018, quốc gia này đã lập được kỷ lục tăng trưởng kinh tế liên tục trong 74 tháng, chuỗi thời gian dài nhất trong lịch sử, theo báo cáo của Chính phủ Nhật Bản được Nikkei trích dẫn.

Bên cạnh đó, bối cảnh chính trị ổn định cũng là một ưu điểm luôn được giới đầu tư đánh giá cao. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại đảng cầm quyền vào tháng 9/2018, củng cố thêm sức mạnh cho mục tiêu cải cách theo chương trình Abenomics mà vị thủ tướng này đã theo đuổi từ khi nhậm chức.

Ở giai đoạn hiện tại, 3 mũi tên của chương trình Abenomics là thúc đẩy tăng trưởng sản xuất bằng việc đa dạng hóa lực lượng lao động, điều chỉnh các loại thuế doanh nghiệp và cải tổ các lĩnh vực đang được nhà nước bao bọc như nông nghiệp và y tế.

Với môi trường vĩ mô ổn định và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã công bố lợi nhuận đạt mức cao kỷ lục trong những quý gần đây.

ROE của chỉ số MSCI Nhật Bản đã tăng gấp đôi lên 9,8% từ mức 4,4% năm 2012 và được dự báo sẽ đạt 12% vào năm 2025, theo báo cáo của Morgan Stanley. Trong đó, nguyên nhân chính của diễn biến này là việc biên lợi nhuận của doanh nghiệp được cải thiện khi các loại thuế được điều chỉnh.

Một trợ lực tích cực khác cho tăng trưởng kinh tế là lĩnh vực du lịch đang trong thời kỳ bùng nổ. Trong 15 năm tính tới 2018, tổng lượng khách du lịch quốc tế tới Nhật Bản vào khoảng gần 5 triệu người.

Nhưng riêng năm 2018, quốc gia này chào đón 30 triệu du khách và dự tính sẽ có thêm 40 triệu người sẽ tới Nhật Bản nhờ sự kiện Olymics năm 2020 sắp tới. Chính phủ Nhật Bản đang gấp rút hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hơn nữa để nắm bắt cơ hội kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ sự kiện này.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư lựa chọn Nhật Bản để rót vốn trong năm mới nên tập trung vào các doanh nghiệp khai thác mạnh thị trường tiêu dùng nội địa như Matsumotokiyoshi Holsings Co, một trong những chuỗi cửa hàng dược phẩm lớn nhất Nhật Bản; hoặc Camera Inc, chuỗi cửa hãng phân phối mọi loại thiết bị điện tử.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp địa phương, nhưng có sức hấp dẫn lớn với người tiêu dùng nước ngoài, cũng là đối tượng cần để mắt, chẳng hạn nhà sản xuất giày Asics Corp và nhà sản xuất bánh kẹo Morinaga & Co.

Đáng chú ý, một trong những vấn đề lớn nhất mà Nhật Bản đang phải đối mặt là tình trạng già hóa dân số. Dân số hiện tại của quốc gia này vào khoảng hơn 127 triệu người và được dự báo sẽ giảm 1/3 trong chưa tới 50 năm tới, trong khi tỷ lệ sinh quá thấp.

Tuy nhiên, điều này không làm các nhà đầu tư nản chí. Jesper Koll, CEO của quỹ đầu tư WisdomTree Japan Inc cho biết: “Hãy nhìn vào mặt tích cực. Thế hệ lớn tuổi sẽ để lại tài sản cho thế hệ kế tiếp, cùng với đó, sức mua sẽ gia tăng trong thời gian tới”.

Tin bài liên quan