Tăng trưởng việc làm của Mỹ trung bình 231.000 việc làm trong nửa đầu năm nay là mức tốt nhất kể từ năm 2006. Điều này cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi tốt sau quý sụt giảm do ảnh hưởng của thời tiết trong quý I/2014.
Tăng việc làm được lan rộng ra khắp các lĩnh vực. Ngành dịch vụ công nghiệp tăng thêm 236.000 việc làm, mức lớn nhất kể từ tháng 10/2012, lĩnh vực sản xuất tạo thêm 16.000 việc làm, mức tăng tháng thứ 11 liên tiếp, lĩnh vực xây dựng và việc làm trong Chính phủ cũng tăng tháng thứ 6 liên tiếp với 26.000 việc làm.
Những được thông tin hỗ trợ tích cực, Phố Wall tức khắc khởi sắc với chỉ số Dow Jones lập kỳ tích khi lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mốc 17.000 điểm, mức cản cứng mà chỉ số này đã không thể chinh phục nổi trong 2 phiên vừa qua. Trong khi đó, S&P 500 lần thứ 25 trong năm nay thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, còn Nasdaq cũng đóng cửa ở mức cao nhất kể từ năm 2000 và có tuần tăng thứ 3 liên tiếp và là tuần tăng thứ 7 trong 8 tuần giao dịch gần đây với mức tăng giai đoạn này là hơn 10%.
Kết thúc phiên 3/7, chỉ số Dow Jones tăng 92,02 điểm (+0,54%), lên 17.068,26 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,82 điểm (+0,55%), lên 1.985,44 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 28,19 điểm (+0,63%), lên 4.485,92 điểm.
Ngày thứ Sáu (4/7), Phố Wall nghỉ giao dịch ngày Lễ độc lập. Tính chung trong tuần, Dow Jones tăng 1,3%, S&P 500 tăng 1,25% và Nasdaq tăng 2%.
Ngoài thông tin hỗ trợ từ Mỹ, chứng khoán châu Âu còn được hỗ trợ bởi thông tin từ khu vực. Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, một lượng lớn các biện pháp đưa ra tháng trước sẽ giúp lạm phát khu vực đồng euro tăng lên và hỗ trợ cho vay ngân hàng. Ngoài ra, ECB sẵn sàng bơm tiền ra trong tương lai để hỗ trợ nền kinh tế nếu cần thiết.
Những thông tin trên giúp chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong phiên thứ Năm, trong đó, chứng khoán Đức cũng tạo nên kỷ tích khi chỉ số DAX vượt qua mốc 10.000 điểm, còn chỉ số FTSEurofirst 300 đóng cửa tăng khoảng 1%, lên 1,398.24 điểm, gần mức cao nhất 6 năm rưỡi đạt được cuối tháng 6 là 1,399.62 điểm.
Kết thúc phiên 3/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 48,84 điểm (+0,72%), lên 6.865,21 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 118,16 điểm (+1,19%), lên 10.029,43 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 45,16 điểm (+1,02%), lên 4.489,88 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á lại điều chỉnh giảm nhẹ trong phiên thứ Năm đề chờ đợi thông tin về bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ.
Kết thúc phiên 3/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 21,68 điểm (-0,14%), xuống 15.348,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 18,18 điểm (-0,08%), xuống 23.531,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 3,81 điểm (+0,19%), lên 2.063,23 điểm.
Giá vàng đang lình xình thì bất ngờ lao mạnh sau thông tin về bảng lương phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ được công bố. Sau đó, giá kim loại quý này cũng nỗ lực hồi phục nhờ lực mua kỹ thuật để hãm bớt thiệt hại trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 3/7, giá vàng giao ngay giảm 7,6 USD (-0,58%), xuống 1.319,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 10,3 USD (-0,77%), xuống 1.320,6 USD/ounce.
Bất chấp dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, giá dầu vẫn tiếp tục giảm mạnh do giới đầu tư kỳ vọng nguồn cung từ Trung Đông sẽ được nối lại.
Kết thúc phiên 3/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,42 USD (-0,40%), xuống 104,06 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,24 USD (-0,22%), xuống 111,00 USD/thùng.