Giới đầu tư trên phố Wall bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới với nỗi lo về lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất 4 năm sau khi kho bạc tăng cường đi vay. Việc này làm dấy lên lo ngại về áp lực lạm phát và gia tăng thâm hụt ngân sách. Do đó, phố Wall chủ yếu dao động trong sắc đỏ suốt phiên giao dịch đầu tuần mới.
Tuy nhiên, về cuối phiên, nhờ kết quả kinh doanh quý I khả quan của một số doanh nghiệp được công bố, các chỉ số chính của phố Wall hãm đà rơi và bắt đầu đi lên, trong đó S&P may mắn nhất khi kịp chớm sắc xanh khi đóng cửa, còn Dow Jones hụt nửa bước chân.
Theo số liệu của Thomson Reuter, dự báo lợi nhuận quý I năm nay của các công ty thuộc S&P 500 sẽ tăng 20%, mức tăng mạnh nhất trong 7 năm. Còn trong khoảng 18% số doanh nghiệp đã công bố, có 78,2% số doanh nghiệp có lợi nhuận tốt hơn dự báo.
Kết thúc phiên 23/4, chỉ số Dow Jones giảm 14,25 điểm (-0,06%), xuống 24.448,69 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,15 điểm (+0,01%), lên 2.670,29 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 17,52 điểm (-0,25%), xuống 7.128,60 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần mới nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, do các ngân hàng là những người nắm giữ trái phiếu lớn.
Kết thúc phiên 23/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 30,70 điểm (+0,42%), lên 7.398,87 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 31,89 điểm (+0,25%), lên 12.572,39 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 25,73 điểm (+0,48%), lên 5.438,55 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường chính đồng loạt chìm trong sắc đỏ do ảnh hưởng từ đà giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng, công nghệ do ảnh hưởng từ đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ trên phố Wall trong phiên cuối tuần trước sau dự báo nhu cầu smartphone toàn cầu sẽ sụt giảm.
Kết thúc phiên 23/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 74,20 điểm (-0,33%), xuống 22.088,04 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 190,26 điểm (-0,63%), xuống 30.228,07 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,53 điểm (-0,11%), xuống 3.068,01 điểm.
Trên thị trường vàng, với việc đồng lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên mức cao nhất 4 năm, đẩy đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất hơn 3 tháng khiến giá vàng tiếp tục giảm sâu trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 23/4, giá vàng giao ngay giảm 11,0 USD/ounce (-0,82%), xuống 1.324,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 13,6 USD/ounce (-1,02%), xuống 1.324,0 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục duy trì sắc xanh và vẫn ở mức cao nhất gần 3 năm rưỡi khi giới đầu tư lo ngại về rủi ro địa chính trị, nhất là cuộc khủng hoảng ở Trung Đông khi Washington đe dọa hủy thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Kết thúc phiên 23/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,24 USD (+0,35%), lên 68,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,65 USD (+0,87%), lên 74,71 USD/thùng.