Nếu đạt kế hoạch trên, VCSC sẽ có thành tích lợi nhuận tăng trưởng trong 8 năm liên tiếp (2013-2021).
Cổ tức năm 2021 dự kiến ở mức 10 - 15%. Đối với năm 2020, theo tờ trình phân phối lợi nhuận, lũy kế đến 31/12/2020, lợi nhuận chưa phân phối của Bản Việt hơn 1.572,5 tỷ đồng. Công ty xin ý kiến cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt (đợt 2) thêm 20%/VĐL, tương ứng chi 331,2 tỷ đồng để trả cổ tức.
Như vậy, cổ tức năm 2020 lên đến 30%, trong đó 10% đã được tạm ứng vào tháng 12/2020.
VCSC còn có tờ trình quan trọng khác về việc tăng vốn lên 3.330 tỷ đồng, gấp đôi so với mức vốn hiện nay thông qua việc phát hành ESOP và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tỷ lê 1:1.
Cụ thể, VCSC sẽ phát hành 900.000 cổ phiếu ESOP với giá 15.000 đồng/cp, cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Nguồn vốn huy động được sử dụng để bổ sung vốn lưu động Công ty và giảm nợ vay.
Chương trình phát hành ESOP của VCSC đã được duy trì nhiều năm nay. VCSC mong muốn thu hút và giữ được những nhân viên có năng lực bằng cách tạo ra nhiều hơn nữa cơ hội và động lực cho nhân viên thăng tiến trong công việc cũng như gắn kết và cống hiến lâu dài cho Công ty.
Trong ngành chứng khoán, đội ngũ nhân sự của Bản Việt quy tụ nhiều nhân tài được đánh giá cao về chuyên môn cũng như kinh nghiệm. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh vượt trội của VSCS, đưa tên tuổi Chứng khoán Bản Việt gắn liền với vị thế hàng đầu, đặc biệt trong lĩnh vực Ngân hàng đầu tư (IB) tại Việt Nam, không những thế còn là công ty chứng khoán hầu như duy trì được hiệu quả kinh doanh trong mọi điều kiện thị trường, tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) thường xuyên cao nhất trong ngành, đồng thời nhiều năm liền trong Top 3 thị phần giao dịch trên HOSE.
Sau khi phát hành ESOP, Bản Việt sẽ thực hiện phát hành thêm 166,5 triệu cổ phiếu để chia thưởng cho cổ đông, tỷ lệ 1:1. Cổ phiếu phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng.
Nguồn vốn thực hiện phát hành lấy từ thặng dư vốn cổ phần; quỹ đầu tư phát triển; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; quỹ khác (nếu có) được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ phù hợp với quy định của pháp luật theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020.
Ngoài ra, ĐHCĐ 2021 của VCSC cũng sẽ tiến hành bầu cử HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2021-2026; và các tờ trình về thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát và khoản thưởng vượt kế hoạch cho Ban Tổng giám đốc.
Như mọi năm, HĐQT VCSC tiếp tục có tờ trình không nhận thù lao trong năm 2021. Đồng thời, HĐQT VCSC đề xuất mức thưởng cho Ban Tổng giám đốc là 8% số tiền vượt so với lợi nhuận trước thuế thực hiện năm 2020, nhưng Ban Tổng giám đốc chỉ được nhận thưởng khi lợi nhuận trước thuế thực hiện năm 2021 cao hơn so với lợi nhuận trước thuế thực hiện năm 2020.
Về kế hoạch năm 2021, HĐQT đặt ra mục tiêu tăng trưởng những cũng rất thách thức cho đội ngũ Điều hành với doanh thu 2.050 tỷ đồng, tăng 18,5% và lợi nhuận sau thuế 1.250 tỷ đồng, tăng đến 31,4%.
Nhìn lại năm 2020, VCSC có một năm kinh doanh tích cực, doanh thu 1.730 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận trước thuế 951 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019 và vượt 73% kế hoạch cả năm. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2020 đạt 4.643 đồng; tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) đạt 17,9%.
VCSC tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ở mảng IB, với 82 tỷ đồng doanh thu và 67 tỷ đồng lãi trước thuế chỉ trong quý IV/2020.
Một số thương vụ tư vấn tiêu biểu được VCSC thực hiện thời gian qua như thương vụ thoái vốn của một nhóm cổ đông CTCP Bao bì Biên Hòa (SVI) để chuyển nhượng 94,11% cổ phần cho Siam Cement Group (SCG) thông qua công ty con TCG Solutions; thương vụ đăng ký giao dịch cổ phiếu ABB của ABBank trên thị trường UPCoM; thương vụ hủy giao dịch cổ phiếu LPB của LienVietPostBank trên UPCoM để chuyển sang sàn HOSE…
Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu VCI cũng tăng trưởng ấn tượng hơn 247% trong 1 năm vừa qua. Hiện VCI đang ở mức 64.700 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 9% trong 1 tuần gần nhất và tăng hơn 20% từ đầu năm đến nay.