Chưa xem xét điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam sẽ được xem xét vào thời điểm thích hợp để giữ ổn định giá, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.
Các doanh nghiệp cảng biển liên tục kiến nghị điều chỉnh tăng giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container.

Các doanh nghiệp cảng biển liên tục kiến nghị điều chỉnh tăng giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container.

Đây là thông tin quan trọng trong Thông báo số 89/TB – VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam được tổ chức hôm 21/3/2022.

Theo đó, Phó Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của các doanh nghiệp cảng biển thời gian qua, vừa duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch Coviid- 19 diễn biến phức tạp, vừa bảo đảm chuỗi cung ứng phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Mặc dù tình hình phát triển kinh tế năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022 của cả nước đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, đồng thời giá một số mặt hàng đang ở mức cao (như: xăng dầu, gas, phân bón, vật tư y tế phòng chống dịch…), gây áp lực lạm phát trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các bộ tại cuộc họp, việc điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển tại thời điểm hiện nay chưa phù hợp với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 2/3/2022, có thể tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực.

Do vậy, Phó Thủ tướng thống nhất với ý kiến của Bộ GTVT và các bộ, trước mắt chưa xem xét điều chỉnh giá giá dịch vụ bốc dỡ container tại các cảng biển, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Trong thời gian chưa điều chỉnh giá, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tăng cường các biện pháp quản lý về giá dịch vụ cảng biển, các loại phụ phí (THC…) hạn chế tối đa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá hoặc thu giá, phí không phù hợp, sai quy định.

Bộ GTVT cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Hiệp hội tiếp tục rà soát để nghiên cứu đề xuất hoặc hoàn thiện các quy định thuộc thẩm quyền về giá dịch vụ cảng biển, bảo đảm lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả của các cảng biển đang khai thác và đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển cảng biển theo Chiến lược phát triển kinh tế biển, Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng, toàn diện các yếu tố về cơ cấu, mức giá các dịch vụ bảo đảm phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh khai thác cảng biển và điều kiện kinh tế đất nước theo quy định pháp luật …, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định vào thời điểm phù hợp.

Được biết, khung giá dịch vụ bốc dỡ container quy định tại Thông tư số 54/2018/TTBGTVT ngày 14/11/2018 quy định khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, giá dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam (quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT).

Khung giá bao gồm giá tối thiểu và tối đa với biên độ chênh lệch giữa giá tối thiểu và giá tối đa khoảng 20-40%.

Hiện tại gần như tất cả các doanh nghiệp cảng biển trên cả nước đều áp dụng giá tối thiểu quy định tại Thông tư.

So sánh với các nước trong khu vực giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu tại Việt Nam đang áp dụng thuộc mức thấp trong khu vực, bằng 38-59% so với mức giá bình quân của các nước trong khu vực, bằng 80% Campuchia, 70% Malaysia, 46% Singapore.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, dù đang áp dụng mức giá tối thiểu nhưng các doanh nghiệp cảng trong nhiều năm vừa qua đều hoạt động hiệu quả (có lãi), đặc biệt ghi nhận mức tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm 2021 khi sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng cao. Đây cũng có thể coi là việc đầu tư hiệu quả về cơ sở hạ tầng cảng biển.

Tin bài liên quan